Cán bộ quản lý đất đai “luộc” đất công

ANTĐ - Biết rõ hàng trăm mét vuông đất không đủ điều kiện cấp “sổ đỏ”, song Tuấn vẫn” bật đèn xanh”, rồi trực tiếp góp sức chuyển hóa đất đai bất hợp pháp. Đổi lại, một cựu cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh được hưởng một mảnh đất, trị giá cả tỷ đồng.

Cựu cán bộ quản lý đất đai Nguyễn Mạnh Tuấn (thứ 2, bên trái) cùng “bộ sậu” tại tòa

Từ kháng cáo đến kêu oan…

Cho rằng hình phạt tại bản án sơ thẩm là quá nặng, Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1984, trú ở tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) - cựu cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đông Anh đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Đồng phạm của Tuấn, Lê Thị Khoắn (tức Mai, SN 1965, ở thôn Đìa, xã Nam Hồng), Đỗ Ngọc Cung (SN 1971, trú tại thôn Nhuế, xã Kim Chung) – cựu cán bộ địa chính xã Nam Hồng và Ngô Văn Hùng (SN 1978) – cựu Trưởng thôn Đìa, xã Nam Hồng, đều thuộc huyện Đông Anh cũng có đơn xin được hưởng mức án nhẹ hơn hình phạt ở bản án sơ thẩm. Riêng Ngô Thị Út (SN 1984, trú ở thôn Ba Chữ, xã Vân Nội) - cựu cán bộ địa chính xã Nam Hồng xin được hưởng án treo vì đang nuôi con nhỏ. Trước đó, ngày 26-5 vừa qua, TAND huyện Đông Anh đã lần lượt áp dụng mức án từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với Nguyễn Mạnh Tuấn cùng đồng phạm.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm qua (12-8), các bị cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo, ngoại trừ cựu Trưởng thôn Đìa thay đổi nội dung kháng cáo sang kêu oan… Sau nửa ngày xét xử, hành vi phạm tội của Tuấn cùng đồng phạm đã được làm rõ và không có oan sai. Cụ thể, gia đình ông Trần Trọng Viễn (ở thôn Đìa, xã Nam Hồng) sử dụng một số thửa đất, trong đó có thửa đất số 34, tờ bản đồ số 33 với tổng diện tích 565m2 tại địa phương. Đây vốn là ao của tập thể, nhưng gia đình ông Viễn đã tự ý san lấp và lấn chiếm sử dụng riêng. Năm 2010, Khoắn được ông Viễn cho biết hiện trạng, nguồn gốc các mảnh đất của gia đình ông đều chưa có “sổ đỏ”. Thấy có thể “hô biến” đất lấn chiếm thành đất hợp pháp, Khoắn lập tức giao kèo là sẽ làm “sổ đỏ” cho các thửa đất gia đình ông Viễn đang sử dụng mà không phải nộp bất kỳ một đồng nào. Đổi lại, Khoắn phải nhận được toàn bộ mảnh đất số 34. 

Kế hoạch “luộc” đất công

Nhận được cái gật đầu của ông Viễn, “cò” chạy “sổ đỏ” tức tốc tìm gặp Tuấn bàn kế hoạch “luộc” đất công và chia đôi lợi ích. Theo chỉ dẫn của Tuấn, Khoắn thuê một đơn vị đo đạc địa chất đến nhà ông Viễn lập bản vẽ chi tiết và hồ sơ kỹ thuật từng thửa đất, đồng thời nhận 5 bộ hồ sơ tương ứng từ cựu cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đông Anh. Riêng thửa đất số 34 được đo vẽ và lập hồ sơ kỹ thuật thành 2 phần bằng nhau. Nhằm che đậy phần đất hưởng lợi bất chính, Khoắn và Tuấn yêu cầu ông Viễn ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất số 34 cho những người thân của 2 đối tượng. Khi hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” đã hội đủ thông tin, Khoắn mang đến nhờ Ngô Văn Hùng (anh họ Khoắn) xác nhận hiện trạng đất. Ngoài ra, “cò” chạy “sổ đỏ” còn nhờ cựu Trưởng thôn Đìa ký khống  một số biên bản bắt buộc trong việc chuyển nhượng đất đai để hợp thức hóa hồ sơ. 

Bước tiếp theo, Tuấn đưa các hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” của gia đình ông Viễn cho Đỗ Ngọc Cung nhờ hoàn thiện nốt, rồi trình cá nhân, tổ chức có thẩm quyền xét duyệt. Thời điểm đó, Cung biết rõ một số thửa đất của gia đình ông Viễn, trong đó có thửa đất số 34 không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhưng vẫn giao cho Ngô Thị Út hoàn tất thủ tục mà không hề kiểm tra, xác minh nguồn gốc, hiện trạng thực tế. Cuối cùng là hồ sơ đất đai đến tay Tuấn xem xét, thẩm tra nên đối tượng đã dễ dàng đệ trình UBND huyện Đông Anh lần lượt cấp “sổ đỏ” đối với các thửa đất của gia đình ông Viễn, trong đó có 2 “sổ đỏ” tương ứng với toàn bộ diện tích ở thửa đất số 34. Khi vụ án bị phanh phui, Khoắn đã kịp bán phần đất hưởng lợi bất chính với giá hơn 1,7 tỷ đồng, còn Tuấn thì chưa kịp tẩu tán tài sản.

Quá trình xét xử phúc thẩm, tất cả các bị cáo đều khai báo rất rành mạch về thủ đoạn “luộc” đất công và việc lợi dụng chức quyền của bản thân. Tuy nhiên riêng bị cáo Hùng lại cho rằng hành vi của đối tượng không cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như bản án sơ thẩm đã quy kết. Bởi theo cựu Trưởng thôn Đìa và luật sư bào chữa cho bị cáo thì việc đối tượng ký hay không ký vào hồ sơ xin cấp “sổ đỏ” của gia đình ông Viễn chẳng có ý nghĩa gì. Nói cách khác là chữ ký của trưởng thôn không có giá trị về mặt pháp lý, do đó sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án này… Mặc dù vậy, sau khi xem xét toàn bộ nội dung vụ án, Tòa án Hà Nội quyết định giữ nguyên tội danh ở bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, do các bị cáo có thêm một số tình tiết mới nên HĐXX phúc thẩm quyết định giảm một phần hình phạt cho Nguyễn Mạnh Tuấn, xuống còn 3 năm 9 tháng tù. Các bị cáo liên quan cũng đều được giảm 9 tháng tù.