Dự luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Cần bảo vệ nhà báo theo đúng tinh thần Luật báo chí

ANTĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, dự Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình QH xem xét, thông qua kỳ này, quy định trách nhiệm của báo chí trong việc cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc làm rõ hành vi tham nhũng là chưa rõ ràng. ĐB Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Nhà báo tác nghiệp tại một sự kiện (Ảnh minh họa)

ĐB Hà Minh Huệ cho rằng quy định này chưa ổn, vì theo Luật Báo chí hiện hành, thì báo chí có quyền không cung cấp thông tin, để bảo vệ nguồn tin. Luật phòng, chống tham nhũng sau khi sửa đổi cần phải bảo vệ cho nhà báo đúng theo tinh thần Luật báo chí. “Việc coi báo chí là cơ quan thực thi công vụ cũng cần được đưa vào luật. Việc này sẽ bảo vệ cho báo chí, phóng viên. Ví dụ trong quá trình phóng viên tác nghiệp, nếu người nào cản trở thì sẽ  phạm tội danh chống người thi hành công vụ, có thể chuyển qua xử lý theo góc độ luật hình sự”- ông Huệ nói.

Lên án những hành vi hành hung, cản trở nhà báo khi tác nghiệp diễn ra thời gian qua, ông Huệ đồng thời cũng nhắc nhở nhà báo cần tự bảo vệ mình: “Ví dụ tham dự từng sự kiện thì cần có thêm thẻ của ban tổ chức cấp, tránh việc bị hiểu lầm oan uổng. Với tấm thẻ được cấp, nhà báo có quyền hành nghề ở nhiều nơi, tuy nhiên không phải là tự do tuyệt đối. Cũng có những vùng không được phép vào, và điều này nhà báo phải tự điều chỉnh, để xử lý tình huống khéo hơn”.

Trả lời câu hỏi “phóng viên có được phép đóng giả vai xã hội, trong hoạt động điều tra, tác nghiệp, lấy thông tin cho bài viết chống tham nhũng?”, ông Huệ cho rằng nhà báo không nên thực hiện việc này đơn tuyến. Trước khi thực hiện đề tài, nên được sự đồng ý của ban biên tập, thậm chí có thể báo thêm cho các cơ quan chức năng, nhằm phục vụ mục tiêu chung: phanh phui các hành vi tham nhũng.

Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.