“Căn bệnh” tăng giá thuốc

ANTĐ - Mặc dù không gây ồn ào dư luận, không tác động mạnh và ảnh hưởng tới đời sống kinh tế-xã hội như khi tăng giá xăng dầu hay giá điện, giá thuốc chữa bệnh vẫn “âm thầm” tăng hàng tuần, hàng tháng, trong khi số lượng thuốc giảm giá chỉ nhỏ giọt như giá xăng dầu. Cộng hưởng với gần 400 dịch vụ y tế vừa tăng giá đến “chóng mặt”, việc tăng giá thuốc chẳng khác gì bồi thêm một cú khiến người bệnh, nhất là người bệnh nghèo càng thêm choáng váng.

Theo Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam, cuối tháng 7 và đầu tháng 8 đã có khoảng 28 lượt mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tăng giá và 32 lượt mặt hàng dược phẩm nhập khẩu tăng giá. Điều đáng ngạc nhiên và đáng nghi ngờ là các loại thuốc đều “rủ nhau” đồng khởi tăng giá giống như hiện tượng các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cùng đồng loạt tăng một mức giá như nhau. Tại nhiều nhà thuốc lớn ở Hà Nội đã bước vào một đợt tăng giá mới, từ nhóm thuốc kháng sinh, điều trị tim mạch, huyết áp cho đến thuốc giảm đau, hạ sốt nhập khẩu tăng 7-10% và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Đáng lo ngại là, không chỉ các cửa hàng thuốc tư nhân tăng giá “thoải mái” mà nhiều cửa hàng trong bệnh viện cũng “bảo nhau” tăng giá cao bất thường, thậm chí cao hơn cả giá bán đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, lợi nhuận, lãi vay, chi phí văn phòng mà nhà nhập khẩu đã đăng ký với Cục Quản lý dược. Tại cuộc hội thảo mới đây ở Hà Nội cho thấy, quy định cũ đấu thầu mua thuốc được áp dụng mấy năm qua đã bộc lộ quá nhiều “lỗ hổng”. Đấu thầu ở nhiều nơi, nhiều lúc làm cho giá thuốc trở nên hỗn loạn, người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người bệnh. Trong khi đó, quy định đấu thầu mới được liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành cách đây hai tháng vẫn chưa có cơ sở y tế nào “động tới”. Bộ phận dược phẩm thuộc Bảo hiểm xã hội cho biết, biệt dược gốc là nhóm thuốc tốt nhất và thường có giá cao nhất, nhưng qua các cuộc đấu thầu ở một số bệnh viện lớn lại có giá rất chênh lệch.

Đơn cử, cùng một hoạt chất có cùng hàm lượng, nhưng do các hãng dược nước ngoài sản xuất và mang một cái tên thuốc khác nhau, khi đấu thầu ở các bệnh viện khác nhau lại có giá cao hơn biệt dược gốc từ 22-25%, thậm chí lên tới 41%. Chưa hết, loại thuốc có cùng nguồn gốc xuất xứ, cùng hàm lượng và quy cách đóng gói, song chỉ qua “cửa” đấu thầu ở các bệnh viện Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, giá đã được “thổi” lên tới 47%, thậm chí 120%. Cuộc “hành trình” của viên thuốc qua cuộc đấu thầu chẳng khác gì “mê hồn trận”, đến cơ quan quản lý dược còn khó lần ra, huống chi là người bệnh. Quy định hiện hành yêu cầu giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện không được cao hơn giá kê khai tại Cục Quản lý dược. Tuy nhiên, giá do doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm, nên có tình trạng kê khai tại Cục một giá, kê tại bệnh viện một giá. Sau đó họ “điềm nhiên” được thắng thầu với giá cao gấp 2-3 lần so với giá kê khai tại Cục mà chẳng ai phát hiện cả.

Vấn đề tăng giá thuốc, quản lý lỏng lẻo đấu thầu mua thuốc, giá cả nhập khẩu… đã được bàn luận từ mười năm nay, song xem ra vẫn bó tay. “Căn bệnh” tăng giá thuốc vô tội vạ dường như đã… nhờn thuốc, rốt cuộc đều đổ hết lên đầu người bệnh. Lợi nhuận kiếm được từ thuốc chữa bệnh cứu người vẫn tiếp tục “chảy” vào túi công ty, doanh nghiệp, bệnh viện.