Cấm hành vi cản trở việc tham gia ý kiến cộng đồng về quy hoạch

ANTD.VN - Luật Quy hoạch nghiêm cấm các hành vi can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch; cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch; thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt...

Sáng 24-11, với 88,19% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch.

Luật Quy hoạch được thông qua gồm 6 chương, 59 điều, quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Quy hoạch

Luật quy định quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.

Luật nghiêm cấm các hành vi can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch; cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch; thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt...

Về lấy ý kiến về quy hoạch, luật quy định: Luật đồng thời quy định: việc lấy ý kiến cộng đồng về quy hoạch được thực hiện bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch, niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng, phát phiếu điều tra phỏng vấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Các ý kiến đóng góp phải được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch.Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm công bố, công khai các ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp.

Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.