Cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi: Cần thiết, nhưng khó thực hiện

(ANTĐ) - Việt Nam hiện có số người sử dụng lượng rượu bia bình quân 6,4 ly, lon/ngày, 26,1 ly, lon/tuần và đã vượt quá xa ngưỡng an toàn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới WHO về độ đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn cho xã hội.

Cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi: Cần thiết, nhưng khó thực hiện

(ANTĐ) - Việt Nam hiện có số người sử dụng lượng rượu bia bình quân 6,4 ly, lon/ngày, 26,1 ly, lon/tuần và đã vượt quá xa ngưỡng an toàn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới WHO về độ đảm bảo sức khỏe cũng như an toàn cho xã hội.

Tình trạng lạm dụng rượu bia ở Việt Nam đã đến mức báo động. Bước chân ra phố, không khó để nhận ra rằng, số lượng quán bia rượu thời kinh tế thị trường thật khó mà kiểm soát. Uống rượu bia bây giờ như một nhu cầu, một “thói quen”… văn hóa.

Uống để bầu bạn tâm sự, để mừng niềm vui, để chia nhau nỗi buồn. Nhưng nếu biết rượu bia được sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn ATVSTP, loại bỏ các độc tố, biết uống vừa phải, với nam giới, uống 3 lon/ly bia (330ml) nồng độ 5%/ngày hoặc 3 chén rượu (30ml) nồng độ từ 30 độ trở lên/ngày; với nữ giới, uống 2 lon bia/ngày và 2 chén rượu/ngày... mọi chuyện chẳng có gì đáng bàn.

Cái bệnh “lai rai” đã, đang bị nhiều người lạm dụng, khiến một bộ phận lớn dân nhậu đều uống đến say rồi quậy phá, phóng nhanh vượt ẩu trên đường, có khi đang giờ làm việc cũng uống dẫn đến TNLĐ, hiệu quả công việc thấp.

Oái oăm, cái thú “chia nhau thuốc độc mà vẫn vui” còn len vào tận hang cùng ngõ hẻm. Trong các cửa hàng tạp hóa, đồ khô, hàng nước, bao giờ cũng có vài chai “quốc lủi”. Rồi những quán bia cỏ trong các khu lao động được khoác cái mác “bia nhà máy”, giá chỉ bằng chai nước tinh khiết, uống nhạt thếch, đầu đau như búa bổ…

Bà Thịnh bán hàng mực nướng, cá nướng rong ở SVĐ Mỹ Đình cho biết: “Tôi chẳng biết có việc cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Nhưng mà cấm cũng khó. Mấy cô cậu 13-14 tuổi mặc đồng phục còn dễ nhận, nhưng khi khuyên chúng, chúng còn mắng cho là dở hơi”.

Anh Quang kinh doanh cơm bình dân phố Giảng Võ tâm sự: “Nếu buộc phải làm cam kết không bán rượu bia cho trẻ vị thành niên, chúng tôi cũng sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên, để xác định ai chưa thành niên, ai là người trưởng thành, điều này không nằm trong khả năng nhận biết của những người như chúng tôi.

Vậy tại sao chúng tôi lại phải hỏi CMND rồi mới bán bia, rất bất tiện, mất khách”.  Đây quả là vấn đề khó. Rõ ràng, cấm không được bán rượu bia cho người dưới 16 tuổi, đã nan giải, nay nếu cấm người dưới 18 tuổi không được uống rượu bia, càng nan giải.

Người chưa thành niên uống bia, rượu sẽ ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ (ảnh minh họa)

Người chưa thành niên uống bia, rượu sẽ ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ (ảnh minh họa)

Bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, thành viên nhóm soạn thảo cho biết, tình trạng gia tăng mức độ tiêu thụ rượu bia trong cả nước, trong đó mức độ trẻ hóa tăng mạnh, phần lớn do tập quán văn hóa làng xã vẫn tồn tại tệ ép buộc, “nam vô tửu như cờ vô phong”, hội hè, lễ lạt không có rượu bia, không thành vui, không thành… thân mật.

Bên cạnh đó, mức sống tăng và sự phát triển tràn lan của thị trường rượu bia, hàng năm “ra lò” 350 triệu lít rượu và 1,4 tỷ lít bia cũng khiến tệ uống rượu bia gia tăng. Hầu hết những người lạm dụng bia rượu ở Việt Nam cũng không nhận thức được các vấn đề rất nghiêm trọng của chất hóa học alcohol thực sự vô cùng nguy hại và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân…

Dẫn đến nguy cơ ngộ độc tăng cao (28,5%), khả năng nhiễm ung thư gan, xơ gan (10,7%), loét dạ dày (14,2%), đau đầu (78,5%), lo âu trầm cảm (87,5%), hoang tưởng (14,2%)… Tuy nhiên, biết thế đấy song dễ mấy ai nhận thức, sử dụng rượu bia đảm bảo và hạn chế lạm dụng thứ “thuốc độc” này?! 

Viện Chiến lược và chính sách y tế Bộ Y tế vừa đưa ra tham khảo dư luận Dự thảo đề nghị cấm người dưới 18 tuổi không được mua và uống rượu từ 4,5 độ cồn trở lên, dự kiến sau khi Bộ Y tế trình Chính phủ, sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2009.

Thiết nghĩ đây là chính sách đúng, Nhà nước cần tập trung tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nâng cao nhận thức về nguy cơ, tác hại của việc lạm dụng rượu bia, xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ bảo vệ sức khỏe lâu dài cho hàng triệu người tiêu dùng, bảo vệ thế hệ trẻ trong một nhận thức và hành động đúng đắn, văn minh.

Còn nếu quy định cấm bán rượu, bia đơn thuần chỉ là… cấm, trong khi người dân còn tồn tại không ít quan niệm sai về rượu bia, chưa kể những vấn đề phát sinh trong xã hội hiện đại, người trẻ sống thiếu ý chí, hưởng thụ, gia đình ly hôn… có xu hướng gia tăng, cái sự cấm ấy sẽ vô cùng khó thực hiện.

Hà Bảo Lâm

Không thể làm xuê xoa, hình thức

Theo số liệu khảo sát của chúng tôi, mỗi năm, nước ta tiêu tốn đến 6.000 tỷ đồng cho rượu bia, chưa kể chi phí khám chữa bệnh, TNLĐ, TNGT do say rượu bia gây ra. Qua gần 2.500 người từ 16-64 tuổi được điều tra cho thấy, số lượng người nghiện rượu bia càng ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là trẻ vị thành niên có hoàn cảnh gia đình không yên ấm.

Trong đó trẻ bắt đầu uống rượu bia là 10 tuổi; nhóm sống chung với cha hoặc mẹ từ nhỏ có tỷ lệ nghiện rượu, bia là 28,2%, tỷ lệ này tăng đến 46,1%  nếu trẻ gặp những sang chấn về tâm lý… 

Bên cạnh đó, quan niệm về uống rượu, bia của người được hỏi cũng đáng suy nghĩ: 31,8% nữ và 32,3% nam cho rằng rượu, bia có ích khi người ta thấy chán nản; 52,25% cho rằng rượu, bia để giải trí, giết thời gian; 81,8% uống để giao tiếp; 33,6% uống để… củng cố sức khỏe.

Đảm bảo sức khỏe lâu dài cho nhân dân, an toàn cho xã hội, giảm bớt nguy cơ, tác hại của rượu bia, Viện Chiến lược và chính sách y tế vừa hoàn thành Dự thảo trình Bộ Y tế đề nghị cấm người dưới 18 tuổi không được mua và uống rượu từ 4,5 độ cồn trở lên; chỉ có người đủ 25 tuổi trở lên mới được mua rượu, bia trên 14 độ cồn.

Tất nhiên việc cấm sẽ khó hiệu quả ngay tức thời bởi nếp sống, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của rượu bia chưa cao. Bản thân Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 7-4-2008 của Chính phủ, trong đó quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, cũng chưa triển khai được vì thiếu cơ chế giám sát.

Vấn đề ở đây theo chúng tôi, không chỉ có ngành y tế vào cuộc mà các ban ngành, đặc biệt là báo chí cần tăng cường công tác truyền thông; nhanh chóng xây dựng những quy định mang tính pháp lý để mọi người nhận thức việc lạm dụng rượu, bia là bất hợp pháp, là có hại cho sức khỏe cá nhân, cộng đồng. Đừng làm xuê xoa, hình thức như hiện nay.

Tiến sỹ Đàm Viết Cương

(Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế  Bộ Y tế)

Đây là một chủ trương đúng đắn

Sự ra đời Dự thảo Phòng chống tác hại của bia rượu và những biện pháp giảm thiểu tệ lạm dụng bia rượu, trong đó quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên việc xác định độ tuổi chẳng hề đơn giản.

Thực tế, chất lượng rượu bia lậu tự nấu không đảm bảo vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe vẫn lan tràn và dù đã được quy định là sản phẩm dùng ngay, được “quy hoạch” vào danh sách thực phẩm có nguy cơ cao cần quản lý, nhưng quản ra sao, dựa trên quy định gì thì các cơ quan chức năng vẫn… chịu, vì chưa thấy lực lượng nào được phân công, phân nhiệm rõ ràng để kiểm soát vấn đề này, trong khi người tiêu dùng dường như ít quan tâm đến chất lượng bia, rượu, lạm dụng việc uống và coi đó như một nếp sinh hoạt, một thói quen khó từ bỏ.

 Tiến sỹ Phạm Văn Đà 

(Trưởng phòng truyền thôngCục VSATTP)

Uống cũng là một sinh hoạt văn hóa lành mạnh

Ta cứ nói là tập quán uống rượu bia phổ biến trong dân, nhưng phải xem tập quán đó có tốt không? ở các nước Âu, Mỹ, người ta cũng uống rượu bia, song tại sao họ vẫn có ưu thế về thể chất và trí tuệ?

Đơn giản, họ biết nên uống gì, uống bao nhiêu và lúc nào… và đương nhiên, uống cũng là một sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Vì thế việc cấm người dưới 18 tuổi uống rượu bia là đúng, nhằm bảo vệ, xây dựng một lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.

Chính sách này cũng sẽ tác động đến nguồn cung rượu bia (lượng sản phẩm, chất lượng), nhu cầu sử dụng (giới hạn độ tuổi được phép sử dụng, mở rộng các địa điểm cấm bán bia rượu...) và giúp xã hội thực hành tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu không cần thiết, tránh những thiệt hại, tổn thất do TNGT, TNLĐ gây ra.

Bà Nguyễn Minh Hà

(Giám đốc Công ty XNK điện máy HTC)