Cấm đe dọa, trù dập người yêu cầu cung cấp thông tin

ANTĐ - Nhằm công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan công quyền, vừa qua, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đã phối hợp xây dựng, giới thiệu Dự án Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) với nhiều điểm tiến bộ, được đông đảo người dân quan tâm. Nhằm làm rõ thêm một số thông tin liên quan đến dự án luật này, chúng tôi đã trao đổi với luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội.

Cấm đe dọa, trù dập người yêu cầu cung cấp thông tin ảnh 1
 - Theo ông, lý do ban hành Dự án Luật TCTT là gì? Ai là người có quyền TCTT?

- Luật sư Hoàng Huy Được: Quyền TCTT là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, trong thực tiễn việc thực hiện quyền này còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, làm giảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền. Vì vậy, việc ban hành Luật TCTT tại thời điểm này là cần thiết nhằm xây dựng một cơ chế pháp lý hữu hiệu, đầy đủ để người dân thực hiện quyền của mình.

Theo Dự thảo, mọi công dân có quyền TCTT, trừ những trường hợp bị hạn chế (dưới 18 tuổi, người mất  năng lực hành vi dân sự, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù…).

- Điểm tiến bộ cơ bản của Luật TCTT là gì?

- Dự thảo quy định, mọi công dân đều bình đẳng trong việc TCTT. Thông tin phải được cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định cụ thể về trình tự, thủ tục chung về TCTT, cơ sở từ chối cung cấp thông tin, cơ chế bảo vệ người dân khi bị từ chối yêu cầu cung cấp thông tin.

Ngoài những quy định về thông tin công bố, công khai, thông tin cung cấp theo yêu cầu của công dân, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân… dự thảo còn nghiêm cấm cung cấp sai lệch thông tin; hủy hoại, làm giả thông tin; cung cấp, sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước. Dự thảo cũng nghiêm cấm hành vi cung cấp, sử dụng thông tin để xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân; đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức… 

- Bên cạnh những quyền cơ bản, khi TCTT công dân có nghĩa vụ gì? 

- Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về TCTT thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, về vấn đề này, luật cần quy định rõ người sử dụng thông tin không được làm phương hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác; không nên quy định một chiều về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin mà nên có cơ chế đảm bảo cơ quan Nhà nước được thông tin trở lại.

- Cơ quan Nhà nước có quyền từ chối cung cấp thông tin không, thưa ông ?

- Đối với các thông tin thuộc bí mật cá nhân, đời sống riêng tư; bí mật kinh doanh; bí mật trong quá trình điều tra, truy tố xét xử, thi hành án… thì cơ quan Nhà nước có quyền từ chối cung cấp.

- Theo ông, để dự án luật này hoàn thiện, sớm đi vào cuộc sống cần bổ sung những vấn đề gì ?

- Cơ quan soạn thảo cần làm rõ 2 loại hình: thông tin bị cấm tiếp cận và thông tin  bị hạn chế tiếp cận. Cần quy định cụ thể về chủ thể cung cấp thông tin và quyền được cung cấp thông tin của những đối tượng yếu thế, người tàn tật… Mặc dù bí mật Nhà nước không được cung cấp, tuy nhiên, nếu là bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh, thì nên cho phép người có trách nhiệm quyết định nhưng bằng thủ tục, quy trình chặt chẽ.

Luật cũng nên quy định cụ thể về việc xử lý cán bộ, công chức khi họ từ chối cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng; bổ sung nội dung về việc chủ động cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong những trường hợp có thông tin không đúng về mình…