Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Cầm tinh con gà nên phải lao động không ngừng nghỉ

ANTD.VN - Cách đây ít ngày, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ một bức tranh gà, đặc biệt ở điểm, một bức tranh gà lần đầu tiên cho đến nay, sau bao nhiêu năm cầm cọ, anh mới vẽ. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và con gái

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người khá... thực tế, vì vậy anh ít khi nghĩ đến việc con vật tuổi nào thì tính tình hay số phận sẽ “vận” vào mình như vậy. Với anh, cuộc sống là cả một sự nỗ lực và lao động không ngừng nghỉ, dù là ở tuổi nào đi chăng nữa. Rồi cuối cùng anh đúc kết, có lẽ tuổi gà thì phải “bới”, có lẽ vì thế mà việc cầm tinh con gà nên anh phải lao động không ngừng nghỉ, lao động bằng tất cả sự đam mê của mình dành cho công việc và cuộc sống...

- Thời gian vừa qua, anh có nhiều tác phẩm văn học ra đời và có hiệu ứng khán giả rất lớn. Bản thân anh, anh có cảm nhận thế nào về một năm đã qua? 

- Với tôi đó là một năm bận rộn và cũng đầy cảm hứng. Tôi xuất bản 3 cuốn sách và hoàn thành bản thảo một cuốn sách mới, viết vài chục bài báo, vẽ vài chục bức tranh, tham gia vài chục sự kiện văn học nghệ thuật. Đó là một năm mà tôi cảm thấy mình chẳng có lúc nào được chìm vào tĩnh lặng nhưng là một năm không quá phí phạm thời gian. 

- Năm Đinh Dậu sắp tới là năm theo quy luật của đất trời, anh tròn 60 năm hoa giáp, anh có tâm niệm thế nào về năm tuổi hay không?

- Với tôi đó chỉ là sự thay đổi nào đó về một nhịp, một vòng tuần hoàn của thời gian. Có thể với nhịp hay vòng tuần hoàn của thời gian thì có những biến động đối với cuộc sống của mình. Trước kia có lúc tôi nghĩ đến năm tuổi như mọi người, nhưng càng ngày tôi càng không để ý gì nữa. Cuộc sống vô vàn điều bất trắc cũng như vô vàn điều kỳ diệu và sự bất trắc cũng như kỳ diệu có thể đến với tôi mà tôi không hề biết trước. Nhưng có một điều tôi biết trước đó là mình luôn hướng về những điều tốt đẹp.

- Anh có bao giờ có ý nghĩ gì về năm tuổi, về hình tượng con vật (gà) với dấu ấn tuổi của mình hay không? 

- Tôi không nghĩ mình tuổi rồng thì mình thành rồng và tuổi gà thì mình thành gà. Nhưng có một điều rất ứng với tôi là: vì cầm tinh gà nên tôi phải lao động (bới) không ngưng nghỉ.

Bức tranh vẽ gà của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

- Năm mới đến, anh thường nghĩ đến điều gì và nhớ điều gì nhất?

- Trong tôi đầy những ký ức, ý niệm về những ngày Tết, về tháng Giêng. Tết khi còn mẹ cha, đối với tôi nó mới thực sự có ý nghĩa. Dù có bận rộn đến đâu, thì đêm Giao thừa, tôi cũng có mặt ở nhà, trước đó là để cúng đêm 30, sau đó là nép vào một góc để thưởng thức hương vị quê nhà đã gắn bó với mình trong cả cuộc đời. Tết những năm không còn cha mẹ, nó cay đắng và tủi hờn. Đôi khi tôi không có đủ thời gian để nghĩ về mình, về tuổi của mình. 

Suốt từ ấu thơ cho tới bây giờ, lúc nào tôi cũng nhớ mẹ. Mỗi tuần về quê, khi trở lại thành phố, lòng tôi mang đầy cảm giác xa xôi và cô độc. Khi lên đến dốc đê, tôi nhìn về làng và không muốn đi. Nơi ấy có ngôi nhà tôi sinh ra và lớn lên. Nơi ấy có mẹ tôi mỗi tuần ngóng đợi các con về. Tôi luôn tự nhủ khi đến tuổi hưu sẽ về quê sống với mẹ. Nhưng tôi không kịp thực hiện mơ ước ấy. Mẹ tôi đã ra đi. Tôi suốt đời ân hận.

Thuở nhỏ cứ chiều chiều anh chị em tôi ra đầu ngõ chờ mẹ. Kể cả những năm tháng đói nghèo đó và những năm tháng đời sống được cải thiện rất nhiều thì gia sản lớn nhất của chúng tôi vẫn là mẹ. Có những chiều mưa giông, chúng tôi đứng bên hiên nhà đợi mẹ. Mẹ về, cả người mẹ ướt sũng và tái ngắt vì lạnh. Thấy mưa, mẹ ở lại bắt châu chấu vì mưa chấu chấu thường không bay xa được. Mẹ rang châu chấu với nước muối cà cho chúng tôi ăn. Sau này khi gia đình tôi không còn chạy ăn từng bữa thì mẹ vẫn ứa nước mắt khi nhớ những ngày các con phải chịu đói rét.

Hai tuần trước khi mất, mẹ tôi mơ thấy cha tôi về. Sau khi cha tôi mất, tôi về quê nhiều hơn. Những đêm ở quê tôi thường ngồi viết đến hai, ba giờ sáng và thắp hương liên tục cho cha. Những đêm như thế, mẹ tôi thường nói vọng từ trong màn ra: “Sau này mẹ mất, con đừng làm việc như thế nữa”. Khi chưa ốm nặng, mẹ thường thức giấc và đến bên giường tôi xem tôi đã cài màn kỹ chưa. Lúc nào tôi cũng chỉ là đứa trẻ lên ba với mẹ. Có phải như thế mà khi cha mất, tôi đau buồn nhưng cứng rắn.

Còn khi mẹ mất, tôi hoàn toàn suy sụp như đứa trẻ lạc mẹ ở một chốn xa lạ hoang vắng không người. Tôi nhớ mẹ như đứa trẻ lên ba đợi mẹ trong những chiều mưa giông mà mẹ không về. Giờ tôi vẫn lẩn thẩn trong những buổi chiều và những đêm khuya trong ngôi nhà mỗi khi về quê. Có lúc thoáng giật mình tưởng chưa nấu cơm chiều cho cha mẹ.

Nhưng nhận ra cha mẹ không còn nữa. Và bây giờ, tôi mới thấu được nỗi mồ côi cha mẹ như thế nào. Mấy tháng trước khi mất, hai mẹ con tôi ngồi bên hiên nhà trong một đêm trăng. Đêm ấy mẹ nói với tôi: “Sau này mẹ mất, có còn ai yêu con nữa không?”. Đấy chính là nỗi sợ cuối cùng của mẹ trước khi rời xa thế gian này cho dù lúc đó tôi đã ngoài 50 tuổi. 

- Năm tới, 2017, anh có những dự định gì cho cuộc sống riêng cũng như với văn chương nghệ thuật?

- Tôi tiếp tục hoàn thành bản thảo của 3 tập thơ và vẽ. Và tôi cùng con gái mình tiếp tục dịch và xuất bản một tủ sách thơ thế giới. Tôi chọn lựa tác giả và tác phẩm còn con gái tôi dịch. Các con tôi đều học khoa học tự nhiên nhưng tôi khuyến khích cháu đọc và dịch sách văn học. Vì sách văn học cần thiết cho cuộc sống tinh thần của các cháu.

- Xin cảm ơn nhà thơ  Nguyễn Quang Thiều!

Cầm tinh con gà nên phải lao động không ngừng nghỉ ảnh 3

“Những đêm ở quê tôi thường ngồi viết đến hai, ba giờ sáng và thắp hương liên tục cho cha. Những đêm như thế, mẹ tôi thường nói vọng từ trong màn ra: “Sau này mẹ mất, con đừng làm việc như thế nữa”