Cần chấm dứt kết cục buồn được báo trước

ANTD.VN - Nỗi đau của cha mẹ và thầy cô trước quyết định tự vẫn của một người con ngoan, một học trò giỏi sẽ còn kéo dài mãi, nhất là khi cái kết xấu này không nằm ngoài những cảnh báo về gánh nặng học tập chèn ép nhiều học sinh lâu nay.

Những ngày này, không ít phụ huynh mang theo cảm giác bàng hoàng, thậm chí là băn khoăn lo lắng trước sự thật hiện hữu rằng con em mình đang phải gánh chịu sức nặng quá lớn từ những yêu cầu, sức ép không có điểm dừng về kết quả học tập. Sự suy sụp dẫn tới quyết định bộc phát, dại dột lại đến từ chính những học sinh tưởng như chín chắn, ngoan hiền và đáp ứng tốt mọi kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô.

Không lo sợ sao được khi người lớn là chính bậc phụ huynh và những thầy cô hàng ngày sát cánh với các em không thể nắm bắt, hiểu rõ được những diễn biến tâm lý tiêu cực của học trò để rồi dẫn đến dấu chấm hết quá sớm cho tương lai của một con người, thậm chí là của cả một gia đình, dòng họ.

Cảm giác bất an này cũng xuất phát từ việc bản thân người lớn không biết phải sửa chữa từ đâu những sai lầm dẫn đến cái kết như vậy. Thế nào là quá tải? Thế nào là trầm cảm? Thế nào là rối nhiễu tâm lý tuổi học trò?... Liệu con em mình có vướng phải những vấn đề này không? Làm sao để phát hiện mà phòng ngừa, ngăn chặn trước khi quá muộn?

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà không dễ có lời giải khi cuộc “chạy đua” gay gắt trong các kỳ thi vẫn hàng ngày diễn ra khó có điểm dừng. Từ lớp 1 chưa biết chữ, nhiều học sinh đã phải học thêm, luyện trước để vào được trường chọn, trường uy tín. Áp lực tiếp tục tăng dần đến các lớp lớn hơn khi vào lớp 6 cũng phải đảm bảo học bạ đẹp, có thành tích cao trong các kỳ thi để vào được các trường bố mẹ mong muốn. Lớp 9 nếu chùng xuống sẽ trượt công lập, rồi các cuộc học thêm, luyện thi ngày đêm để vào trường chuyên, lớp chọn. Tiếp đến là thành tích, là sức ép học tập để đạt học bổng du học hay đỗ vào các trường đại học danh tiếng...

Suốt 12 năm học phổ thông là những cuộc kiểm tra, thi cử liên miên, là những cuộc “chạy đua” từ sáng đến tối, từ lớp học này sang lớp học khác, chưa kể những lời cằn nhằn, mắng mỏ, bức ép nếu kết quả không như bố mẹ, thầy cô mong muốn.

Một thực tế đáng lo ngại là chính tại các trường chuyên, lớp chọn, những trường nổi tiếng về thương hiệu, thành tích thì áp lực với học trò lại càng lớn. Đáng tiếc là dù biết được những nguy cơ đến từ tình trạng quá tải, sức ép tâm lý với học trò nhưng bản thân gia đình, thầy cô lại không có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn những kết cục đáng tiếc.

Ở một khía cạnh khác, thực tế, ngoài phạm vi chuyên môn môn học, khả năng can thiệp về tâm lý của giáo viên với mỗi học sinh hạn chế về cả trình độ lẫn phạm vi. Đâu phải giáo viên nào cũng có chuyên môn để tư vấn tâm lý, đâu phải phụ huynh nào cũng nghe thầy cô nhắc nhở, khuyên nhủ khi thấy con em họ có hiện tượng quá tải, mệt mỏi.

Trong khi đó, đội ngũ tư vấn tâm lý của các trường học dù được nhận định là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay lại quá thiếu và yếu. Rõ ràng nếu tiếp tục phó mặc hoàn toàn cho nhà trường, hoặc chỉ để đáp ứng kỳ vọng của bản thân cha mẹ mà bỏ qua những biểu hiện, mong muốn chính đáng của các em thì chẳng ai dám chắc, những câu chuyện buồn như trên sẽ không tiếp tục xảy ra trong lứa tuổi học trò.