Cán bộ liêm chính, dân thêm tin tưởng

ANTĐ - Sáng 25-7, Quốc hội đã nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và thảo luận về một số nội dung liên quan.

Nguyên nhân chính gây bức xúc xã hội

Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4  chuyên đề giám sát: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP); Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phát biểu mở đầu phần thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội được nêu ra trong Tờ trình là những vấn đề rất nóng, rất bức xúc trong xã hội, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, tất cả những vấn đề bức xúc đó đều tập trung vào một nguyên nhân, đó là sự vận hành của bộ máy Nhà nước và sự thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận định, nếu có bộ máy tốt, đội ngũ cán bộ công chức biết đến trách nhiệm và bổn phận của mình thì không có nền hành chính còn nhiều ách tắc phiền hà, không có đầu tư dàn trải, kém hiệu quả để hàng triệu, hàng tỷ USD lãng phí mỗi năm, không có xả thải làm ô nhiễm khủng khiếp như ở một số tỉnh miền Trung vừa qua, không có nạn cấp khống giấy chứng nhận hợp chuẩn phân bón, cấp khống giấy chứng nhận chất lượng thủy sản trong chăn nuôi làm cho người dân khốn đốn...

Qua phân tích trên cho thấy, sự vận hành của bộ máy Nhà nước và việc thực hiện trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đang là nguyên nhân chủ yếu của những vấn đề nóng trong xã hội, rất cần Quốc hội giám sát. “Vì vậy, tôi đồng tình cao với việc triển khai nội dung giám sát cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Tôi đề nghị cần làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm của cơ quan tổ chức hành chính các cấp và trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Nếu thực hiện thành công cuộc giám sát này ngay từ đầu nhiệm kỳ sẽ góp phần kiện toàn, củng cố Nhà nước vững mạnh. Hoạt động giám sát này sẽ giúp chúng ta củng cố về niềm tin của người dân đối với Nhà nước, chế độ, mang lại giá trị thiết thực, góp phần xây dựng Luật Hành chính công” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương kiến nghị.

Cần bộ máy trong sạch, vững mạnh, liêm chính

Còn theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn hình thức, chưa thực sự quyết liệt và mạnh mẽ. Các ngành, địa phương xử lý chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) cũng thẳng thắn nhìn nhận, các báo cáo của các địa phương với đoàn giám sát chưa kịp thời, chưa chính xác.

Chất lượng giám sát liên quan đến sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa cao. Báo cáo giám sát thường “khen nhiều, chê ít”, giám sát không tập trung vào những vấn đề bức xúc theo kiến nghị của cử tri, không chỉ rõ sai phạm thuộc cơ quan, cá nhân nào, kết quả tiếp thu xử lý không đeo bám đến cùng. 

Nói về những yếu kém trong tổ chức bộ máy hành chính,  đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối hàng đầu. Trên cơ sở đó, đại biểu Bùi Văn Phương đề xuất 2 nội dung Quốc hội nên giám sát  trong năm 2017 là việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách nhà nước giai đoạn 2011-2016 và giám sát bộ máy, cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ này. Lý do vì “nếu chúng ta có một bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính thì chắc chắn không để xảy ra sai sót”.

“Chúng ta rất buồn khi báo chí nói “ăn không từ thứ gì”, giờ thêm cụm từ “bán không từ thứ gì”. Bán từ giấy chứng nhận VietGap, bán giấy chứng nhận sản phẩm lưu hành, bán chứng nhận con dấu... Nếu khắc phục được những tồn tại trên thì sẽ không có chuyện “bán không trừ thứ gì, ăn không trừ thứ gì” nữa. Cùng với đó, cần xem lại việc quy trách nhiệm cá nhân. Nếu không chịu trách nhiệm cá nhân thì sẽ tiếp tục có sai sót” - đại biểu Bùi Văn Phương phân tích.