Cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học

Cấm kiểu này lách kiểu khác

ANTĐ - Ngày 3-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Trong đó, với những trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên phải hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh.
Cấm kiểu này lách kiểu khác ảnh 1

Thông tin này lập tức trở thành vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Nhưng cũng có người thở dài lo lắng vì cấm kiểu này sẽ lách luật kiểu khác. Bởi thực tế vẫn có chuyện,mặc dù có quy định cấm nhưng các cô vẫn giao bài vì thành tích, nhiều phụ huynh vẫn muốn giao bài nâng cao. Khi có đoàn thanh tra, cô nhắc các con giấu tiệt đi, vô tình không chỉ tăng áp lực bài vở cho học sinh mà còn “dạy” các con nói dối. Vậy phải làm sao?

Bộ GD - ĐT nhận định: Hiện tượng vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học vẫn còn tồn tại đã gây áp lực với học sinh và cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và làm giảm uy tín của ngành. Trong Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GD - ĐT chỉ đạo các phòng GD - ĐT, các trường tiểu học ở địa phương: Đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày: hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy 1 buổi/ngày: chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa. Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ.

Chỉ thị này cũng yêu cầu Giám đốc các Sở GD - ĐT tham mưu với UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành các văn bản quy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, hiệu trưởng và giáo viên trong việc dạy thêm, học thêm và chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định hiện hành về dạy thêm, học thêm. Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội), cho hay trường từ lâu đã không giao bài tập về nhà, đặc biệt với các lớp 1, 2, 3. Tuy nhiên, ở khối lớp 4 và 5, lượng kiến thức toán rất lớn với những bài khá phức tạp như nhân, chia số dư nên trường đề nghị phụ huynh phải nhắc nhở con em xem lại bài và chuẩn bị bài hôm sau. Bà Yến cho rằng học sinh lớp 1 nếu nhanh nhẹn sẽ không phải chuẩn bị gì cho hôm sau nhưng với các em chậm hơn, phụ huynh cần giúp ôn bài buổi tối. Với học sinh lớp 4, 5, những em học chưa tốt, phụ huynh nên chủ động kèm mỗi tối từ nửa giờ đến một giờ.

Ông Trần Văn Hà - Hiệu phó trưởng Tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết hiện nay nhà trường đã yêu cầu các giáo viên làm cam kết không giao bài tập về nhà từ đầu năm. Nếu giáo viên nào thực hiện không đúng như cam kết thì nhà trường sẽ tiến hành kỷ luật như quy định. Hiện nay, các học sinh trong trường đều không phải làm bài tập về nhà quá nhiều. Các con có một ngăn để đồ dùng học tập ở lại không phải mang nặng, còng lưng vì cặp sách như trước. Ông Hà cho rằng chủ trương này nhằm giúp các con đi học thoải mái hơn, tối về nhà các con không bị áp lực học bài đè nặng. Tuy nhiên nhiều phụ huynh khi thấy cô giáo không giao bài tập về nhà lại lo lắng và đề xuất cô giáo giao bài tập về nhà cho con. Trong những trường hợp đó, các thầy cô giáo đều giải thích để phụ huynh hiểu về chỉ thị, chủ trương của ngành giáo dục. Ngoài ra, nhiều em học sinh muốn được làm bài tập nâng cao, ngoài sách giáo khoa. Những trường hợp đó, các cô sẽ cho các em làm bài tập ngoài sách giáo khoa nhưng điều này cũng ít dần, không nhiều như trước.

Không cần thiết cho bài tập về nhà

Tôi thấy cấm là đúng, dù quy định này không chỉ tạo nên hai luồng, mà là nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tiểu học đã học hai buổi/ngày rồi, còn bắt các cháu về nhà học làm gì, không cần thiết. Học cơ bản là được. Nhiều người cho là phải học nâng cao ở sách nọ sách kia nhưng tôi thấy không cần thiết. Nước ngoài họ có học thêm đâu mà vẫn văn minh, phát triển. Bộ GD-ĐT đã giảm tải nhiều rồi, chương trình nặng là do người ta cứ thêm vào, tự tạo ra cái nặng, cô giao bài tập về nhà để con mình dành thời gian vào đấy mà quên đi những trò chơi khác. Phải dành thời gian cho trẻ xem, chơi, thư giãn,… Nhiều học sinh nông thôn vừa học vừa kiếm sống, có học thêm gì đâu mà các cháu vẫn giỏi. Phổ thông ngày xưa làm gì có học thêm mà rồi vẫn nhiều người giỏi. Nếu học thêm thì học nhiều thứ khác, như học hỏi từ các chương trình trên ti vi, học từ những trò chơi, chuyến đi, trải nghiệm thực tế chứ không phải chỉ trên sách vở. Một đứa trẻ thành người không phải chỉ nhờ kiến thức sách vở, nó còn cần được dạy cả những giá trị sống như sự khiêm tốn, thật thà, dũng cảm…

GS-TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ tiểu học, Bộ GD-ĐT

Cần linh hoạt giữa các lớp

Tôi đồng tình không nên cho bài tập về nhà cho trẻ lớp 1, 2. Nhưng với lớp 4, 5, khối lượng kiến thức rất lớn, nhất là môn toán. Nếu học sinh chỉ học trên lớp mà không có bài về nhà thì nhiều em sẽ không nắm vững kiến thức. Với những em học chậm, yếu thì vẫn cần thiết có bài về nhà để bố mẹ kèm cặp thêm. Thêm vào đó, với những em mà bố mẹ muốn con thi vào những trường chất lượng khi lên lớp 6 thì buộc các em phải học tăng cường hơn. Vì vậy tôi nghĩ với học sinh lớp 4, 5 các cô giáo vẫn nên cho một phiếu bài tập về nhà cho trẻ học từ 30 phút đến 1 tiếng, cũng không quá căng thẳng. Phụ huynh những em có học lực yếu, tiếp thu chậm vẫn cần thiết phải kèm cặp thêm ở nhà thì mới mong con đuổi kịp các bạn.

Anh Trần Trung Dũng, (phường Quan Hoa, Cầu Giấy)

Giao bài khiến các cháu không dám đi ngủ


Gia đình tôi có một cháu học lớp 6 và một cháu học lớp 1. Suốt 5 năm cháu đầu tiên học tiểu học, gia đình rất vất vả vì tối về sau khi cơm nước, tắm rửa xong cháu lại phải ngồi ngay vào bàn học. Nhiều hôm đến 10 h mà chưa làm bài xong. Loay hoay cả buổi tối, quát tháo ầm ĩ, mà nhìn trang vở của chúng lấm lem mực, tẩy xóa, sai chỗ nọ tẩy chỗ kia, mình cũng nản. Học cả ngày ở trường cháu mệt nên nhiều hôm 8h tối đã buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài nhưng bài chưa làm xong không dám đi ngủ. Những ngày cuối tuần cô cũng giao thêm 2, 3 phiếu bài tập cuối tuần. Nhiều khi gia đình muốn đi chơi vào ngày cuối tuần cũng khó vì cháu lo bài vở chưa làm xong, sợ cô phê bình trước lớp. Thương con nhưng chúng tôi cũng không biết phải làm sao.

Nhưng sau khi nhận được thông tin Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cấm không cho bài tập cho học sinh tiểu học, chúng tôi rất mừng. Như thế là cháu thứ 2 sẽ đỡ vất vả hơn. Tối về ăn uống xong cả nhà có thể ngồi quây quầy chơi, xem ti vi hay nói chuyện với nhau, cũng giảm áp lực cho các cháu khi cả ngày đã học ở trường rồi. 

Chị Nguyễn Mai Anh, (phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy)


Không tự nguyện thì cũng phải tự nguyện


Tôi rất mừng khi nhận được thông tin này nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng. Bởi một điều không thể phủ nhận tại các trường học của chúng ta hiện nay là chuyện thành tích, giữa các cô giáo có sự thi đua. Lớp cô nào có nhiều học sinh học giỏi thì cô đó mới được là giáo viên dạy giỏi. Muốn có nhiều học sinh học giỏi thì buộc cô giáo phải tăng áp lực lên học sinh, ép các em học càng nhiều càng tốt. Chương trình giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn là quá nặng. Nếu không cho bài tập về nhà thì các con sẽ bị làm dồn ở lớp vì chương trình nó thế, không học nâng cao không được. Ngay cả chuyện dạy thêm học thêm. Bộ cấm nhưng nhà trường tổ chức cho phụ huynh viết đơn tự nguyện yêu cầu được học thêm. Không tự nguyện thì cũng phải tự nguyện. Vì vậy tôi hy vọng rằng, sẽ không có sự biến tướng trong việc giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học.

Chị Nguyễn Hương Loan, (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình)

Ngôi trường nói không với bài tập về nhà

Một trường học ở tỉnh Quebec, Canada là College de Saint-Ambroise bắt đầu thử nghiệm chương trình giáo dục mới trong năm nay, với quy định cấm gần như hoàn toàn bài tập về nhà nhằm giảm áp lực cho học sinh. Quyết định cấm bài tập về nhà tại Quebec đã được phụ huynh ủng hộ, mặc dù vẫn còn một số trường hợp lo rằng họ sẽ không thể tham gia vào quá trình học tập của con. 

College de Saint-Ambroise không phải ngôi trường đầu tiên thử nghiệm phương pháp này. Năm 2008, hình thức tương tự từng được áp dụng ở một trường học tại thành phố Barrie, tỉnh Ontario, và thu được kết quả khả quan. Năm 2012, Tổng thống Pháp Francois Hollande từng đưa ra ý tưởng về một lệnh cấm bài tập về nhà trên quy mô toàn quốc. Trong khi đó, các trường học ở Đức cũng loại bỏ hình thức giao bài tập về nhà cho học sinh. Theo nghiên cứu năm 2008 của Đại học Toronto, dựa trên khảo sát ý kiến các gia đình ở Ontario và khu vực khác của Canada, nhiều phụ huynh tỏ ra “không chắc chắn về hiệu quả tích cực của bài tập về nhà với thành tích học tập của con cái họ”.

Giáo sư Etta Kralovec của Đại học Arizona, Mỹ, nhận định rằng vì thường phải làm quá nhiều bài tập nên học sinh tiểu học không có đủ thời gian để tham gia hoạt động ngoại khóa, hay đơn giản là chơi đùa. Tác giả của cuốn sách The End of Homework cho rằng bài tập về nhà không có lợi ích nào với học sinh tiểu học.