Cấm buôn bán gia cầm qua biên giới là cần thiết

ANTĐ - Dù chưa ghi nhận ca nhiễm virus cúm A/H7N9 nào ở Việt Nam nhưng các chuyên gia y tế, thú y thế giới cảnh báo, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát rất cao vì nước ta có đường biên giới dài, tiếp giáp với Trung Quốc. Hơn nữa, hoạt động buôn lậu gia cầm qua biên  giới vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Cấm buôn bán gia cầm qua biên giới là cần thiết ảnh 1
Nguồn lây lan virus cúm A/H7N9 sang người vẫn bí  ẩn

Chưa phát hiện mẫu gia cầm nhiễm H7N9

Theo TS Babatunde Olowokure, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus H7N9 gây lo ngại cho thế giới bởi, đây là lần đầu tiên, virus này gây bệnh cho người. Trong khi đó, virus độc lực thấp ở gia cầm, không làm gia cầm chết, vì vậy khó phát hiện gia cầm bị nhiễm bệnh. Còn ở trên người, virus này lại gây tử vong. Tại Trung Quốc, đến nay đã ghi nhận 128 ca nhiễm bệnh, 27 người tử vong và mức độ lây nhiễm vẫn gia tăng theo giờ. Hơn nữa, phần lớn các ca bệnh nhiễm cúm A/H7N9 tại Trung Quốc được ghi nhận ở nam giới, cao tuổi. Theo các chuyên gia y tế thế giới, dù dịch cúm này xuất hiện đã 2 tháng, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa giải đáp được như tại sao phần lớn các trường hợp nhiễm là nam giới cao tuổi?...

Vì vậy, đại diện WHO đưa ra lời khuyên, người dân nên tránh xa các chợ gia cầm sống; rửa các dụng cụ nấu nướng đã tiếp xúc với thịt sống trước khi sử dụng lại; rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, đặc biệt sau khi nấu ăn và trước khi ăn. 

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT đã và đang tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán gia cầm tại các khu vực biên giới. Một chương trình giám sát đã được triển khai ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam nhằm theo dõi virus cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm. Bộ này cùng với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã xét nghiệm hơn 500 mẫu gia cầm. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục  Thú y cho biết, tất cả những mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus cúm A/H7N9.  

Sẵn sàng 4  kịch bản

Trước đó, theo bà Nguyễn Thu Thủy, kết quả giám sát được thực hiện bởi Cục Thú y đã phát hiện 2 mẫu vịt tại Cần Thơ và Hậu Giang dương tính với chủng virus A/H7. Ngoài ra, Cục này cũng đã lấy 2.000 mẫu thịt lợn tại 93 trang trại trên 12 tỉnh, thành cũng phát hiện một số mẫu dương tính với chủng virus cúm, nhưng không phát hiện virus cúm H5N1 và H7N9. 

Trả lời về quan điểm của Bộ NN&PTNT trước khuyến nghị của WHO và FAO về việc không nên cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới, ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y cho biết, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong phòng chống dịch cúm gia cầm nhiều năm qua. Hơn nữa, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) - giáp Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Việt Nam nhận định với tình hình hiện tại là nguy cơ cao vì nhập lậu gia cầm, các sản phẩm gia cầm qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Nêu quan điểm về việc UBND tỉnh Quảng Ninh cấm các hoạt động buôn bán, trao đổi gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các cửa khẩu, lối mở, đường mòn, ông Văn Đăng Kỳ cho rằng, biện pháp này là cần thiết trong bối cảnh một đại dịch cúm A/H7N9 đang đe dọa toàn cầu. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đã thuyên giảm thì có thể xem xét cho giao lưu, buôn bán, trao đổi thông thường trở lại.   

Bộ Y tế cũng đã đưa ra 4 kịch bản tình huống trong kế hoạch phòng chống cúm A/H7N9 tại Việt Nam. Dự tính nhu cầu kinh phí lên tới khoảng 114,7 triệu USD, kinh phí từ Chính phủ khoảng 36,3 triệu USD và huy động từ các tổ chức quốc tế là 78,4 triệu USD. Trong đó, tình huống 1 ở cấp độ nhẹ nhất, chưa có trường hợp bệnh trên người. Kinh phí cần trong tình huống này khoảng 17 triệu USD. Tình huống 2,3,4 là hơn 97,7 triệu USD, từ cấp độ xuất hiện trường hợp nhiễm cúm trên người đến dịch bùng phát mạnh ra cộng đồng.

Bệnh nhân đầu tiên ở TP.HCM tử vong do cúm A/H1N1 

Ngày 6-5, thông tin từ Bệnh viện 7A/Quân Khu 7 TP.HCM cho biết đã có 1 bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên tại TP.HCM có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1 từ đầu năm đến nay. 

Bệnh nhân Nguyễn Hữu C., 72 tuổi, trú tại quận 11, TP.HCM, nhập viện vào ngày 2-5, không hề tiếp xúc với gia cầm, lợn hay chim hoang dã và người nhiễm cúm. Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng sốt cao, ho, tức ngực, khó thở sau khi đi du lịch 2 ngày ở rừng Sác, huyện Cần Giờ. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1.