Cấm sách nhiễu người dân khám bệnh bằng bảo hiểm

ANTĐ - Ngày 13-1, phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về nhiều dự án luật quan trọng.

Người dân có thẻ BHYT bị phân biệt đối xử khi khám chữa bệnh

Nên bắt buộc mua bảo hiểm y tế

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT cũng có ý nghĩa nhân văn tương tự như quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, rất khó đưa ra quy định chế tài xử lý với người không tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, do đó, Thường trực Ủy ban thống nhất với việc kế thừa quy định của Luật hiện hành.

Tuy nhiên, qua thảo luận, các ý kiến trong UBTVQH đều cho rằng, nên quy định dứt khoát vào Luật việc thực hiện bảo hiểm bắt buộc toàn dân. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: “Nếu không có quy định đột phá thì không giải quyết được vấn đề, cả trước mắt lẫn lâu dài. Muốn cải thiện điều kiện khám chữa bệnh, cần “phủ” BHYT toàn dân, nếu không quy định bắt buộc thì không thể làm được. Tất nhiên, ngân sách Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ những đối tượng như người có công, quân nhân, hộ nghèo, hộ cận nghèo...”. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình: “Sửa luật lần này vẫn “từng bước” thì bao giờ mới có BHYT toàn dân? Những đối tượng khó khăn thì đã có ngân sách Nhà nước lo, những người có điều kiện đóng bảo hiểm thì phải thực hiện. Quỹ ngày càng cạn đi mà không bắt buộc đóng góp thì hoặc vỡ, hoặc chất lượng khám chữa bệnh rất kém”.

Liên quan đến việc quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi Quỹ BHYT, đa số ý kiến cho rằng, cần hướng đến việc nộp toàn bộ số tiền kết dư Quỹ BHYT về Trung ương để phân bổ sử dụng chung. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, quy định dành ít nhất 50% phần kết dư Quỹ BHYT cho địa phương là mang tính cục bộ, không hợp lý: “Năm nay thừa; nhưng sang năm, sang năm nữa  thiếu thì sao, nghĩ thế là hết sức địa phương chủ nghĩa, vì quỹ có tính chất liên tục, thống kê để biết chứ không phải để chia hết quỹ”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, đối với các đối tượng khó khăn, người nghèo, người có công, Nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí khi tham gia BHYT. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Luật cần quy định rõ việc nghiêm cấm sách nhiễu người dân khám bệnh bằng BHYT. 

Không nên có chế định ly thân

Cho ý kiến về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), có ý kiến đề nghị tuổi kết hôn của cả nam và nữ là “đủ 18 tuổi trở lên” như dự thảo. Dù vậy, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên độ tuổi kết hôn như Luật hiện hành hoặc quy định độ tuổi “nam từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. 

Đáng lưu ý, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định chế định ly thân trong Luật vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam, dễ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn gia đình, ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em... Có đại biểu lập luận, ly thân là trạng thái để người ta có thời gian suy nghĩ lại. Do đó, nếu hành chính hóa, có khi càng khoét sâu hơn khoảng cách giữa hai vợ chồng. 

Về quy định giải quyết hậu quả của việc chung sống giữa những người cùng giới tính, một số thành viên UBTVQH đề nghị quy định rõ ràng trong luật việc cho phép hay cấm hôn nhân đồng giới, không nên để lửng lơ “không cấm, không cho phép”. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói: “Việc không thừa nhận hôn nhân đồng giới cần phải nghiên cứu kỹ hơn, không nên nửa vời”.

Chiều 13-1, UBTVQH đã cho ý kiến dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Các ý kiến đặc biệt lưu ý đến vấn đề đăng ký, đăng kiểm và điều kiện hoạt động của phương tiện giao thông đường thủy nội địa.