Cấm sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông

(ANTĐ) - Trong phiên họp chiều qua 28-5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đã có nhiều ý kiến đề nghị cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của dự án Luật GTĐB. Đáng chú ý, nhiều ĐBQH yêu cầu phải cấm sử dụng rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông.                           

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi):

Cấm sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông

(ANTĐ) - Trong phiên họp chiều qua 28-5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Đã có nhiều ý kiến đề nghị cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của dự án Luật GTĐB. Đáng chú ý, nhiều ĐBQH yêu cầu phải cấm sử dụng rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông.                           

Phải xử phạt nghiêm minh mới có tác dụng ngăn ngừa vi phạm
Phải xử phạt nghiêm minh mới có tác dụng ngăn ngừa vi phạm

Tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung dự án Luật GTĐB (sửa đổi), các ĐBQH đều biểu thị sự nhất trí với dự thảo luật và tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB phải nhằm tạo được hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động GTĐB, nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giải quyết ách tắc giao thông, quản lý chặt chẽ người tham gia giao thông và phương tiện để giảm bớt tai nạn giao thông (TNGT).

Trong buổi thảo luận chiều qua, các ĐBQH bàn nhiều tới quy định tại khoản 8, điều 9 (các hành vi bị nghiêm cấm) của dự án Luật GTĐB.

Nhiều đại biểu cho rằng, trong điều khoản này quy định nghiêm cấm người điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng là chưa phù hợp.

Theo ông Võ Văn Liêm, ĐBQH tỉnh Vĩnh Long: “Có người sử dụng rượu, bia cả lít không say, nhưng có người chỉ uống 1 chén đã say do tửu lượng và thể trạng của từng người.

Nên, luật quy định như vậy biết ai say, ai không say và ai còn khả năng điều khiển được xe máy”. “Đề nghị nghiêm cấm người sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển các phương tiện giao thông ít nhất 6 giờ. Phải hết nồng độ cồn trong máu mới được điều khiển phương tiện” - ông Võ Văn Liêm khẳng định!

Cùng chung quan điểm với ĐBQH Võ Văn Liêm, ông Hà Sơn Nhin, ĐBQH tỉnh Gia Lai nhấn mạnh qua giám sát việc thi hành Luật ATGT cho thấy, có trên 50% các vụ TNGT gây chết người, bị thương nặng nhiều người liên quan đến việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

Do đó, cần phải quy định nghiêm cấm sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông trong luật, và quy định thế nào cho phù hợp với thực tế và tập quán của Việt Nam, mang lại tính khả thi và luật ban hành đạt kết quả.

Bàn về các vấn đề khác trong dự án Luật GTĐB (sửa đổi), nhiều ý kiến của ĐBQH cho rằng giải pháp trước mắt cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kiên quyết các vụ vi phạm pháp luật về TTATGT.

Thực tế cho thấy, mặt bằng dân trí hiện nay không đồng đều, một số người tham gia giao thông có ý thức chấp hành kém. Vì vậy, cần phải có chế tài đủ mạnh, cần thiết để sớm đưa vào trong dự án luật.

Xử phạt thật nghiêm minh mới có tác dụng ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT. Ngoài ra, có nhiều ý kiến của ĐBQH nhấn mạnh tới việc tăng cường công tác giáo dục pháp luật về TTATGT. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về TTATGT cần phải được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Ông Dương Hiền (ĐBQH tỉnh Lạng Sơn): Tôi không tán thành với khoản 8, điều 9 - dự án Luật GTĐB (sửa đổi) về nghiêm cấm điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,2mg/lít khí thở... Bởi nếu như vậy là chúng ta đã mặc nhiên thừa nhận người điều khiển xe môtô, xe gắn máy được uống rượu, bia. Với rượu, bia và các chất kích thích khác, trước khi tham gia giao thông và khi đã uống rồi thì biết như thế nào là không vượt quá nồng độ cho phép để tham gia giao thông. Theo tôi, phải nghiêm cấm không sử dụng rượu, bia khi điều hiển phương tiện giao thông.

Bà Bùi Tuyết Minh (ĐBQH tỉnh Kiên Giang): Tại khoản 8, điều 9 quy định về nồng độ cồn trong máu và hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đề nghị Ban biên soạn luật nên đưa thẳng vào luật ngoài rượu, bia, thì các chất kích thích gồm những chất gì pháp luật cấm sử dụng, để mọi người hiểu, thống nhất tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện luật tốt hơn.

Thông qua hệ thống chính trị tổ chức giáo dục, để mọi người hiểu và tự ý thức được chấp hành pháp luật về đảm bảo TTATGT là đảm bảo an toàn cho chính mình và đồng thời cũng là đảm bảo an toàn cho mọi người, cộng đồng và xã hội.

Cũng trong phiên họp chiều qua, các ĐBQH đã thảo luận những vấn đề quy định tuổi, sức khỏe, học vấn của người lái xe. Nhiều ý kiến nhất trí với những quy định tại điều 58 của dự án luật, tuy nhiên đối với người lái xe ôtô từ 30 chỗ trở lên phải đảm bảo ít nhất ở độ tuổi 30. Tức là phải sau 5 năm lái xe ôtô chở người từ 10 - 30 chỗ thì mới được sát hạch cấp giấy phép lái xe từ 30 chỗ trở lên.

Yêu cầu này tạo cho lái xe có đủ kinh nghiệm và kỹ năng lái xe ôtô từ 30 chỗ trở lên, đảm bảo ATGT. Liên quan đến trình độ học vấn của người lái xe, một số ĐBQH đề nghị trong luật quy định người được đào tạo lái xe phải học hết THPT.

Quy định trình độ tối thiểu này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo lái xe hiểu biết kỹ năng và phương tiện kỹ thuật, cũng như nâng cao nhận thức về pháp luật khi tham gia giao thông.

Trong phiên họp chiều qua, các ĐBQH cũng thảo luận đến vấn đề “quỹ đất” dành cho giao thông. Nhiều ý kiến của ĐBQH nhấn mạnh việc cần quy định rõ diện tích đất dành cho giao thông tại các đô thị lớn.

Hồng Tuấn