Cấm giao bài tập, cấm dạy thêm: Vui trước - buồn sau?

ANTĐ - Vừa ban hành ngày 3-11 nhưng Chỉ thị về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã gây xôn xao khắp cả nước. Nhiều bậc phụ huynh mừng vì thoát khỏi mối lo bài tập, học thêm nhưng nhiều chuyên gia lại lo ngại biến tướng và xa hơn là sự thụt lùi chất lượng.

Cấm giao bài tập, cấm dạy thêm: Vui trước - buồn sau? ảnh 1Không có bài tập về nhà, nhiều phụ huynh lo con em mình chểnh mảng,
thiếu áp lực học hành

Dạy thêm làm giảm uy tín ngành giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định, hiện tượng vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm ở tiểu học vẫn còn tồn tại đã gây áp lực với học sinh và phụ huynh, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT thừa nhận dạy thêm, học thêm đang làm giảm uy tín của ngành giáo dục.

Để thực hiện nghiêm túc quy định về dạy thêm, học thêm và quy định về đánh giá học sinh tiểu học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp và khuyến khích học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày, giáo viên chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày, không giao bài tập ngoài sách giáo khoa.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học, không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ. Ngoài ra, Bộ yêu cầu không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6. Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Chánh Thanh tra Bộ chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo thanh tra giáo dục các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Cùng với đó, các Sở GD-ĐT phải tham mưu với UBND tỉnh, thành phố quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, hiệu trưởng và giáo viên trong việc dạy thêm, học thêm và chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường, tổ chức, cá nhân vi phạm.

Vui nhưng vẫn lo

Những ngày qua, các bậc phụ huynh đã bàn tán rôm rả về đề tài cấm ra bài tập và dạy thêm, học thêm. Một phụ huynh trường Tiểu học Kim Liên cho biết: “Tôi rất đồng tình với quy định không giao bài tập về nhà, khuyến khích để đồ dùng sách vở tại lớp. Quy định này giúp cho các con có thời gian nghỉ ngơi, giao lưu với gia đình vào các buổi tối thay vì ăn xong lại lao vào học bài. Các bậc phụ huynh cũng cảm thấy quá tải khi hết việc cơ quan đến việc nhà, lại đến kèm con học mỗi tối”. Tuy nhiên, một phụ huynh có con học lớp 4 trường Tiểu học Kim Liên, chị Nguyễn Minh Thái lại lo lắng, chương trình lớp 4 của con có nhiều kiến thức khung rất quan trọng, nếu chỉ hoàn thành bài trên lớp mà không làm thêm bài tập về nhà thì sợ con lơ là, quên kiến thức hoặc không có điều kiện đầu tư sâu hơn.

Bàn về việc giao bài tập, bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B cho biết, trường thực hiện việc không giao bài tập về nhà với học sinh lớp 1, 2, 3 từ vài năm nay nhưng với khối 4 - 5, lượng kiến thức rất lớn, nên dù không có bài tập về nhà nhưng trường vẫn đề nghị phụ huynh phải nhắc nhở các cháu xem lại bài và chuẩn bị bài ngày hôm sau... 

Trong khi đa số các bậc phụ huynh vui mừng với quy định này của Bộ GD-ĐT, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Tây Hồ lại đưa ra ý kiến phản biện khi cho rằng, nếu cấm tất cả như vậy dễ rơi vào cực đoan. “Không được ra bài tập, không được thi học sinh giỏi, giao lưu sân chơi trí tuệ, không học thêm, dạy thêm, không chấm điểm… có thể hiểu như một kiểu thả nổi chất lượng giáo dục tiểu học. Chúng tôi không thể giám sát 100% giáo viên cả quá trình dạy học nếu không có thước đo, đánh giá”. Ông Lê Hồng Vũ lo lắng, không có sức ép, hệ quả chất lượng giáo dục tiểu học sẽ khó lường. “Thay chấm điểm bằng nhận xét là cách làm văn minh, hiện đại hơn nhưng phải phù hợp với thực tế. Đây là cách giáo dục theo phương pháp chuyên biệt hóa ở mức cao thay vì dạy tập trung cả một tập thể. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với một lớp 50-60 học sinh như ở nước ta hiện nay. Ở Hà Lan, người ta không chấm điểm học sinh. Điều này đòi hỏi học sinh có tính tự giác cao nhưng ở Việt Nam, tính tự giác chưa được chú ý giáo dục từ nhỏ, từ gia đình thì khi áp dụng sẽ không phù hợp” – ông Lê Hồng Vũ nói.

Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Vũ cũng lo ngại về khả năng có những biến tướng của dạy thêm, học thêm khi mức sống giáo viên thấp, không đảm bảo để họ toàn tâm, toàn ý cho giáo dục theo yêu cầu đổi mới. “Ban đầu phụ huynh có thể mừng vì con không phải làm bài tập ở nhà nhưng rồi có khi lại sốt ruột khi thấy tối nào con cũng bảo không có bài, chỉ ngồi xem ti vi, chơi máy tính. Không yên tâm thì lại tìm cách gửi gắm cô giáo, thuê gia sư dạy thêm… Đấy là chưa kể có những học sinh vẫn có nhu cầu được nâng cao hoặc bổ túc thêm. Quy định này đánh đồng tất cả là không ổn”- ông Lê Hồng Vũ phân tích.