Cấm góp quỹ, nhưng không cấm phụ huynh tài trợ (!?)

ANTĐ - Trong khi phụ huynh đang trông đợi vào quy định mới về các khoản thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo hướng không thu theo bình quân, bỏ các khoản thu không phục vụ trực tiếp hoạt động của tổ chức này thì các trường lại lo ngại về việc không thể một mình cáng đáng nổi các chi phí phát sinh...

Ngân sách không đủ trang trải hết mọi chi phí phát sinh trong trường học


Nhiều phát sinh

Kết quả kiểm tra liên tiếp của Bộ GD-ĐT tại các địa phương từ đầu năm học đến nay cho thấy, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều nơi không đúng với điều lệ, làm sai trách nhiệm và quyền hạn của mình. Với quyết tâm chấn chỉnh tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã chính thức đưa ra điều lệ hoạt động mới với mục đích “từ nay, phụ huynh sẽ không làm nhiệm vụ tổ chức quyên góp tiền cho nhà trường và đặc biệt là thu “bình quân chủ nghĩa” như đã từng làm. Điều này sẽ tránh được những bức xúc trong dư luận”- ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết.

Đại diện Ban giám hiệu trường THPT Trần Phú cho biết, với điều chỉnh về huy động đóng góp qua Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD-ĐT, nhiều trường cũng sẽ phải cân chỉnh lại một số hoạt động của trường vốn được sự phối hợp, giúp đỡ của phụ huynh. Với mục đích tạo môi trường thân thiện trong nhà trường, việc bố trí cây xanh trên các hành lang lớp học đòi hỏi nhà trường phải hợp đồng với công ty chăm sóc cây xanh giá 3.000 đồng/cây/tháng. Với mức chi gần 1 triệu đồng cho hệ thống cây xanh này cho một năm học, nhà trường không thể lấy từ ngân sách cấp cho học sinh nên cần có sự hỗ trợ của phụ huynh. “Tuy nhiên theo quy định mới, việc này không được phép, nhà trường sẽ phải dừng lại hoạt động này” - đại diện trường THPT Trần Phú cho biết.

Vấn đề vệ sinh cũng đang gây rất nhiều tranh cãi khi nhiều trường cho biết, khu vệ sinh trường học thường xuyên quá tải. “Chờ để có ngân sách chi cho cải tạo khu vệ sinh phải mất khá nhiều thời gian. Trong lúc đó, nếu không thuê người làm vệ sinh cho khu vực này thì học sinh khó có thể sử dụng được với mật độ học sinh quá đông, gây mất vệ sinh trong trường học. Tuy nhiêu, nếu không có hỗ trợ của phụ huynh, học sinh, nhà trường cũng không có nguồn chi cho khoản phát sinh như vậy trong khi không thể yêu cầu học sinh hay giáo viên làm nhiệm vụ này” - Giám hiệu một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết. Trong khi đó, đây mới chỉ là một số trong hàng loạt các chi phí phát sinh của một trường học không có trong quy định.


Làm sao cân đối được trách nhiệm?

“Việc quản lý các khoản thu là làm sao để các khoản này không rơi vào túi của cá nhân chứ không phải là cấm tất cả” - hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội nhấn mạnh. Vấn đề là làm sao để minh bạch và công khai các khoản thu này, theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ. “Ngân sách không thể giải quyết được tất cả nên không nên bó hẹp trong quy định trước thực tế phát sinh nhiều vấn đề. Thực tế ở đây chỉ là làm sao tăng cường quản lý và hình thức xử lý phù hợp” - ông Lê Hồng Vũ phân tích. Theo ông Vũ, để kiểm soát thu chi trong các trường, quận Tây Hồ đã yêu cầu các trường phải có tờ trình, biên bản họp... đối với các khoản thu. “Việc này có thể bịa ra nhưng khi đã cân đối với tất cả các trường trong địa bàn thì trường nào thu không hợp lý sẽ lộ ra ngay”. Bên cạnh đó, ông Vũ cũng lo ngại, việc bó hẹp trong ngân sách sẽ khiến các trường công lập bị tụt hậu vì không có cơ hội cạnh tranh, phát triển như với các trường ngoài công lập.

Về vấn đề này, ông Bùi Hồng Quang cho biết, việc cấm phụ huynh thu tiền cho nhà trường không đi ngược với chủ trương xã hội hóa. Theo đó, Bộ GD-ĐT đang soạn thảo một hướng dẫn việc vận động tiếp nhận sử dụng quản lý các khoản đóng góp tự nguyện của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ khác, kể cả của cá nhân phụ huynh học sinh. Nhà trường, cụ thể là hiệu trưởng phải đứng ra chịu trách nhiệm việc này. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà tài trợ có thể đóng góp cho nhà trường bằng nhiều hình thức với nguyên tắc chỉ một đầu mối quản lý việc đóng góp. Theo đó, các trường phải đưa vào sổ sách kế toán các khoản đóng góp, phải sử dụng các khoản đóng góp đúng mục tiêu đã cam kết, phải công khai kết quả thực hiện cũng như kết quả chi tiêu.