Cam kết hành động vì người dân

ANTĐ - Chiều 1-4, tại phiên bế mạc, Đại hội đồng IPU 132 đã thông qua Tuyên bố Hà Nội với sự đồng thuận cao. 

Cam kết hành động vì người dân ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nắm chặt tay chúc mừng sự thành công của IPU 132

Tuyên bố Hà Nội là kết quả của sáng kiến chính trị - ngoại giao đa phương của nước chủ nhà Việt Nam, nhằm hướng tới giải quyết những vấn đề quốc tế, cho những mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. 

Tuyên bố Hà Nội khẳng định: “Việc thông qua chương trình phát triển mới giai đoạn sau 2015 và những mục tiêu phát triển bền vững vào tháng 9-2015 này sẽ đem lại cơ hội có một không hai để ứng phó với các thách thức toàn cầu, sử dụng cách tiếp cận phổ cập và toàn diện áp dụng cho tất cả các quốc gia và gắn vấn đề xoá đói nghèo với phát triển bền vững”.

Các nghị sỹ IPU thống nhất, con người phải là động lực cho tất cả các chính sách phát triển bền vững và sự tiến bộ cần được đánh giá không chỉ bằng GDP mà còn các biện pháp khác. Con người phải là mục đích trọng tâm của phát triển và cần đầu tư đúng đắn để đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và kỹ năng... cho mọi người dân.

Cam kết hành động vì người dân ảnh 2Nữ Nghị sỹ quốc tế duyên dáng trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam

Để biến những tầm nhìn và cam kết thành hiện thực, Tuyên bố Hà Nội khẳng định: “Là đại diện của người dân, chúng ta cần quan tâm tới việc bảo vệ lợi ích công và theo đuổi sự thịnh vượng chung. Chúng ta phải ngăn ngừa các lợi ích nhóm. Phải tập trung xây dựng sự đồng thuận đối với các giải pháp thực tiễn”. Mỗi quốc gia cần có một kế hoạch phát triển bền vững được xây dựng đầy đủ với sự tham gia đóng góp sâu rộng của các tổ chức chính trị - xã hội, quần chúng nhân dân, phù hợp với khuôn khổ quốc tế về quyền con người. Nghị viện cần thu thập ý kiến phản hồi thường xuyên từ cử tri để đánh giá quá trình triển khai trên thực tế. Sự tiến bộ của mỗi quốc gia cần xem xét tới các nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trong xã hội.

Các nghị sỹ cũng đồng thuận rằng, để thực hiện tất cả các cam kết quốc tế, mỗi nghị viện, quốc gia cần tăng cường nguồn lực trong nước, trong đó có việc chống các dòng tài chính bất hợp pháp; nâng cao chất lượng và khối lượng viện trợ, thiết lập một cơ chế cơ cấu nợ của Nhà nước theo trình tự, tăng cường môi trường cho đầu tư khu vực tư nhân, thông qua quan hệ đối tác công - tư...