"Cạm bẫy" từ tín dụng tiêu dùng

ANTĐ - Tín dụng tiêu dùng đang nở rộ tại Việt Nam do tiện lợi hơn hẳn so với vay vốn từ các ngân hàng. Nhưng mặt trái của nó cũng phát sinh, xâm phạm đến quyền lợi của không ít người dân. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với những giao dịch trong lĩnh vực này.

"Cạm bẫy" từ tín dụng tiêu dùng ảnh 1Người tiêu dùng cần thận trọng trong các giao dịch tín dụng tiêu dùng để tránh bị xâm hại quyền lợi. Minh họa: Thuần Thư

Đòi nợ theo kiểu “khủng bố”

Từng đi vay tín dụng tiêu dùng để khởi nghiệp kinh doanh một quán cà phê nhỏ, anh Nguyễn Trọng Đ. (Nguyên Hồng - Đống Đa) cho biết: “Lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn ngân hàng nhưng thủ tục nhanh gọn, được việc của mình nên tôi vay. Đến ngày trả tiền, chưa thu xếp đủ, họ liên tục gọi điện giục giã. Biết là thêm ngày nào trả lãi thêm ngày đó, sẽ càng khó trả nên tôi cố gắng. Tuy nhiên, ngày nào cũng có khách lạ đến quán uống nước, nói chuyện vu vơ liên quan đến vay nợ, rất đau đầu. May mà tôi chỉ chậm thêm 5 ngày là thu xếp trả hết”.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, cơ quan này nhận được phản ánh của người tiêu dùng về việc bị xâm phạm quyền lợi trong các giao dịch tín dụng tiêu dùng. Trong đó, đáng chú ý là hành vi nhân viên thu hồi nợ có dấu hiệu đe dọa, quấy nhiễu người tiêu dùng và người thân  trong quá trình thu hồi nợ.

“Trong tất cả các vụ việc hiện đang được Cục Quản lý cạnh tranh xem xét, giải quyết, người tiêu dùng và cả người thân thường xuyên, liên tục bị các cuộc điện thoại, tin nhắn liên hệ với mục đích thu hồi nợ. Những cuộc điện thoại và tin nhắn này liên tục kèm theo nội dung đe dọa, dùng lời lẽ thiếu tôn trọng người nghe. Thậm chí, rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn được thực hiện lúc tối muộn và tần suất liên hệ trên dưới 10 cuộc/ngày” - đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.

Không những thế, trong các giao dịch tín dụng tiêu dùng, do thiếu kinh nghiệm nên người vay thường không tìm hiểu kỹ các điều khoản của hợp đồng. Trong khi đó, nhân viên của các bên cho vay có thể không thông báo đầy đủ, chính xác về mức lãi suất của hợp đồng; cách thức tính lãi phạt; thời hạn phải trả tiền hàng tháng và một số điều khoản đặc biệt trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng không biết chính xác về nghĩa vụ của mình, dẫn tới thực hiện sai hợp đồng và phát sinh khoản tiền phạt. Trong nhiều trường hợp, khi người tiêu dùng thắc mắc về mức tiền phạt thì không nhận được sự hợp tác từ phía công ty cho vay. 

Tiện nhưng rất hại

Đại diện Cục Quản lý  cạnh tranh cho biết, đặc điểm chính của loại hình tín dụng tiêu dùng là thủ tục đơn giản và thời gian giải ngân nhanh nên được nhiều người dân đang cần vốn lựa chọn. So với  tín dụng doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng có giá trị khoản vay nhỏ do mục đích sử dụng khoản vay thường là mua sắm tài sản thường ngày hoặc đầu tư kinh doanh nhỏ; Số lượng khách hàng lớn vì nhu cầu tiêu dùng hiện hữu ở tất cả các chủ thể trong xã hội. Tuy nhiên, vì giá trị khoản vay nhỏ trong khi đối tượng khách hàng thường là cá nhân và có phạm vi không tập trung nên chi phí bình quân để thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ của công ty tín dụng tiêu dùng thường cao, dẫn tới lãi suất cung cấp dịch vụ cao. Vòng luẩn quẩn cần tiền phải vay với lãi suất cao đã “bóp nghẹt” người vay tiền, khiến họ ngày càng khó trả và dẫn đến bị xâm phạm quyền lợi.

Tại Việt Nam, hoạt động tín dụng tiêu dùng đang nở rộ, nguy cơ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng rất cao. Để tránh bị xâm hại quyền lợi, cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng trong các giao dịch tín dụng tiêu dùng. Đặc biệt là phải đọc kỹ nội dung hợp đồng, thỏa thuận nội dung và lưu giữ các hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan để làm chứng cứ bảo vệ mình khi quyền lợi bị xâm hại.