Cam kết vì an ninh hàng hải

ANTĐ - Có quyền lợi và lợi ích liên quan mật thiết ở Biển Đông, cả Nhật Bản và Mỹ đều đã đưa ra những cam kết bảo đảm an ninh hàng hải cho các quốc gia Đông Nam Á nằm án ngữ trên vùng biển chiến lược quan trọng này.

Cam kết vì an ninh hàng hải ảnh 1
Lãnh đạo Nhật Bản và 10 nước Đông Nam Á nắm tay với cam kết hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải
ở khu vực


Trong bài viết trên tạp chí The Diplomat (Ngoại giao) của Nhật Bản ngày 28-12, giáo sư Carl Thayer ở Học viện Quốc phòng Australia đã đánh giá lại  một năm hoạt động của Mỹ và Nhật Bản ở Đông Nam Á. Theo đó, hai cường quốc này đã đưa ra nhiều cam kết nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong việc đảm bảo an ninh hàng hải.

Theo vị giáo sư chuyên theo dõi vấn đề quốc phòng và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các cam kết hợp tác an ninh đã được Mỹ và Nhật liên tiếp đưa ra vào dịp cuối năm, trong đó tập trung vào Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản và họp song phương với lãnh đạo 10 nước ASEAN cũng như chuyến công du Đông Nam Á của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng diễn ra tháng 12.

Tới Việt Nam và Philippines đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng, ông Kerry thông báo nâng mức cam kết của Mỹ đối với an ninh hàng hải tại Đông Nam Á lên 156 triệu USD trong vòng 2 năm tới. Trong đó sẽ cung cấp cho Việt Nam 18 triệu USD nhằm hỗ trợ mua 5 tàu tuần tra hàng hải và công tác huấn luyện bảo đảm an ninh hàng hải.

Cùng mối quan tâm tới vấn đề đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông, Nhật Bản cũng cam kết cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra hiện đại, giá 184 triệu USD nhằm tăng cường khả năng bảo vệ vùng biển. Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho biết những tàu tuần tra đầu tiên sẽ về tới nước này trong năm 2015. 

Cung cấp tàu tuần tra chỉ là những biểu hiện cụ thể bên cạnh các cam kết hỗ trợ an ninh khác của Mỹ và Nhật Bản tới các quốc gia Đông Nam Á như đối thoại quốc phòng, huấn luyện... Cam kết ngày càng gia tăng trong bối cảnh hai cường quốc hàng đầu đang tỏ ra quan ngại sâu sắc trước vấn đề an ninh hàng hải trên vùng biển chiến lược trọng yếu này do có những động thái, hành động dùng sức mạnh để đòi chủ quyền.

Phát biểu tại Hà Nội trung tuần tháng 12 này, Ngoại trưởng Kerry nêu rõ Mỹ quan ngại và phản đối mạnh mẽ những hành động khiêu khích, gây sức ép để đạt được những mưu đồ về chủ quyền lãnh thổ. Ông Kerry cho rằng, các nước có tranh chấp có trách nhiệm phải giải trình rõ và đảm bảo những yêu cầu của họ là phù hợp luật quốc tế… đồng thời ủng hộ nỗ lực của ASEAN sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Trong khi đó, Tuyên bố chung đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã thể hiện cam kết lâu dài cũng như sự hợp tác giữa của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á nhằm đảm bảo vấn đề an ninh hàng hải là sống còn với hòa bình, ổn định khu vực. Theo đó, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng và khẳng định quyết tâm hợp tác bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế.

Đánh giá về cam kết của Mỹ và Nhật Bản, giáo sư Thayer cho rằng những động thái hỗ trợ mới của Mỹ và Nhật Bản trong năm 2013 sẽ góp phần hình thành khả năng thực thi an ninh hàng hải cho Đông Nam Á trong tương lai.