Cảm động đồng bào Dao hiến đất, đưa con vượt qua mưa lũ, đu dây đến trường

ANTD.VN - Suối Quyền là xã miền núi, đặc biệt khó khăn với trên 99% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Đây là 1 trong 4 xã của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bị thiệt hại nặng nề nhất về nhà cửa, tài sản, hoa màu và các công trình đường sá, cầu cống, thủy lợi trong đợt mưa lũ lịch sử do hoàn lưu cơn bão số 3 ngày 19-7-2018 gây ra; trong đó, Suối Quyền là xã bị thiệt hại nặng nhất về đường giao thông và cơ sở vật chất giáo dục, làm ảnh hưởng lớn đến công tác khai giảng năm học mới 2018 - 2019.
 

Lễ khai giảng năm học mới của thầy và trò Trường Tiểu học và THCS Suối Quyền, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

Khắc phục mọi khó khăn, nâng bước trẻ đến trường

Theo ông Trịnh Xuân Thành (Bí thư Đảng ủy xã Suối Quyền), mặc dù không có thiệt hại về người nhưng mưa lũ đã gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, giao thông, kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã. Trong đó, có 151 hộ bị thiệt hại về lúa, quế, hoa màu với tổng giá trị khoảng 150 tỷ đồng; thiệt hại về gia súc, gia cầm ước khoảng 90 triệu đồng; thiệt hại về giao thông khoảng 7 tỷ đồng; 7 tuyến mương thủy lợi bị hư hỏng hoàn toàn 12km, các tuyến thủy lợi đều bị sạt lở làm gãy mương nghiêm trọng, giá trị thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng; 9 nhà sập trôi hoàn toàn, 1 nhà bị hư hỏng nặng, 16 nhà phải di dời khẩn cấp. 

Đặc biệt, điểm trường tiểu học gồm 4 phòng học xây ở thôn Vàng Ngần (trị giá 1,5 tỷ đồng) bị sập trôi hoàn toàn cùng diện tích 908m2. Đường vào điểm trường mầm non Vàng Ngần bị đất đá vùi lấp chiều dài khoảng 300m, bùn đất tràn vào sân, lớp học rất nhiều. Đường giao thông đi từ bản Vàng Ngần, Thẳm Có bị sạt lở nghiêm trọng, cô lập; đến ngày 27-8 vừa qua mới thông xe công trình, nhưng rất nguy hiểm vì thường xuyên có đá rơi và sạt lở đất.

Cảm động đồng bào Dao hiến đất, đưa con vượt qua mưa lũ, đu dây đến trường ảnh 2Đồng bào vượt suối, đu dây vào điểm trường 

Nghiêm trọng nhất là đoạn từ Thẳm Có lên trung tâm xã bị phá hủy hoàn toàn, không thể đi lại được (kể cả đi bộ), nên bà con phải đi vòng qua thị xã Nghĩa Lộ xa hơn khoảng 20km (hiện nay từ trung tâm xã đi Vàng Ngần khoảng 45km, đến Thẳm Có khoảng 30km)… Thiệt hại sau cơn lũ dữ khiến cho con đường đến trường của con em trong xã gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện xã Suối Quyền có  Trường Tiểu học và THCS Suối Quyền, với 3 cấp học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Để các cháu được hưởng trọn niềm vui trong Ngày hội đến trường cùng học sinh cả nước, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường và bà con nhân dân địa phương, nhất là khu vực hai thôn Thẳm Có và Vàng Ngần - khu vực vừa thiệt hại nặng nề sau cơn bão - đã đồng thuận ủng hộ phương án đưa các cháu học tiểu học lên trung tâm xã để ở bán trú tại trường. 

Cảm động đồng bào Dao hiến đất, đưa con vượt qua mưa lũ, đu dây đến trường ảnh 3

Giáo viên và nhân dân vận chuyển vật liệu sửa chữa điểm trường

“Nhà trường đã bố trí 6/11 lớp học 2 ca và tạm thời bố trí 71 học sinh ở xen ghép 2 em/giường đơn; dự kiến sau khi xây dựng xong 2 phòng ở (tháng 11-2018), số lượng học sinh bán trú ở xen ghép giảm xuống còn 23 em”. Thầy giáo Nguyễn Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Suối Quyền cho biết.

Cảm động đồng bào Dao hiến đất, đưa con vượt qua mưa lũ, đu dây đến trường ảnh 4Điểm trường ở thôn Vàng Ngần tan hoang sau cơn lũ dữ

Nô nức ngày hội đến trường

Nhờ làm tốt công tác dân vận, bà con nhân dân trong xã đã hăng hái ủng hộ hiến đất; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng nhà bán trú, hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch, hỗ trợ đủ vở viết, sách giáo khoa để học tập, hỗ trợ một số đồ dùng bổ sung cho dụng cụ nấu ăn, nuôi dưỡng các cháu. Tiêu biểu như tại thôn Suối Bắc (trung tâm xã), hộ ông Lý Hữu Minh hiến 250 m2 đất để xây 2 phòng học bán trú cho học sinh (diện tích 144 m2); hộ ông Lý Tiến Phúc hiến 300m2 ao để san lấp làm vườn trồng rau cho học sinh. Hiện cả 2 phòng học bán trú đã khởi công bằng nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm; dự kiến hoàn thành 30-10-2018.

Tuy vậy, bậc mầm non còn thiếu 3 phòng học (2 phòng tại thôn Vàng Ngần do địa điểm hiện nay không an toàn cần di chuyển; 1 phòng tại thôn Suối Quyền); hệ thống công trình vệ sinh còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho thầy và trò ở tất cả các điểm trường. Các phòng chức năng như: Phòng bộ môn, thư viện, thiết bị, thực hành đều chưa có và chưa có nguồn lực đầu tư; ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy học của nhà trường. Mặt khác, do trường chưa đủ điều kiện công nhận là trường phổ thông dân tộc bán trú, nên còn thiếu nhân viên quản lý học sinh... Nhiều cháu học sinh còn nhỏ (6 đến 7 tuổi) lần đầu xa gia đình, còn nhiều bỡ ngỡ, chưa tự mình chăm sóc được bản thân.

Được biết năm học 2018 - 2019, nhà trường có 21 lớp với tổng số 490 học sinh, trong đó có 301 học sinh bán trú. Tuy còn vô vàn khó khăn, nhưng tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 45/45 cháu (100%); trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 40/40 (100%); huy động trẻ Hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 40/40 cháu (100%). 

Mặc dù, còn bộn bề khó khăn và thiếu thốn, nhưng ngày hội đến trường đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, vui tươi, cùng niềm hân hoan của gần 500 học sinh là con em đồng bào 4 dân tộc sinh sống ở xã Suối Quyền. Thật xúc động khi thấy hình ảnh của các cháu bậc mầm non mở tròn đôi mắt ngây thơ, xúng xính trong bộ quần áo đẹp lần đầu đến lớp; hình ảnh của các phụ huynh dậy từ mờ sáng chuẩn bị và phấn khởi dắt tay con đến trường dự lễ khai giảng.