Cần “bình đẳng” với các bệnh nam học

(ANTĐ) - Theo GS.TS.NGND Trần Quán Anh - Giám đốc Trung tâm nam học - Bệnh viện Việt Đức, số người tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh nam học ở Việt Nam ngày một tăng. Hiện cứ 100 cặp vợ chồng thì có 15 cặp chưa có con, trong đó trên 50% nguyên nhân từ nam giới và tỷ lệ này đang có chiều hướng gia tăng.

Cần “bình đẳng” với các bệnh nam học

(ANTĐ) - Theo GS.TS.NGND Trần Quán Anh - Giám đốc Trung tâm nam học - Bệnh viện Việt Đức, số người tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh nam học ở Việt Nam ngày một tăng. Hiện cứ 100 cặp vợ chồng thì có 15 cặp chưa có con, trong đó trên 50% nguyên nhân từ nam giới và tỷ lệ này đang có chiều hướng gia tăng.

Có thể chỉ ra các nguyên nhân sau: Thứ nhất, là do các tác động của xã hội như cường độ sinh hoạt ngày càng căng thẳng, kèm theo sự mất cân đối trong sinh hoạt, công nghiệp hóa học phát triển dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân thứ 2 là sự chuyển biến trong quan niệm của cộng đồng về các bệnh nam học. Các bệnh nam học trước đây vốn bị coi là các “bệnh khó nói” mà theo tập tục y học phương đông, dư luận rất khe khắt, quan niệm cực đoan, chỉ trích, châm biếm.

Đây là lý do khiến nhiều người có bệnh nhưng không dám tìm đến các cơ sở y tế để khám, chữa. Những năm gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng và nhiều hội thảo đã đưa ra và kêu gọi bình đẳng về bệnh tật đối với các bệnh nam học,  nên đến nay, dư luận đã rộng lượng hơn với căn bệnh này và những người có bệnh đã bắt đầu tìm đến các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, đa số các bệnh nhân vẫn bày tỏ mong muốn được khám ở một nơi hẻo lánh, ít người biết đến. Đây cũng là nguyên nhân khiến Gs Trần Quán Anh quyết định mở Phòng khám đa khoa Tiết niệu và Nam học Tâm Anh tại địa chỉ 30A Lý Nam Đế, và đã có quyết định thành lập Bệnh viện Tâm Anh - chuyên khoa Tiết niệu và Nam học

Nhu cầu khám, chữa bệnh nam học của bệnh nhân là rất lớn. Trong khi đó, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh lại vô cùng ít ỏi. Hiện tất cả các cơ sở khám chữa bệnh nam học chỉ tập trung tại Hà Nội và TP HCM, với số lượng cơ sở chính thống đếm trên đầu ngón tay. Trung tâm Nam học, tiền thân là đơn vị Nam học, trực thuộc khoa tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức và khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân TP HCM là hai đơn vị đầu tiên của ngành nam học.

Sau đó, một số cơ sở khác cũng được thành lập như khoa Nam học - Học viện Y dược học cổ truyền, khoa Hiếm muộn - BV Phụ Sản trung ương, bộ môn Phôi - Học viện Quân y, BV Phụ sản Hà Nội, Phòng khám Tâm Anh, khoa Nam học - BV Y dược TP HCM, Bệnh viện Từ Dũ, Phòng khám Nam học Bệnh viện quận An Bình... Các tỉnh thành khác hoàn toàn không có, dẫn đến việc thiếu trầm trọng các cơ sở khám chữa bệnh.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực. Trung tâm Nam học - Bệnh viện Việt Đức là cơ sở hàng đầu trong ngành nam học nhưng hiện nay cũng chỉ có 6 bác sỹ chuyên nghành nam học và phải tận dụng lực lượng kiêm nhiệm  của bệnh viện. Một vấn đề đáng quan tâm cho tương lai ngành nam học Việt Nam khi nhu cầu bệnh nhân ngày càng tăng là việc chuẩn bị và trang bị mọi mặt về nhân sự cho lĩnh vực vẫn được coi là mới mẻ này.

Trong khi tại nhiều nước, tất cả các trường đại học y khoa đều có bộ môn nam học thì ở nước ta đến giờ mới có vài cơ sở bắt đầu đào tạo là Đại học Y dược TP HCM với bộ môn Nam học, Học viện Y học Cổ truyền với bộ môn Y học tình dục. Đại học Y Hà Nội, một điều đáng buồn là bộ môn nam học lại phải dạy “núp” dưới mã số của bộ môn Tiết niệu.

Tài liệu phục vụ bộ môn nam học hiện cũng đang rất thiếu thốn. Cuốn sách được coi là bộ giáo trình giảng dạy nam học trong các trường đại học hiện nay chỉ có cuốn Bệnh học giới tính nam do Giáo sư Trần Quán Anh viết năm 2002.

Hiện Trung tâm Nam học cũng đang gấp rút biên soạn cuốn sách chuẩn quốc gia để hướng dẫn trong toàn quốc có tên: Hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó có các bệnh nam học. Có thể nói, đây là những dấu hiệu đáng mừng của ngành nam học sau một thời gian dài bị ngành y tế bỏ quên.

Hà Linh