Cải tiến, chưa cải cách

ANTĐ - Đón chào ngày Quốc tế lao động 1-5 năm nay, hàng triệu người lao động nước ta đón nhận một “món quà” có ý nghĩa: Lương tối thiểu được điều chỉnh từ 830.000 đồng lên 1,05 triệu đồng. Đối tượng được hưởng mức lương mới khá rộng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu…

Điều chỉnh lương lần này nằm trong lộ trình tăng lương tối thiểu của Chính phủ đã được Quốc hội thông qua… Mặc dù lương tối thiểu của công chức tăng 220.000 đồng, nhưng báo cáo kiểm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội từ năm 2011 đã nhận định rằng, mức lương tối thiểu của công chức và phụ cấp còn thấp, chưa đảm bảo được yêu cầu cải cách tiền lương. Đặc biệt với tốc độ tăng lương ở khu vực doanh nghiệp thì mức lương tối thiểu chung này vẫn chưa đảm bảo tương quan với mặt bằng lương trên thị trường.

Theo thống kê, từ năm 2003-2011, Nhà nước đã 7 lần điều chỉnh lương tối thiểu với mức tăng 2,95 lần. Song, nếu tính theo chỉ số lạm phát và mức tăng giá tiêu dùng thì lương tối thiểu thực tế chỉ tăng có 0,05 lần. Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên phát triển nguồn nhân lực nhận xét, thực chất Nhà nước chỉ mới “cải tiến” chứ chưa cải cách tiền lương. Tức là, những lần điều chỉnh lương trước đây chỉ “chạy” theo sự tăng giá, giá tăng trước, tiền lương điều chỉnh đuổi theo, cho nên lương thực tế của công chức bị giảm đi. Lần điều chỉnh này những người làm công ăn lương tỏ ra lo lắng giá cả lại “đón đầu” tăng như lần trước. Lâu nay, hệ thống tiền lương trong khu vực công đã bộc lộ nhiều bất cập và bất hợp lý.

Lương chưa thực sự là động lực thúc đẩy người hưởng lương tận tụy làm việc và thu nhập từ lương khó đảm bảo cuộc sống chứ chưa nói tới tái tạo sức lao động. Từ thực trạng này, có thể lý giải vì sao cho tới nay chỉ có 100.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với gần 10 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo quy định tham gia bảo hiểm tự nguyện, từ năm 2010-2011, người lao động sẽ phải đóng 18% thu nhập bản thân; năm 2012-2013 mức đóng là 20%. Đây là hình thức bảo hiểm nhằm đảm bảo cuộc sống cho tất cả người dân khi cao tuổi, không còn khả năng lao động, bởi mức lương được hưởng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu.

Thế nhưng, số người tham gia bảo hiểm tự nguyện vẫn rất hạn chế. Có nhiều lý do khiến người lao động không mặn mà với chế độ bảo hiểm này, chủ yếu vì thu nhập thấp mức đóng lại quá cao. Sau khi tính toán, so đo người lao động chọn cách dành dụm, “tiền bỏ ống” thay vì phải đóng bảo hiểm tự nguyện hàng tháng. Ra đời từ năm 2008, đến nay cả nước chỉ có 104.518 người tham gia đóng bảo hiểm tự nguyện, quá ít ỏi so với hàng chục triệu lao động là nông dân, lao động làng nghề, hợp tác xã… Vì sao bảo hiểm cho bản thân mà người dân không thiết tha? Một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, có rất nhiều rào cản nhưng trở ngại lớn nhất là thu nhập, lương quá thấp và việc tiếp cận chính sách cũng như chất lượng dịch vụ nhiều yếu kém.

Hiện nhiều nước trên thế giới, bảo hiểm xã hội được chia thành nhiều mức đóng khác nhau để tất cả mọi người đều có thể tham gia. Ở ta, bảo hiểm tự nguyện vẫn đóng “khung” với mức đóng thấp nhất là mức lương tối thiểu, chỉ được hưởng chế độ khi đóng đủ các loại phí và phải đặt độ tuổi nhất định. Thế nên, dù là “tự nguyện” nhưng người dân chẳng mấy thiết tha.