Cán bộ đã nghỉ hưu, nếu bị tố cáo cũng phải xử lý chứ không được để lọt

ANTD.VN - Phát biểu thảo luận tổ tại đoàn ĐBQH TP Hà Nội sáng nay, 8-11, về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, trường hợp người dân có đơn tố cáo những cán bộ đã nghỉ hưu thì cũng phải có quy định, cơ quan cụ thể thụ lý giải quyết.

Sáng nay, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Góp ý vào dự luật này, ĐBQH Đào Thanh Hải nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật tố cáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Tuy vậy, một số điều quy định trong dự luật này cần được điều chỉnh hoặc quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi.

ĐB Đào Thanh Hải phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội sáng nay, 8-11

Theo ĐB Đào Thanh Hải, phạm vi điều chỉnh của Luật này chưa đề cập đến việc xử lý đơn tố cáo với những cán bộ đã nghỉ hưu với lý do trong Luật Cán bộ công chức, viên chức chưa quy định việc xử lý đối với người đã nghỉ hưu. Tuy nhiên mong muốn của người dân và một số ĐBQH là phải xử lý cả các trường hợp này nếu có vi phạm. Thực tế, thời gian qua, chúng ta cũng đã xử lý một số trường hợp cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm.

Phó Giám đốc CATP Hà Nội phân tích, cái khó là với những người nghỉ hưu, theo quy định thì họ không còn là cán bộ ở cơ quan đó nữa. Do vậy khi cơ quan của người cán bộ này nhận được tố cáo về các vi phạm hành chính của người cán bộ đó trong quá trình công tác trước kia, lúc này ai là người ký kết luận kỷ luật cán bộ đó, có quyền ký kỷ luật hay không là vấn đề phải tính tới.

“Quan điểm của tôi, đối với người nghỉ hưu bị tố cáo về vi phạm hành chính, chúng ta cần có quy định cụ thể về xử lý trong luật này, giao một cơ quan nhất định thụ lý, xử lý vấn đề đó thì mới đảm bảo được việc thực thi luật tố cáo đầy đủ, toàn diện, không để lọt sai phạm, không để những người cán bộ có nhiều vi phạm rồi khi nghỉ hưu thì hạ cánh an toàn” – ĐB Đào Thanh Hải nhấn mạnh.

Một nội dung khác còn nhiều ý kiến trái chiều là về hình thức tố cáo quy định trong dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). ĐB Đào Thanh Hải tán thành với dự luật quy định 2 hình thức là tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp để xác định rõ trách nhiệm người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cũng đề nghị cần bổ sung, quy định rõ các hình thức tố cáo khác như qua hộp thư điện tử, điện thoại, fax nếu có đầy đủ ngày tháng năm tố cáo, họ tên, địa chỉ người tố cáo thì các cơ quan phải thụ lý, giải quyết.

Tương tự, với các đơn thư tố cáo nặc danh nhưng người gửi có gửi kèm theo những tài liệu, chứng cứ như ảnh, băng ghi âm, tài liệu chứng minh hành vi vi phạm… theo ĐB Đào Thanh Hải, cũng phải xem xét giải quyết, không để lọt vi phạm.

Riêng với quy định về việc rút tố cáo, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, nếu người tố cáo thấy tố cáo không đủ căn cứ thì họ có quyền tự rút lại đơn là hợp lý. “Tất nhiên chúng ta phải quy định cụ thể đối với các trường hợp bị ép buộc, bị mua chuộc, hay đe dọa để rút đơn tố cáo, từ đó có chế tài xử lý riêng. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định về việc rút đơn tố cáo một cách cụ thể hơn chứ không chỉ quy định chung chung” – ĐB Đào Thanh Hải nói.