Cận cảnh “lò luyện hoa hậu” ở Philippines

ANTĐ - Với hàng loạt người đẹp được vinh danh tại các đấu trường sắc đẹp lớn trên thế giới, Philippines đã trở thành một trong những “cường quốc” về sắc đẹp. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công này là cả quá trình chuẩn bị công phu và chu đáo của các "lò" đào tạo hoa hậu. 

Cận cảnh “lò luyện hoa hậu” ở Philippines ảnh 1Các cuộc thi sắc đẹp đã giúp Lubina thoát nghèo

Khổ luyện để thành “ngôi sao” 

Từ khi còn bé, Janicel Lubina, năm nay 19 tuổi, đã quá quen với cảnh chân lấm tay bùn ở quê nhà Palawan. Hai mẹ con Lubina đều làm người giúp việc, bố bị đột quỵ nên mọi việc trong gia đình đều do hai mẹ con cáng đáng. Cô chia sẻ: “Có lần bà chủ bắt tôi phải lau sàn cả ngày vì điều gì tôi làm bà ấy cũng không ưng. Tôi không thể làm người giúp việc mãi…”. Thời gian sau, một nhà trang điểm tình cờ phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn và chiều cao lý tưởng của Lubina rồi giúp cô đến với những cuộc thi sắc đẹp ở địa phương. Năm 2013, Lubina đã đoạt giải thưởng 3.000 peso (68USD) ở cuộc thi sắc đẹp đầu tiên trong đời. Với số tiền đó, cô có thể giúp đỡ gia đình và điều trị cho bố. Món quà đáng nhớ nhất của Lubina là chiếc tivi. Cô cho biết: “Nó thậm chí chẳng phải một chiếc tivi màn hình phẳng nhưng rất có ý nghĩa vì trước đây, bố mẹ tôi từng phải sang nhà hàng xóm xem nhờ tivi”. 

Sự nghiệp bắt đầu tiến triển, Lubina trở thành thành viên của Kagandahang Flores (Vẻ đẹp của hoa) - một trong những trường đào tạo hoa hậu ở Manila. Tại đây, những thiếu nữ e thẹn, với dáng người cao gầy đến từ những miền quê xa xôi được “nhào nặn” trở thành những búp bê đầy tự tin trên những đôi giày cao 15cm. Trong các buổi tập, các học viên phải đi lại trên sân bóng rổ không ánh đèn trong bộ bikini theo chỉ đạo của người hướng dẫn. Mục tiêu là phải thành thục dáng đi chuyên nghiệp của một siêu mẫu. Ông Rodin Gilbert Flores - giám đốc trường huấn luyện rất khắt khe với các học viên của mình: “Họ có thể phải chịu đau đớn để một ngày nào đó trở thành những nữ hoàng”. 

Cũng giống như Lubina, các cuộc thi sắc đẹp được các cô gái Philippines hết sức ưa chuộng. Họ đều hi vọng sẽ trở thành ngôi sao và làm người đại diện cho quê hương đi thi Hoa hậu Hoàn vũ. 

Cận cảnh “lò luyện hoa hậu” ở Philippines ảnh 2Những cô gái trẻ tập luyện trong khóa đào tạo hoa hậu ở Manila

“Cường quốc” về nhan sắc 

Philippines hiện nay được xem là một “cường quốc” về nhan sắc, đứng đầu châu Á về số lượng vương miện hoa hậu đã giành được. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công này là cả quá trình chuẩn bị công phu và chu đáo, trong đó, các "lò" đào tạo hoa hậu giữ vai trò rất quan trọng. Minh chứng gần đây nhất là hai người đẹp Philippines:  Bea Rose Santiago đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2013 và Hoa hậu Trái đất 2014 Jamie Herrell đều do “lò luyện” Kagandahang Flores đào tạo. 

Một trong những ông trùm đào tạo hoa hậu “mát tay nhất” ở Philippines là Jonas Gaffud, Giám đốc điều hành Công ty người mẫu Mercator. Ông Jonas Gaffud và nhóm cố vấn của mình trung bình mỗi năm đào tạo 10 cô gái để chuẩn bị cho các cuộc thi sắc đẹp. Năm 2013, Megan Young – “gà nòi” của ông Gaffud đã làm rạng danh đất nước khi giành được ngôi vị Hoa hậu Thế giới. Chia sẻ về việc chọn lựa và đào tạo ứng viên tiềm năng, ông Gaffud cho biết các cô gái lọt vào “mắt xanh” của ông phải cao tối thiểu 1m65 và có khuôn mặt đẹp. Mỗi ứng viên phải được đào tạo chuyên sâu ít nhất 6 tháng trước khi ra “đấu trường”. Khóa đào tạo bao gồm: Nghiên cứu tiêu chí và đặc thù của cuộc thi, học cách tự làm tóc và trang điểm, tập thể dục cho cơ thể săn chắc, học cách đi đứng uyển chuyển, học trả lời câu hỏi… 

Trong khi đó, một huấn luyện viên của lò luyện khác, cô Seifert cho biết, các học viên sẽ phải tập luyện cực kỳ căng thẳng và vất vả. Các chuyên gia sẽ nghiên cứu ưu, khuyết điểm của các học viên để chọn ra màu son, trang phục và phong cách thích hợp với họ. Những thứ này sẽ theo họ đến các cuộc thi. Đôi khi họ phải vừa tập vừa trả lời các câu hỏi ứng xử từ phía chuyên gia đào tạo để tập phản ứng nhanh. Điều đặc biệt tại các lò luyện hoa hậu tại Philippines đó là các chuyên gia, cố vấn dù được trả tiền hay không thì họ vẫn làm việc “vì đam mê” và thực sự sống cùng các học viên để hiểu, đào tạo họ trở thành các ngôi sao tỏa sáng.

Không những thế, đối với các cô gái trẻ, các cuộc thi sắc đẹp còn mở ra cơ hội để họ thoát nghèo. Hoa hậu Philippines năm 1985, bà Joyce Burton-Titular cho biết, việc giành được vương miện Hoa hậu 30 năm trước đã cho bà sự tự tin để thử sức trong sự nghiệp diễn xuất, cũng như làm một phát thanh viên. “Các cuộc thi sắc đẹp ngày nay tạo ra cơ hội ngang nhau cho tất cả mọi người. Bạn có thể đến từ nơi nghèo nhất nhưng vẫn có thể chiến thắng”, bà Joyce chia sẻ.