Cần 1 số điện thoại cứu nạn dễ nhớ, thống nhất toàn quốc

ANTĐ - Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường lấy vụ chìm tàu ở Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh) làm ví dụ, khi các nạn nhân chấp chới dưới biển không biết gọi điện cầu cứu khẩn cấp cho ai, dẫn đến hậu quả thảm khốc 9 người chết. Từ đó ông Cường đề nghị cần thiết lập trên toàn quốc một số điện thoại cứu hộ, cứu nạn thật dễ nhớ, có thể chỉ bao gồm 2 hoặc 3 con số.

Luyện tập PCCC (Ảnh minh họa)

Chiều nay (25-10), Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết: Về trách nhiệm của hộ gia đình và cá nhân trong PCCC, một số ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về trách nhiệm của chủ hộ gia đình trong việc tự trang bị, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung một số điều trong dự thảo Luật, theo đó, chủ hộ gia đình có trách nhiệm chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ, các điều kiện cần thiết phục vụ chữa cháy.

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, đây là phương án không mang lại tính khả thi cao do còn nhiều bất cập. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) khẳng định: “Nếu quy định hộ gia đình bắt buộc phải tự trang bị phương tiện PCCC thì liệu có thực hiện được trên thực tế hay không khi câu hỏi cần đặt ra một cách nghiêm túc liệu mỗi hộ gia đình có đủ kinh phí, ý thức để mua dụng cụ chữa cháy không?”.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Đông Phong (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Nếu đòi hỏi hộ gia đình, cá nhân phải chung tay vào hoạt động PCCC thì đây là việc không cụ thể và khó khả thi. Thực tế, bản thân tôi cũng đã tham khảo lực lượng triển khai công tác này và đa số ý kiến cho rằng thiết kế luật thì dễ nhưng rất khó thực hiện”. Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) thì cho rằng, nếu luật hóa về trách nhiệm của hộ gia đình và cá nhân trong PCCC thì: “Khi quy định chi tiết sẽ dẫn tới việc khó kiểm tra, xử lý bởi rất nhiều hộ gia đình chắc chắn sẽ vi phạm. Vì thế, cần chuẩn bị đầy đủ, nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này”.

Hiện trường vụ chìm tàu tại Cần Giờ

ĐB Trương Minh Hoàng đồng thời cho rằng quy định “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định” là khó khả thi. Theo ông Hoàng, nên căn cứ vào quy mô và vị trí trọng yếu của từng cơ quan, đơn vị thì mới quy định điều này. Còn những cơ quan nhỏ, ở vị trí xa thì có hình thức điều chỉnh khác. Như vậy thì điều luật khả thi hơn, tránh tình trạng nếu đưa vào luật rồi thì phải thực hiện, sau này thanh tra xử lý sẽ có nhiều cơ quan, đơn vị mắc lỗi.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (tỉnh Quảng Bình) đóng góp ý kiến liên quan đến thông tin về báo cháy. Ông nói: Thực tế nhiều người không biết số điện thoại báo cháy, nên luật hóa vấn đề này, để triển khai rộng khắp. Ngoài ra cần có quy định về trách nhiệm cơ quan nhà nước khi người dân gọi điện báo cháy mà nhầm thì phải chuyển đến cơ quan có thẩm quyền, chứ không thể chỉ nói là “nhầm rồi”.

Liên quan đến số điện thoại cứu hộ cứu nạn, ông Cường nêu lại vụ chìm tàu ở Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh và nhấn mạnh các nạn nhân khi đó không thể nhớ được số điện thoại cứu hộ nào để gọi, đành quay ra gọi cho...sếp. Tình huống này xảy ra vì có số điện thoại cứu nạn cứu hộ, song quá khó nhớ. Ông Cường đề nghị cân nhắc, lập 1 số điện thoại cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp thuận lợi cho người dân sử dụng khi cần kíp (chỉ với 2 hoặc 3 con số).

Ngày mai (26-10), Quốc hội nghỉ và làm việc trở lại vào đầu tuần tới.