Cam go chống buôn lậu qua đường hàng không

ANTD.VN - Thời gian gần đây, các đối tượng buôn lậu ngày càng liều lĩnh khi gia tăng vận chuyển qua đường hàng không các loại hàng cấm như ma túy, vàng, ngà voi… với số lượng lớn. Sự tinh vi của đối tượng buôn lậu, cùng với sự móc nối của một số tiếp viên, nhân viên hàng không đã khiến cho cuộc đấu tranh trên mặt trận chống buôn lậu qua đường hàng không ngày càng cam go.

Số tang vật ngà voi

Đủ “chiêu trò” đối phó

Điển hình vào đầu tháng 10 này, cơ quan chức năng đã phát hiện một vụ buôn lậu ngà voi cực lớn với khối lượng lên đến 309kg. Số hàng trên được vận chuyển trên máy bay của Hãng hàng không Etihad Airway xuất phát từ sân bay Lagos, Nigeria về sân bay quốc tế Nội Bài.

Theo khai báo thủ tục hải quan, lô hàng này là kính thủy lực, nhưng tại thời điểm kiểm tra, lực lượng hải quan phát hiện, thu giữ 309 kg ngà voi. Đứng tên mở tờ khai lô hàng này là Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Gia Huy, có trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội.

Trước đó, Đội Kiểm soát bảo vệ sở hữu trí tuệ - Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cũng đã phát hiện, bắt giữ 105 kg ngà voi vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài. 

Liều lĩnh hơn, các đối tượng buôn lậu còn đưa một lượng lớn chất ma túy vào Việt Nam. Đó là vụ vận chuyển lá “khát” với số lượng 2.500 kg  qua đường chuyển phát nhanh của hàng không đã bị lực lượng Hải quan cửa khẩu sân bay Nội Bài phối hợp với Công an Hà Nội phát hiện, bắt giữ.

Tuy nhiên, liên quan đến lô hàng này, lực lượng chức năng nhận định các đối tượng chỉ chọn Việt Nam là nơi đánh lạc hướng chứ chưa phải đích đến. Sau khi đưa vào Việt Nam, nếu trót lọt, bọn buôn lậu sẽ tiếp tục đưa đi nước khác tiêu thụ và khai báo đó là chè khô, bởi Việt Nam là nước nước xuất khẩu chè với số lượng lớn.

Vì thế, những món hàng cấm qua đường chuyển phát nhanh hàng không này đôi khi có đường đi khá lắt léo, vòng qua trạm trung chuyển rồi mới tới điểm đến cuối cùng để tránh bị phát hiện. Ví dụ số hàng hóa mục đích chuyển về Việt Nam thì thường được đưa qua một nước khác nhằm đánh lạc hướng, sau đó chờ thời gian “nghe ngóng” mới tiếp tục chuyển vào Việt Nam.

“Có những mặt hàng đối tượng buôn lậu tạm để ở nước khác vài tháng, sau mới chuyển về Việt Nam hoặc để tại Việt Nam, sau đó nghe ngóng mới chuyển đi nước khác. Họ nắm bắt được hướng kiểm tra chặt chẽ từng khu vực của lực lượng hải quan nên chuyển hướng như vậy sẽ hạn chế việc bị phát hiện”- ông Trịnh Minh Khiêm, Phó trưởng Phòng Chống buôn lậu và xử lý - Cục Hải quan Hà Nội cho biết.

Bên cạnh đó, vụ việc vận chuyển 3 kg vàng bị Công an Hà Nội phát hiện bắt giữ hồi tháng 7-2016 còn thể hiện sự móc nối tinh vi của đối tượng buôn lậu với nhân viên hàng không. Hôm đó, 2 vị khách là Nguyễn Ngọc Sang (SN 1986) và Hoàng Thị Ngọc Anh (SN 1982), cùng khai báo trú tại phòng 2701, T05 chung cư Times City, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã hoàn thành xong thủ tục hải quan, thủ tục an ninh và lên tàu bay ký hiệu VN 416 khởi hành lúc 23h40 ngày 26-7-2016 chặng bay Việt Nam - Hàn Quốc (Nội Bài - Incheon).

Đáng chú ý, Hoàng Thị Ngọc Anh là tiếp viên hàng không. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, 2 vị khách này đã cất giấu trái phép 4 cục vàng lớn lên tới khoảng 3kg, tương đương 80 cây vàng.

Toàn bộ số vàng này được ngụy trang trong một gói nilon, bên ngoài quấn chặt bằng băng dính đen, giấu dưới ghế ngồi. Trong vụ này, đối tượng nắm rõ quy luật kiểm tra của lực lượng chức năng nên không gửi hàng theo vé hàng hóa mà tránh được kiểm tra an ninh, đưa  hàng cấm lên máy bay một cách trót lọt. 

Đối tượng và tang vật vụ buôn vàng qua đường hàng không

Sự cấu kết của tội phạm xuyên quốc gia

Ông Trần Lương Bắc, Chi cục phó Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài cho biết: “Những đối tượng buôn lậu qua đường hàng không thường tổ chức thành đường dây, ổ nhóm hoạt động xuyên quốc gia, nổi lên trong đó là một số đường dây do các đối tượng gốc Phi cầm đầu. Ngoài ra, một số đối tượng Việt kiều ở các nước khác như Australia, Nhật Bản, Mỹ, Canada thường lợi dụng mục đích về Việt Nam thăm hỏi, du lịch, thương mại. Sau đó, họ móc nối với các đối tượng trong nước, tạo thành đường dây vận chuyển hàng cấm hoạt động chuyên nghiệp. Hàng hóa chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như heroin, ma túy tổng hợp, cần sa hoặc một số tiền chất để tổng hợp ma túy...

Các đối tượng buôn lậu luôn tìm mọi thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng và hệ thống máy móc kiểm tra như sử dụng vali 2 đáy, giấu trong thùng loa, giày, dép, giấu ở những chỗ kín trên cơ thể, thậm chí cán nhỏ ma túy để bỏ vào bìa tranh hay bìa sách. Cùng với đó, khi đưa hàng cấm vào Việt Nam tiêu thụ hoặc trung chuyển đi nước thứ ba, nhóm đối tượng kiểu này thường cố tình khai báo sai tên hàng, giấu hàng cấm trong các mặt hàng được nhập khẩu chính ngạch. Tinh vi hơn, các đối tượng còn thực hiện chuyển tải hàng hóa qua nhiều chặng, làm mới chứng từ hòng che giấu cảng bốc xếp hàng gốc để đánh lạc hướng điều tra của các lực lượng chức năng trong việc theo dõi các tuyến vận chuyển trọng điểm”.

Cũng theo ông Trần Lương Bắc, nhiều hàng hóa bị phát hiện không tìm được chủ hàng, do vậy việc xử lý hay điều tra mở rộng rất khó khăn. Điển hình vừa qua, từ công tác xác minh, điều tra, lực lượng Hải quan thuộc Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - Cục Điều tra chống buôn lậu nhận thấy có dấu hiệu bất thường từ 2 kiện hàng vận chuyển trên chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ về sân bay Nội Bài ngày 6-4-2016.

Vài tuần sau đó, số hàng trên vẫn chưa có người đến nhận. Lần theo các thông tin, địa chỉ người nhận hàng ghi trên vận đơn, lực lượng Hải quan đã liên hệ và yêu cầu bà N trú tại tỉnh Yên Bái đến trụ sở để làm việc. Tuy nhiên, bà N không thừa nhận số hàng trên là của mình với lý do bà đánh mất chứng minh nhân dân nên có thể ai đó nhặt được và sử dụng để buôn bán bất chính.

Để có căn cứ xử lý tiếp theo, Đội 4 đã chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài - Cục Hải quan Hà Nội - khám xét chi tiết, phát hiện 2 kiện hàng hóa là 2 thùng carton, bên trong có 2 chiếc vali nhiều lớp chứa tổng số 105 khúc ngà voi có tổng trọng lượng 97,8kg. Hiện lực lượng Hải quan đang tìm các manh mối về chủ hàng để xử lý vụ việc. 

Đánh giá về thực trạng thời gian qua số vụ vận chuyển ngà voi qua đường hàng không vào Việt Nam ngày càng nhiều, ông Trần Lương Bắc phân tích do giá ngà voi trên thị trường hiện nay đã tăng gấp 3 lần so với trước đây. Ví dụ một vòng trang sức đeo tay bằng ngà voi trước đây giá khoảng 3 triệu đồng giờ có thể lên đến 15 triệu đồng. Vì thế, các đối tượng đã lợi dụng chia nhỏ hàng hóa, chế tác sẵn rồi sau đó đưa vào Việt Nam. 

Ông Trịnh Minh Khiêm, Phó trưởng Phòng Chống buôn lậu và xử lý - Cục Hải quan Hà Nội cho biết: “Trước tình hình buôn lậu có chiều hướng phức tạp gia tăng, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, đồng thời cử cán bộ bám sát, nắm tình hình địa bàn trọng điểm để có phương án đấu tranh phù hợp. Lực lượng kiểm soát chống buôn lậu thường xuyên túc trực 24/24h, rà soát số hành khách, cũng như kiện hành lý, thậm chí cả các loại hàng hóa thông thường trên từng chuyến bay trọng điểm”.