Cận cảnh thành phố “thông minh” nhất châu Âu

ANTĐ - Các thành phố lớn trên thế giới đang đặt ra mục tiêu trở thành “thành phố thông minh”, nhưng với Santander, ở Tây Ban Nha, điều đó đã hiển hiện. Công nghệ tự động đã cảnh báo cho người dân về nạn ùn tắc giao thông, điều khiển hệ thống nước tưới trong công viên cũng như tự động bật tắt đèn đường. Santander đang trở thành hình mẫu cho các thành phố khác ở châu Âu và trên toàn thế giới.

Mô hình hệ thống truyền tải dữ liệu của thành phố thông minh Santander

Thử nghiệm cuộc sống tương lai

Tại Tây Ban Nha, Santander gần 100 năm trước đã được vua Alfonso XIII chọn là nơi cư trú mùa hè của Hoàng gia. Thời gian này, du khách tò mò đến đây vì lý do khác.  Santander - một thành phố cảng bên bờ Đại Tây Dương  được xếp ở vị trí hàng đầu nếu xét đến các yếu tố “thông minh”. Santander được ví như một phòng thí nghiệm thử nghiệm sống, với dân số khoảng 180.000 người - không quá lớn cũng không quá nhỏ để hoạt động theo mô hình thành phố thông minh. “Đây là tương lai, là phương cách duy nhất để thay đổi mọi thứ”, Thị trưởng Inigo de la Serna, 42 tuổi tự hào công bố. Ông nhấn mạnh rằng tất cả các thành phố lớn cuối cùng cũng sẽ làm như vậy.

Luis Munoz, 48 tuổi, là một giáo sư CNTT tại Đại học Cantabria. Ông đã được tài trợ gần 9 triệu euro tiền nghiên cứu, phần lớn là từ Liên minh châu Âu để  phát triển một thành phố thông minh nguyên mẫu. Munoz đã cài đặt 10.000 bộ cảm biến quanh trung tâm thành phố Santander, trên diện tích khoảng 6km2. Những bộ cảm biến này đặt trong hộp nhỏ màu xám gắn với các phương tiện công cộng, cột đèn, cột điện, tường các tòa nhà hay chôn dưới bãi đỗ xe.

Công dụng của các bộ cảm biến là đo mọi thứ có thể: ánh sáng, áp suất, nhiệt độ, độ ẩm hay chuyển động của xe và người. Chừng vài phút, chúng lại truyền tải dữ liệu đến máy tính trung tâm của Luis Munoz. Hệ thống biết chính xác nơi ùn tắc giao thông, nơi có tiếng ồn và nồng độ ozone vượt quá giới hạn của EU. Chỉ cần tai nạn xảy ra ở một đoạn đường nào đó, các nhà vận hành sẽ quan sát, đánh giá được tai nạn sẽ ảnh hưởng đến giao thông của thành phố như thế nào. Hệ thống đèn đường cũng vậy, máy tính sẽ thông báo chính xác vị trí đèn hỏng cần thay, đèn còn biết tắt đi khi đường không có người hay mờ đi những đêm trăng sáng. Tương tự, các bộ cảm biến giúp tiết kiệm nước tưới tại công viên Parque de las Llamas, còn các thùng rác công cộng luôn được thu dọn đúng lúc.

Nhưng quan trọng hơn cả, một thành phố thực sự thông minh là khi người dân có thể tiếp cận và chia sẻ thông tin dễ dàng.

Hòa vào “Nhịp đập thành phố”

Thị trưởng Inigo de la Serna rất hứng khởi với ứng dụng mới có tên gọi “Nhịp đập thành phố” trên iPhone của ông, nhờ đó mà mọi người dân Santander đều có thể truy cập dòng dữ liệu của thành phố. Ví dụ, ai đó chờ tại một trạm xe buýt và muốn biết khi nào có chuyến xe tiếp theo, người đó chỉ cần bật ứng dụng trên điện thoại thông minh lên, chọn vị trí trạm xe buýt. Điện thoại ngay lập tức hiển thị tất cả lịch trình, thời gian các tuyến qua bến xe buýt đó. Chọn nhà hát thành phố, mọi người sẽ được trả lời về các chương trình, sự kiện diễn ra trong vài ngày đến vài tuần tiếp theo. Qua ứng dụng này, khách du lịch sẽ biết được thông tin về lịch sử một đài phun nước ở trung tâm thành phố hay thông tin khuyến mãi ở siêu thị mà họ đang đến gần.

Một ví dụ khác, nếu như trước đây, người dân phát hiện trên đường có ổ gà, họ gọi đến đường dây nóng của chính quyền thành phố hoặc viết thư phản ánh. Bây giờ, chỉ cần họ mở ứng dụng, chụp ảnh hiện trường, nhấp chuột gửi dữ liệu về vị trí và mức độ hư hỏng đến nhà chức trách. Từ đó, máy tính sẽ chuyển thông tin cho người có trách nhiệm. Cư dân thành phố và các phương tiện truyền thông có thể sử dụng chính ứng dụng này để theo dõi quá trình khắc phục sửa chữa. Tất nhiên, người có trách nhiệm sẽ phải hoàn thành càng sớm càng tốt.

Dự án đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, đáng nói là đến nay chưa phát hiện bất cứ hành vi phá hoại nào vào hệ thống cảm biến. Nhất là kể từ tháng 10-2012, khi người dân Santander được làm quen với 500 đề mục khi ứng dụng “Nhịp đập thành phố” ra đời. “Chúng tôi muốn tạo ra một mối tương tác mới giữa nhân dân và chính quyền thành phố”, Thị trưởng Inigo de la Serna giải thích. Ngài Thị trưởng còn hy vọng các lập trình viên sẽ tạo ra thêm nhiều ứng dụng mới để Santander ngày càng “thông minh” hơn.