Campuchia phát hiện vụ lừa đảo trực tuyến, đưa người vào đường dây mang thai hộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Nội vụ Campuchia cuối tuần qua cho biết, 13 phụ nữ Philippines vừa cáo buộc hành nghề mang thai hộ bất hợp pháp qua tuyển dụng trực tuyến có thể phải đối mặt với án tù sau khi họ sinh con.
Tâm điểm vụ việc là phát hiện 13 phụ nữ mang thai hộ trái phép ở tỉnh Kandal, gần Thủ đô Phnom Penh, Campuchia

Tâm điểm vụ việc là phát hiện 13 phụ nữ mang thai hộ trái phép ở tỉnh Kandal, gần Thủ đô Phnom Penh, Campuchia

Hoạt động mang thai hộ bùng nổ ở Campuchia sau khi bị hạn chế chặt chẽ ở nước láng giềng Thái Lan, cũng như ở Ấn Độ và Nepal. Do đó, các bậc cha mẹ tương lai đã chuyển sang Campuchia do chi phí thấp hơn so với Mỹ và Australia, nơi dịch vụ mang thai hộ có thể có giá lên tới 150.000 USD.

Tuy nhiên, vào năm 2016, Campuchia đã cấm dịch vụ mang thai hộ thương mại, khiến các doanh nghiệp kiểu này phải chuyển sang hoạt động ngầm.

Theo tờ Khmer Times của Campuchia, hôm 23-9, cảnh sát đã đột kích vào một biệt thự ở tỉnh Kandal, gần Thủ đô Phnom Penh và phát hiện ra 24 phụ nữ nước ngoài, trong đó có 20 người đến từ Philippines và 4 người đến từ Việt Nam.

Ngày 1-10, 13 phụ nữ Philippines đã bị phát hiện mang thai và bị buộc tội vào theo Luật Chống buôn người và bóc lột tình dục Campuchia. Những phụ nữ không mang thai sẽ bị trục xuất, còn các thai phụ đang được chăm sóc tại một bệnh viện ở Phnom Penh.

Theo luật pháp Campuchia, người mang thai hộ rồi bán trẻ sơ sinh sẽ có thể chịu phạt từ 2 đến 5 năm tù

Theo luật pháp Campuchia, người mang thai hộ rồi bán trẻ sơ sinh sẽ có thể chịu phạt từ 2 đến 5 năm tù

Sau khi sinh con, 13 phụ nữ này còn có thể phải đối mặt với việc bị truy tố, với khung hình phạt có thể từ 2 đến 5 năm tù. Họ không được coi là nạn nhân mà là tội phạm thông đồng với những kẻ tổ chức đường dây mang thai hộ rồi bán trẻ sơ sinh để kiếm lời.

“Việc mang thai hộ, khi được thực hiện bất hợp pháp, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho những người liên quan. Các vụ bắt giữ gần đây ở Campuchia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì luật chống buôn người và bóc lột tình dục. Ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo an toàn và cho những người phụ nữ bị bắt trong hoạt động buôn bán bất hợp pháp này” - bà Chou Bun-eng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia tuyên bố.

Phản ứng về vụ việc, Đại sứ quán Philippines tại Campuchia ngày 8-10 đã ra tuyên bố xác nhận việc giải cứu 20 phụ nữ Philippines. Đại sứ quán đảm bảo rằng tất cả 20 cá nhân đều được thẩm vấn trước sự chứng kiến ​​của đại diện Đại sứ quán trong quá trình điều tra. Sự tham gia bảo hộ công dân cho thấy Chính phủ Philippines coi trọng sự việc này.

Vụ án này khá bất thường vì người mang thai hộ thường được tuyển dụng tại ngay đất nước của họ, không mấy khi được đưa đi nơi khác. Dựa trên các cuộc cuộc thẩm vấn sơ bộ, Đại sứ quán Philippines tại Campuchia cho biết, những phụ nữ này được một cá nhân không rõ danh tính và quốc tịch tuyển dụng trực tuyến.

Ban đầu, họ được hứa sẽ đi đến một quốc gia Đông Nam Á khác, nhưng thay vào đó, 20 người Philippines này đã được gửi đến Campuchia. “Vào thời điểm giải cứu, người ta phát hiện những người phụ nữ này đang được một bảo mẫu địa phương chăm sóc”, Đại sứ quán cho biết thêm.

Trong khi đó, bà Chou Bun Eng cho hay, doanh nghiệp tuyển dụng người mang thai hộ có trụ sở tại Thái Lan, đứng ra sắp xếp thức ăn và chỗ ở cho các bà mẹ mang thai hộ tại Campuchia.

Chính quyền Campuchia cũng xác nhận một số đối tượng đã bị bắt giữ trong cùng chiến dịch giải cứu vào tháng trước. Đồng thời, Philippines cũng mở cuộc điều tra nhắm vào những cá nhân có thể đã hỗ trợ các tổ chức tội phạm trong “kế hoạch buôn người hiếm hoi này”.

Hoạt động mang thai hộ bùng nổ ở Campuchia sau khi bị hạn chế chặt chẽ ở nước láng giềng Thái Lan, cũng như ở Ấn Độ và Nepal

Hoạt động mang thai hộ bùng nổ ở Campuchia sau khi bị hạn chế chặt chẽ ở nước láng giềng Thái Lan, cũng như ở Ấn Độ và Nepal

Trong một cuộc họp báo trên truyền hình hôm 9-10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Eduardo de Vega nhấn mạnh, hoàn cảnh của 20 phụ nữ nói trên phản ánh sự gia tăng đáng báo động của các vụ lừa đảo trực tuyến trên khắp Đông Nam Á, nơi mọi người thường bị dụ dỗ bằng những lời hứa về công việc hợp pháp nhưng thực chất là con đường phạm tội.

Mặc dù Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ hồi hương một số người Philippines là nạn nhân buôn người ở Campuchia, ông De Vega nói rằng đây là lần đầu tiên họ nghe nói đến việc lừa đảo trực tuyến, đưa người vào đường dây mang thai hộ.

Trang Inquirer.net của Philippines cho hay, bị dụ dỗ bởi những lời hứa về “việc nhẹ lương cao”, không ít người mắc kẹt trong điều kiện tàn bạo, bị ép buộc làm việc cho những kẻ lừa đảo trực tuyến. Họ cũng được cho là phải đối mặt với các mối đe dọa bạo lực nếu cố gắng trốn thoát.