Cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Không ưu tiên “gà nhà”

ANTĐ - Việc Bộ GD - ĐT không đứng ra phát hành tài liệu tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 là cơ hội cho các công ty xuất bản khi cả nước có hơn 1 triệu thí sinh sẽ dự thi. Tuy nhiên điều này đang gây khó khăn cho các sở GD - ĐT cũng như thí sinh trong việc lựa chọn tài liệu nào hợp lý khi nhiều quảng cáo mạo danh đã xuất hiện.

Thông tin điện tử được thiết kế cho thí sinh tra cứu theo địa phương, lĩnh vực hoặc từng trường

Loay hoay thẩm định tài liệu

Trước khối lượng thí sinh dự thi lên tới cả triệu người, nhu cầu nắm bắt thông tin của hơn 400 trường ĐH, CĐ cả nước trở thành cơ hội của các nhà xuất bản khi Bộ GD - ĐT tuyên bố không đứng tên phát hành tài liệu này. Để thu hút sự chú ý của thí sinh, tình trạng mạo danh các cá nhân thuộc Bộ GD - ĐT đứng tên cho cuốn tài liệu này đã xuất hiện. Ngày 1-3, một tạp chí thành viên NXB Giáo dục phải giải trình và rút lại lời  thông báo theo yêu cầu của Bộ GD - ĐT về việc phát hành cuốn “Những điều cần biết về mùa thi ĐH, CĐ 2012” được chủ trì bởi nhiều lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Lời “mời chào” ấn phẩm này ghi rõ “chủ trì về nội dung bởi Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT Ngô Kim Khôi; Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD - ĐT Quách Tuấn Ngọc” .... Theo tạp chí này thì dự kiến sẽ có khoảng 200.000 cuốn được phát hành với giá bán 15.000 đồng một cuốn dày khoảng 120 trang. Và các đại lý nhận phát hành sách sẽ được chiết khấu 20% trên giá bìa.

Trước vấn đề này, nhiều sở đang loay hoay với việc đặt hàng đơn vị nào. Chỉ còn 2 tuần nữa là đến thời điểm thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ, tuy nhiên theo bà Tạ Song Hà, Phó Trưởng phòng GD Chuyên nghiệp, Sở GD - ĐT Hà Nội hiện tại sở vẫn đăng cân nhắc việc lựa chọn phát hành tới học sinh tài liệu nào. “Đã có một số đơn vị gửi thông báo về việc phát hành cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, trong đó, NXB Giáo dục cũng có công văn giới thiệu Công ty Sách, thiết bị trường học Hà Tây năm nay sẽ phát hành cuốn này. Mặc dù vậy, theo ý kiến của lãnh đạo sở, chúng tôi sẽ lựa chọn cuốn tài liệu nào in sớm nhất và đảm bảo đầy đủ thông tin cho thí sinh chứ không nhất thiết phải là sách của NXB Giáo dục”. Như vậy, đến thời điểm này Sở GD - ĐT Hà Nội vẫn đang nhận đăng ký của học sinh các trường THPT về hồ sơ và tài liệu tuyển sinh. “Chúng tôi sẽ nhận đăng ký cho tới khi có quyết định chính thức về lựa chọn cuốn tài liệu của cơ sở nào. Tuy nhiên năm nay lượng thí sinh đăng ký mua cả hồ sơ lẫn tài liệu này đều giảm nhiều bởi nhiều em sẽ tham khảo thông tin qua mạng theo như Bộ GD - ĐT đã công bố”.

Trong khi đó, Sở GD - ĐT Nam Định cho biết, sở này đã đăng ký mua 1.000 cuốn của NXB Giáo dục. Thận trọng hơn, lãnh đạo Sở GD - ĐT Hưng Yên cho biết, hiện còn chờ tham khảo thêm một thời gian trước khi quyết định mua “Những điều cần biết…” của nhà xuất bản nào. Sở này còn yêu cầu đơn vị phát hành phải làm cam kết về nội dung, sai sẽ trả lại khi ký hợp đồng mua cuốn tài liệu này.

Thông tin điện tử đang cập nhật thông tin

Một trong những kênh thông tin tuyển sinh chính thức được lãnh đạo Bộ GD - ĐT khẳng định năm nay là cổng thông tin thi và tuyển sinh trên trang web của Bộ GD - ĐT. Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Cục CNTT của Bộ GD - ĐT đang nhập dữ liệu. Cũng theo ông Quách Tuấn Ngọc, việc tra cứu thông tin trên trang web này được hỗ trợ bởi cấu trúc thiết kế phù hợp với nhu cầu tìm kiếm thông tin của thí sinh. Theo đó, nguyện vọng thi ĐH, CĐ của thí sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng ở đây thí sinh nên quan tâm tới 3 nhóm yếu tố quan trọng nhất là: ngành nghề, địa phương, và các yếu tố đặc tính của bản thân trường. Các lĩnh vực ngành nghề được phân nhỏ thành 9 nhóm chính, việc phân chia này chỉ là tương đối, khi tìm kiếm thí sinh chọn lĩnh vực nào gần với sở thích của mình nhất.

Như vậy, để tìm hiểu thông tin, thí sinh chỉ cần chọn một lĩnh vực thì các tên ngành đăng ký ở các trường sẽ liệt kê ở phía dưới, các tên này có liên quan đến lĩnh vực đã chọn. Thí sinh cũng có thể khoanh vùng để tìm một số trường. Ví dụ, thí sinh có thể chỉ quan tâm tới các trường cao đẳng, công lập ở Hà Nội thì đánh các thông tin này vào sẽ cho thí sinh những thông tin tìm kiếm thích hợp nhất. Các địa phương cũng đã được liệt kê sẵn, thí sinh chỉ cần nháy chuột vào tên tỉnh mà thí sinh muốn. Ông Ngọc cho biết, các địa phương có nhiều trường sẽ được liệt kê lên đầu.

Ông Quách Tuấn Ngọc cũng lưu ý ba vùng lựa chọn tìm kiếm có liên quan đến nhau. Click vào nút tìm kiếm ở vùng nào thì hiện ra điều kiện xác lập của vùng đó kết hợp với điều kiện đã xác lập của các vùng phía trên. Cách này cho phép tạo ra nhiều điều kiện tìm kiếm chuyên sâu hơn.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Công bố khu vực tuyển sinh và các mã tỉnh, trường, đơn vị đăng ký dự thi

Bộ GD - ĐT vừa chính thức đưa ra bảng phân chia khu vực tuyển sinh, mã tỉnh, đơn vị đăng ký dự thi, mã trường THPT, trường nghề năm 2012 thay vì phát hành tài liệu này kèm theo cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ” như các năm trước. Theo đó, các thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) tại địa phương theo hộ khẩu thường trú thì ghi mã đơn vị ĐKDT theo quy định của Sở GD - ĐT sở tại. Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT tại nơi không theo hộ khẩu thường trú thì ghi mã đơn vị ĐKDT theo diện vãng lai được quy định cho các tỉnh, thành phố và nộp trực tiếp tại Sở GD-ĐT.

Sau khi hết hạn nộp hồ sơ ĐKDT tại địa phương, thí sinh nào nộp hồ sơ ĐKDT tại trường thì ghi mã ĐKDT: 99. Đối với thí sinh Hà Nội, năm nay Bộ GD - ĐT quy định bảng phân khu vực cụ thể là KV1: gồm các xã Minh Quang, Ba Trại, Khánh Thượng, Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hoà, Yên Bài (thuộc huyện Ba Vì), An Phú (thuộc huyện Mỹ Đức), Phú Mãn (thuộc huyện Quốc Oai), xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Thạch Thất), xã Đông Xuân (thuộc huyện Quốc Oai). KV2-NT: gồm tất cả các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hoà, Thường Tín, Phú Xuyên, Mê Linh (trừ một số xã thuộc KV1 của 4 huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất đã ghi ở trên). KV2: gồm: thị xã Sơn Tây; huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì. KV3: gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông.