Cảm động người phụ nữ 50 năm giúp chồng mù mưu sinh trên phố

ANTĐ - Chiến tranh kết thúc, ông Nguyễn Cộ (SN 1933) trở về quê với những di chứng nặng nề của bom đạn, chất độc cùng với đó là đôi mắt bị mù vĩnh viễn. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường của người lính, ông đã không không nản chí, quyết sống bằng niềm tin và nghị lực để vượt qua cuộc sống khó khăn trong cuộc sống. Và cũng chính điều này khiến cho cô gái trẻ Trương Thị Bé (SN 1933) cảm phục rồi vượt qua tất cả những dị nghị để gửi gắm đời mình cho ông. Đến bây giờ, trải qua 50 năm chung sống, họ đã cùng nhau trải qua những mặn ngọt, cay đắng của cuộc đời khiến nhiều người biết đến đều hết lòng thán phục.

Cảm động người phụ nữ 50 năm giúp chồng mù mưu sinh trên phố ảnh 1Hàng ngày, bà bé dắt ông Cộ đi khắp các con đường, ngõ hẻm ở TP Đà Nẵng để bán chổi mưu sinh

Tình yêu từ nghị lực

Lần theo địa chỉ mà một người quen chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Cộ ở phường Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Trong căn nhà cấp 4 với những thứ đồ dùng đơn giản, hai ông bà đang tất bật chuẩn bị những thứ đồ dùng cần thiết cho một ngày mưu sinh bằng nghề bán chổi rong. Đó là công việc đã gắn bó với hai ông bà suốt mấy chục năm qua. Tuy năm nay ông bà đã bước qua tuổi 80 nhưng trông cả hai đều rất nhanh nhẹn, chân tay thoăn thoắt. Bà Bé đang cố gắng buộc lại từng chiếc chổi cho chắc chắn trước khi đem đi bán. Bà Bé cho biết: “Tôi cũng không nhớ rõ là mình đã làm nghề này được bao nhiêu năm nữa. Lấy nhau được vài năm thì chúng tôi đã làm công việc này rồi. Ở vùng này người dân sống bằng nghề đi biển mà mắt ông nhà tôi không thấy đường thì không thể đi được, còn tôi nếu theo nhưng người phụ nữ khác trong vùng đi lấy cá về bán mà để ông ấy ở nhà một mình cũng không đành lòng. Bởi thế mà tôi mới quyết định làm nghề này để kiếm sống. Đi bán như thế này vừa có thể dắt ông theo cùng, lại vừa chăm sóc cho ông luôn”.

Ngồi bên cạnh, ông Cộ mân mê xếp lại những cây chổi mà bà Bé đã buộc ngay ngắn để bó lại. Khi nghe vợ mình kể chuyện với chúng tôi, ông cũng tiếp lời: “Cái nghề này tuy có phần vất vả nhưng cũng đem lại niềm vui cho chúng tôi, nó đã giúp cho hai vợ chồng vượt qua những ngày tháng cơ cực nhất. Tôi mắt mũi như thế này nên tất cả đều nhờ cả vào bà ấy”.

Theo lời ông Cộ thì ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Năm 18 tuổi, ông theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để lên đường nhập ngũ. Trải qua nhiều trận chiến ác liệt ông đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt của mình. Dù không thể nhìn thấy ánh sáng nhưng không vì thế mà ông buông xuôi tất cả. Ông cố gắng tập quen dần với cuộc sống trong bóng tối, làm những công việc có thể để giúp đỡ bà con tham gia lao động sản xuất phục vụ cho tiền tuyến. Cũng chính từ nghị lực này giúp cho cô thôn nữ hiền lành, xinh xắn Trương Thị Bé hồi đó động lòng cảm mến, nguyện gắn bó cuộc đời mình với ông. “Lúc đó tôi không nghĩ rằng bà ấy lại có tình cảm với tôi bởi vì tôi nghĩ cuộc đời mình bây giờ chỉ nên làm những việc gì giúp ích được cho cuộc đời chứ chuyện vợ con thì tôi không bao giờ nghĩ đến. Nghe bà ấy nói thương mình và người khác nói rằng bà ấy rất xinh đẹp tôi cứ tưởng là bà ấy đang trêu ghẹo nên không dám mơ ước gì cả. Tới khi cảm nhận được tình cảm chân thành từ bà tôi mới dám nói ra suy nghĩ của mình rằng tôi không muốn trở thành gánh nặng của ai, mong bà ấy suy nghĩ lại rồi đi tìm hạnh phúc khác, nhưng bà ấy nhất quyết không chịu. Phải mất một thời gian dài để chúng tôi vượt qua mặc cảm của bản thân cũng như những lời dị nghị của những người xung quanh mới đến được với nhau như thế”, ông Cộ kể lại.

Chỉ cần có nhau là đủ

Sau ngày lấy nhau, hai ông bà quyết định dựng một căn nhà nhỏ ở ngày tại quê nhà để làm ăn sinh sống. Trên mảnh đất vốn còn nghèo khó này. Cuộc sống của những người bình thường đã vất vả nên đối với hai ông bà càng khó khăn hơn bội phần. Ngày ngày bà Bé lên rừng hái cây đót về buộc lại làm chổi đem ra chợ bán kiếm tiền. Rồi 4 đứa con lần lượt chào đời (3 trai, một gái) khiến cho gánh nặng cơm áo càng nặng nề hơn. Cuộc sống tuy khó khăn vất vả nhưng 2 ông bà luôn hết mực yêu thương và chăm lo cho các con của mình. Cũng vì lẽ đó mà các con của họ người nào cũng siêng năng, ngoan ngoãn, thương cha mẹ. “Chúng tôi thường dạy cho con cái phải sống như thế nào cho phải, dạy cho các con cách làm người, biết quan tâm giúp đỡ người khác, dù có nghèo khổ tới đâu cũng không nên tơ hào của ai cái gì, làm được như thế thì ắt sẽ có hậu về sau. Suốt thời gian làm vợ chồng, chúng tôi không hề xảy ra xích mích cũng như luôn sống tình cảm với bà con lối xóm, không chờ đợi vào sự giúp đỡ của ai để làm gương cho con cháu học tập”, bà Bé tâm sự. 

Số phận trớ trêu hơn khi di chứng của chiến tranh khiến cho 4 người con mà ông bà sinh ra có tới 3 người con trai lớn lên đều phát hiện bị mắc bệnh hiểm nghèo. Họ cũng lập gia đình nhưng cuộc sống cũng vất vả không kém cha mẹ. Tuy rất thương cha mẹ mình nhưng họ không giúp được gì nhiều cho hai ông bà. Đến bây giờ, tuổi đã cao nhưng hai ông bà vẫn dìu nhau trên đường mưu sinh mà không dựa dẫm vào bất cứ ai. Cứ thế, ngày qua ngày, hai vợ chồng ông Cộ tất bật lặn lội khắp con đường ngõ hẻm để mưu sinh. Mỗi chuyến mang theo khoảng 30 cây chổi để bán, vợ cầm gậy chỉ đường cho chồng. Bắt đầu từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt thì một ngày mưu sinh mới kết thúc. “Thấy ông tuổi đã cao, đi lại khó khăn nên nhiều lần tôi bảo với ông ấy ở nhà để tôi đi bán một mình nhưng ông ấy không chịu. Ông ấy bảo bao nhiêu năm qua hai vợ chồng đi đâu cũng có nhau nên ông ấy quen rồi. Cứ đi với nhau như thế dù có bán được hay không cũng thấy vui. Ông ấy còn bảo rằng có tôi bên cạnh thì ăn cái gì cũng cảm thấy ngon cả. Những lúc trời mưa, sợ ông đi lại vất vả nên tôi thường giấu ông ấy rằng hôm nay không có hàng rồi hai vợ chồng ở nhà nghỉ ngơi”, bà Bé nói.

So với cái tuổi của mình thì hai ông bà còn rất khỏe mạnh. Mỗi ngày, hai vợ chồng ông Cộ có thể đi bộ vài chục cây số là chuyện bình thường. Khi được hỏi về bí quyết làm sao để cả hai ông bà có được sức khỏe dẻo dai như vậy, ông Cộ cười bảo: “Có bí quyết gì ở đây đâu, cuộc sống của mình như thế nào thì phải tìm cách mà thích ứng với nó thôi. Không làm thì lấy gì mà sống. Mỗi ngày, hai vợ chồng tôi đều dậy từ lúc 4 rưỡi sáng sau đó phụ giúp nhau dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ cần thiết mới bắt đầu đi bán chổi rong. Sau đó về nhà nấu ăn, nằm nghe đài khoảng 30 phút rồi đi ngủ để mai lại bắt đầu công việc. Có lẽ vì chúng tôi đi bộ nhiều lại sinh hoạt đều đặn nên mới có được sức khỏe như bây giờ đó. Bên cạnh đó, sống vui vẻ, bỏ qua những lo lắng để đầu óc được thảnh thơi cũng là một điều quan trọng”.