Cảm cúm hay viêm mũi dị ứng?

ANTĐ - Hễ thấy hắt hơi sổ mũi, nhiều người đã cho rằng mình bị cúm và tự mua thuốc điều trị. Nhưng đó là phương pháp điều trị phản khoa học. Theo các bác sĩ, cảm cúm và viêm mũi dị ứng có những biểu hiện bệnh giống nhau, hơn nữa biểu hiện của bệnh viêm mũi dị ứng rất đa dạng khiến cho không chỉ người bệnh nhầm lẫn mà ngay đến các bác sĩ cũng chẩn đoán… nhầm.

Với môi trường sống hiện đại, ngày càng ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt, thay đổi đột ngột là những tác nhân có thể gây nên căn bệnh viêm mũi dị ứng. Và đây cũng là căn bệnh khá phổ biến ở Việt Nam và được coi là căn bệnh “thời sự”  bởi viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý của đường hô hấp, chiếm tỷ lệ 17-25% dân số. Theo một cuộc khảo sát trong năm 2012 thì cứ 10 người có 8 người tự nhận là có bị dị ứng. Điều đáng nói là tỷ lệ dị ứng thường xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em. Bị dị ứng sẽ làm rối loạn giấc ngủ dẫn đến mệt mỏi và hiệu suất làm việc kém. Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có khoảng 30 đến 50% người bị viêm mũi dị ứng sử dụng đúng thuốc đặc trị. 

Mới đây, tập đoàn chăm sóc sức khỏe MSD và Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức khám tư vấn miễn phí cho khoảng 500 bệnh nhân ở phường Láng Thượng - Đống Đa, Hà Nội. Qua cuộc khám chữa bệnh này cũng cho thấy số người mắc bệnh viêm mũi dị ứng cao. Số người hiểu biết về căn bệnh viêm mũi dị ứng và biện pháp phòng ngừa cũng rất ít, nhiều người dân khi được hỏi đều cho rằng hắt hơi sổ mũi là biểu hiện của cảm cúm nhẹ bình thường.

Tình trạng dị ứng nhẹ rất phổ biến, nó gây ra các triệu chứng như ngứa, chảy nước mũi nên nhiều người cho là không nghiêm trọng đã tự mua thuốc điều trị nhưng không khỏi gây biến chứng hoặc bị  ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh đó cũng có những người bị viêm mũi dị ứng nhưng lại cho rằng bị cảm cúm nên đã điều trị bằng thuốc cảm cúm và kết quả là bệnh ngày càng nặng. Viêm mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng thường làm giảm năng suất lao động và chất lượng cuộc sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy, căn bệnh này nếu không được điều trị đúng, để bệnh kéo dài rất dễ dẫn đến viêm xoang và các chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, viêm tai giữa, có polyp trong mũi… Bệnh viêm mũi dị ứng cũng rất khó chữa, nhiều người bị quanh năm.

Theo bác sĩ Lê Thị Xuyên - Trung tâm Y tế Bộ Giao thông Vận tải thì viêm mũi dị ứng và cảm cúm có biểu hiện giống nhau là người bệnh thường bị hắt hơi sổ mũi, gây áp lực với xoang nhưng với những bệnh nhân cảm cúm thì có biểu hiện khác là thường bị sốt và đau người. Nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng có thể do môi trường mà người bệnh tiếp xúc có hóa chất gây dị ứng, phấn hoa, bông vải… cũng có thể thời tiết thay đổi đột ngột, người bệnh tiếp xúc với khí lạnh, hoặc do cơ địa bị dị ứng nhưng với cảm cúm thì nguyên nhân là do virus. Nói chung để điều trị dị ứng thì điều cơ bản là phải tìm ra nguyên nhân bị dị ứng, từ đó mới có thể có phương pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, bác sĩ Lê Thị Xuyên cũng cho rằng tỷ lệ người mắc bệnh cao, nhưng số người đi khám chuyên khoa lại rất ít. Nhiều người bệnh  đơn giản đã tự ý mua thuốc chống dị ứng về sử dụng trong thời gian dài không khỏi, gây ra nhiễm các bệnh khác. Hoặc mua thuốc chống ngạt mũi gây co mạch. Để phòng bệnh, Bác sĩ Lê Thị Xuyên khuyên người bệnh nên tránh các tác nhân gây dị ứng, có biện pháp phòng ngừa là giữ ấm và vệ sinh sạch sẽ mũi họng hàng ngày. Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến khám bác sĩ không nên tự mua thuốc uống.