Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt:

Cảm ơn thành công đến muộn

ANTD.VN - Tôi biết tiếng Đinh Công Đạt qua một vài triển lãm mà người đi xem về ai cũng khen nức nở. Tôi quen mặt anh qua cả seri những cuộc tranh luận đầy tự hào, trong chương trình “Giai điệu tự hào”… Nhưng mãi sau này, qua một vài người bạn, tôi mới thực sự có duyên cùng ngồi trò chuyện cùng anh. 

Bạn bè anh, chẳng kể thân sơ nhất loạt gọi anh là Đạt “rồ”, lúc cao hứng lên, anh cũng tự gọi bản thân là Đạt “rồ”. Những người bình thường, lần đầu gặp Đạt khi về thường có một thắc mắc chung: “Có rồ tí nào đâu, khôn chết đi được”. Còn với riêng tôi, tôi xếp nhà điêu khắc Đinh Công Đạt vào dạng “Rồ rất đúng quy trình”.

“Vớ va vớ vẩn”

Mấy hôm trước gặp Đinh Công Đạt ở nhà họa sĩ Lê Thiết Cương, thấy Đạt sôi sùng sục bàn chuyện ra mắt triển lãm. Tôi tò mò hỏi sâu, thế hai anh định “Múa đôi” (tên của triển lãm) với nhau thế nào. “À ờ, có đồ gì bày nấy”. “Thế đồ là đồ gì?” Cơn tò mò của tôi chưa được thỏa mãn đâm ra phải hỏi tiếp. “À ờ, bày toàn bàn, ghế, mâm thớt”. Toàn bàn ghế mâm thớt là thế nào, tôi cố tưởng tượng nhưng không được. Rốt cuộc thì tôi phải qua tận xưởng điêu khắc của anh, phần là để thỏa mãn trí tò mò của chính tôi, phần là để biết Đinh Công Đạt đang làm cái quái gì với những thứ mà nói theo chữ của anh là “vớ va vớ vẩn”.

Xưởng của Đạt nằm sát sông Hồng, trên một địa bàn lâu nay vẫn được gọi là “tương đối phức tạp”. Xưởng chẳng rộng cũng chẳng hẹp. Đương nhiên không tiện nghi nhưng không gian ấy đúng là rất vừa với anh. Chỗ anh thường ngồi vẽ chỉ cần với tay ra sau lưng là thấy cưa thấy đục thấy máy khoan máy bào, đằng trước thì cơ man nào là sơn, là mầu và ngổn ngang những thứ mà tôi đoán là chủ nhân của chúng đang làm dở thì bạn bè gọi đi nhậu. Thế là đứng lên đi. Hôm sau lại lụi hụi làm tiếp, nhưng lại với một ý nghĩ mới, một tác phẩm mới tinh.

Tôi bị choáng với đống mâm thớt và trăm thứ người ta bỏ đi thì anh nâng niu, tô điểm cho chúng và biến chúng thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Đúng là sức sáng tạo của người nghệ sĩ chẳng bao giờ có giới hạn cả. Những chiếc mâm gỗ từ đời thủa nào, những thứ mà xã hội hiện đại bây giờ hoặc là tống vào một góc nhà cho khuất mắt, hoặc là thẳng tay ném ra thùng rác…thì Đạt nhặt về. Vẽ lên đó cả thiên nhiên cây cỏ. Đạt thổi cho đồ vật một đời sống mới, giá trị hơn và được nâng niu hơn. Những chiếc thớt tưởng chỉ là một thứ đồ nhà bếp thì nay thành bàn, thành ghế, hoặc đơn giản thôi, cứ thế mà treo lên trông đã tinh tế lắm rồi.

Suốt cả cuộc trò chuyện với tôi, vài phút Đinh Công Đạt lại đứng lên, lại lục tìm trong khắp gian nhà, rồi bê đồ vật đó ra bày trước mặt tôi, rồi rổn rảng kể lể về đời sống đã qua của chúng, lúc thì là một chiếc hộp gỗ xinh xinh, đâu như từng đựng xì gà, anh đem về ấn lên đó một chiếc lá cây thuốc lá, rồi phủ sơn ta lên. Sơn khô là lúc từng gân lá nổi lên. Chiếc hộp lúc này trông vừa mạnh mẽ vừa thanh tao. Thấy bảo, anh dành làm quà tặng nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Minh Long- một người bạn của anh. Lại cũng có khi anh bề về xưởng chiếc hộp từng đựng rượu vang. Hì hụi vẽ vời để biến nó thành một chiếc rương rực rỡ. Nói chung thì chẳng phải nghệ sĩ nào cũng có được cái tài biến đồ đồng nát thành nghệ thuật như Đinh Công Đạt cả. Tôi cho là vậy!

Một tác phẩm của Đinh Công Đạt

Trăm sự do trời sắp đặt

Nhắc đến Đinh Công Đạt, dân mỹ thuật quen mồm gọi anh là Đạt “Kiến”. Ấy là bởi, tác phẩm điêu khắc con kiến của anh quá xuất sắc. Con kiến đã khiến anh thành danh cả trong lẫn ngoài nước. Trước tôi, đã có cả trăm bài báo viết chuyện Đạt và con kiến của Đạt. Tôi không muốn viết tiếp câu chuyện về kiến, bởi đơn giản tôi nghĩ đó là chuyện đã qua. Tôi muốn viết về anh với những gì mới mẻ hơn. Thế nhưng, phàm đã nhắc đến Đạt thì phải nói chuyện kiến và ngược lại.

Đem chuyện con kiến hỏi Đạt. Anh lại rổn rảng cười bảo, chẳng hiểu sao đời anh toàn gắn với những con vật rất kém “sang trọng”. Bạn bè cùng lứa Đại học Mỹ thuật Việt Nam ra trường ngày ấy toàn vẽ rồng vẽ hổ, ít ra cũng cá chép vượt vũ môn, còn anh thì lại cứ thấy nào cua, nào cóc, nào bọ ngựa rồi ốc sên, sau này là kiến có vẻ đẹp riêng. Anh tự nhận, sở dĩ mình cứ thích các con vật be bé kém sang là bởi tư duy anh không phức tạp. Tính nết thì hồn hậu, hớn hở, cứ mê đắm những con vật “tiểu khí” như vậy mới đúng.

Ngẫm lại câu chuyện về cuộc đời mà Đinh Công Đạt kể tôi thấy đúng. Trăm sự ông trời sắp đặt, có cưỡng cũng không được. Đinh Công Đạt từng có 4 năm là lính phòng không khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 nổ ra. Anh từng đi thi đại học với 3 môn Toán-Lý- Hóa với cái kết rất đắng lòng, 3 môn cộng vào được cả thảy 1,5 điểm. Rồi anh đi làm công nhân mài ngọc cho Công ty đá quý. Rồi tự dưng thấy thèm muốn đời sống sinh viên. Thế là lao vào học vẽ, học văn, tự tin tuyên bố nếu thi mỹ thuật mà không đạt thủ khoa thì sẽ không học. Ai ngờ, năm ấy đỗ thủ khoa Đại học Mỹ thuật (Yết Kiêu) thật.

Cho đến bây giờ, Đạt sống vui, sống tốt với chính nghề điêu khắc mà anh được đào tạo căn bản. Tôi thì nghĩ, thời thế đem lại may mắn cho anh, khi anh ở cái tuổi vừa chín trong nghề cũng là lúc nền kinh tế mở cửa. Đó chính là điểm mấu chốt khiến lứa nghệ sĩ như anh được biết đến ở cả trong và ngoài nước, nhưng anh bảo chẳng phải. May mắn của anh là thành công đến muộn. Trong khi bạn bè anh như Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong… tiếng nổi như cồn, sắm nhà cửa tòa ngang dãy dọc thì anh vẫn đói khát theo đúng nghĩa đen. Thi thoảng gặp bạn bè cà phê. Lê Thiết Cương thương bạn, mua cho cây thuốc kèm thêm cái bật lửa. Có hôm thì mua cho cân giò để bạn mang về cho con… May mắn nữa mà Đinh Công Đạt liệt kê còn bởi anh không có tính đố kỵ, chẳng nản chí, cứ cặm cụi làm. Đương nhiên, ông trời không phụ anh. Đinh Công Đạt bảo, bây giờ có bất cứ chuyện gì xảy ra anh cũng thư giãn. Bởi khi anh đi với tốc độ rùa bò còn bạn bè đã lên đời xe sang anh còn không làm sao. Huống chi là bây giờ!

Bây giờ nhìn lại anh cứ cảm ơn mãi về những ngày khó nhọc đã qua. Nó đem đến cho anh sự trải nghiệm. Và sự trải nghiệm chính là thứ chẳng thế lực nào chống lưng mà có được, cũng chẳng có ai có quyền tước đi thứ đó từ tay anh.

Nhiều năm trước, khi khái niệm “Đạt rồ” trong tôi còn rất mơ hồ, thi thoảng ngồi cà phê đâu đó ngoài vỉa hè, nhác thấy anh phóng xe qua, mười lần như một, anh bạn tôi chỉ tay và giải thích cho tôi, rằng có một gã đa tài vừa đi qua. Còn hôm nay, trò chuyện với Đạt, anh tự nhận mình là một gã bảnh chọe, mồm mép, lên ti vi talkshow thì nanh nọc, tài bằng hạt vừng, thành công bằng nắm xôi, nhưng riêng khoản chăm thì chỉ nhất không chịu nhì. Bởi lẽ, không chăm chỉ thì lấy đâu ra thành công.

Từ ngày 10 đến 13-5 tại Press Club, 59A, Lý Thái Tổ, Hà Nội, họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt sẽ cùng “múa đôi” trong triển lãm “Duo Design”. Nếu tác phẩm của Lê Thiết Cương thống nhất trong ngôn ngữ tối giản, với hình thức triệt để “kiệm lời”, thì tác phẩm của Đinh Công Đạt lại hớn hở, ồn ào. Một người biểu cảm bằng sự lạnh lùng, người kia rối rít, thân thuộc. Họ như màu đen đặt cạnh màu trắng, một phía bớt đi hết sức, một bên đắp vào lấy được.