Cái tát

ANTĐ - Rõ ràng nó là con xe mang nhãn hiệu Peijng do một hãng nội địa Tầu sản xuất, vậy mà chớp mắt một cái nó đã lại biến hoá thần thông thành chiếc Win Nhật Bổn mới cứng? Có phép lạ chăng? 

Lão Khuynh chủ cửa hàng xe máy, râu dê ba chòm cười, nhả khói vào mặt Cường, phán: Đời là một cái chợ! Chợ giời mà mày! Chợ giời, nơi người ta mua cái người khác cần bán, nơi người ta bán cái mà người khác cần mua. Nơi tứ chiếng quần cư. Nơi hàng hoá chộn rộn, cũ mới, thật giả đua chen. Nơi đàn ông chí ít phải có gan vẫy vùng. Ấy thế! Nhà Cường ở giữa cái vùng quần cư mua bán đổi chác, thật thà và lừa dối đan xen này; thoạt đầu nghe lão Khuynh nói vậy, Cường sợ lắm. Cường vốn là đứa trẻ nhút nhát dại dột. Ở nhà, có bận trẻ con hàng xóm xui đổ mì chính lẫn vào đường, xui lấy bút chì màu vẽ bừa bãi lên tường nhà cũng nghe theo, rồi bị bố nọc ra quất cho lằn cả mông cơ mà. Bố dượng Cường dứ cái roi lên cổ Cường, quát:

- Muốn sống thì khai ra! Cái đồng hồ Môvađô của tao đâu?

Cường nghĩ: Chí đàn ông là phải có gan chịu đựng như lão Khuynh nói. Cường nhất quyết không khai cái đồng hồ Môvađô của bố dượng Cường, Cường vẫn giấu ở mái gianh kia thôi.

- Ông ơi ông, con nó chót dại.

- Nó không phải con tôi. Nó là thằng lưu manh!

Ông bố dượng vứt cái roi xuống đất. Cường đứng dậy, mím môi, đầu gật gật. Hừ, đã thế thì... cho biết tay. Cường học sáng dạ, không môn nào bị điểm dưới trung bình. Nhưng hết lớp tám không được lên lớp chín vì cô giáo Hoàn phê: hạnh kiểm kém! Hạnh kiểm kém cụ thể là bướng bỉnh, vô lễ, ngỗ ngược với thầy, bạn. Bố dượng Cường xem lời phê của cô giáo chủ nhiệm, hất tay, không nói. Mẹ Cường hờn: “Con ơi, mày hư hỏng quá, mày không biết thương mẹ!” Rồi dẫn Cường đi đến nhà cô giáo Hoàn, lấy từ trong túi xách tay ra, đưa cô giáo một phong bì dày. Cô giáo Hoàn gầy lép, mặt xạm, vui vẻ nhận phong bì tiền. Sau đó Cường đủ điểm lên lớp chín. Ôi! Tiền mua được hạnh kiểm! “Đời có đúng là cái chợ giời không, mày!” Lão Khuynh vuốt chòm râu cằm, huých vai Cường, cười khịch khịch.

Thói ngang tàng không biết giới hạn. Bỏ học là thường xuyên. Mới tí tuổi đầu, Cường và đồng bọn đã thông thạo bài bạc, từ lô đề tới xóc đĩa, tổ tôm. Lại có lần đi thâu đêm suốt sáng, từ Hà Nội lang bạt lên tận Thái Nguyên, suýt sa vào ổ hút thuốc phiện.  Chẳng bao lâu Cường nổi danh là kẻ càn quấy nhất lớp. Mẹ Cường kêu khóc, lạy van Cường, Cường cũng không mảy may thay đổi. Cường đến nhà bạn Hải chơi, bố mẹ Hải chỉ mặt Cường, mắng: “Mày cút khỏi nhà tao đi! Con tao không chơi với loại người như mày!”. Cường cũng không biết ngượng. Có lần cùng bạn bè gây sự đánh nhau với một bọn ở khu phố khác, bị bắt vào đồn công an, Cường vẫn chứng nào tật nấy: “Những người như mày sống chỉ làm khổ bố mẹ, xã hội thôi!”. 

Cường trở về nhà sau một tuần lêu lổng. Ngồi xuống mâm cơm, chưa kịp nhấc bát, Cường nhận ngay được một cuốn sổ từ tay bố dượng ném xuống trước mặt:

- Mở y bạ này ra mà xem mẹ mày đã bán máu bao nhiêu lần để lấy tiền đi tìm mày những hôm mày bỏ nhà đi!

Cường cầm cuốn sổ y bạ lên. Trong buồng, mẹ Cường chỉ còn da bọc xương, mắt xanh rớt, rấm rứt khóc. Nghe tiếng động mẹ Cường choàng dậy. Cường đi ra sân. Tới bể nước, cậu vốc nước lã vào mặt. Rồi từ từ ngồi xuống, cậu nhấc con dao phay mẹ rửa phơi trên nắp bể giơ cao. Mẹ Cường kêu thất thanh: “Ối con ơi!”. Nhát dao đã hạ. Đốt ngón tay út của Cường đã lìa khỏi bàn tay, bắn vào thành bể rỉ rỉ máu.

Rồi Cường thi vào ba trường đại học, cậu đủ điểm đỗ hai trường. 

Tôi là người hàng xóm của cậu, nhân tin vui lớn đó, liền sang chúc mừng và trò chuyện.

- Phải chăng là em đã thức tỉnh từ lòng xót thương mẹ?

Tôi hỏi. Cường gật đầu:

- Đúng thế ạ. Nhưng còn một lý do nữa mà em chưa nói ra thì chắc chẳng ai biết.

- Chuyện thế nào?

- Đêm hôm lang thang, em gây chuyện mất trật tự đường phố, bị công an bắt vào đồn. Thẩm vấn em là anh Toản. Anh Toản nói: Tôi đã biết hết hoàn cảnh và những gì cậu gây ra rồi. Tại sao cậu lại như thế? Em đáp rất xấc xược. Anh Toản tát em một cái, quát: “Đồ hèn! Thật phí sự hy sinh của mẹ cậu”

- Thế đấy! Một câu nói và một cái tát có thể gây chuyển đổi một đoạn đời. Nhưng sau đó anh Toản bị kỷ luật.

Ngắt đoạn giọng nói rầu rầu, Cường im lặng. Và tôi lúc ấy cũng không thêm được một lời. Cuộc sống hiện thời của chúng ta là cuộc sống chiêm nghiệm. Không thể không chiêm nghiệm, nghĩ suy. Vì nhờ nó, nhờ tư duy mà ta trưởng thành, mà ta nên người.

-Thoạt đầu thì em choáng váng. Lúc sau, em xấu hổ. Còn bây giờ thì em thương anh ấy, em tự giận mình. Và chị có biết không, em đã viết thư để xin huỷ bỏ án kỷ luật cho anh ấy. Trong thời gian vùi đầu vào học, em đã đọc được nhiều cuốn sách có giá trị. Chúng giúp em lý giải được đến tận chiều sâu câu chuyện em bị anh Toản tát. Gần nhất, là chuyện cái tát của ông Makarenkô, nhà giáo dục Xô Viết nổi tiếng. Trong đời dạy học của mình, ông đã có lần tát một học sinh hư. Ông ân hận vì cái tát đó. Nhưng ông vẫn cho rằng, đó là cái tát cần thiết để thức tỉnh. Trước đó, trong cuốn thiểu thuyết Cậu Tú, nhà văn Pháp Julles Valex thuật lại chuyện một học sinh bị một ông giáo Pháp tát năm cậu 13 tuổi và cái tát không bao giờ có thể quên đó đã khiến cậu đến với cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Cái tát của em là chiếc roi quất vào lưng con ngựa bất kham. Cái tát ý để lại một vệt hằn sâu trong tâm trí em. Em phải cám ơn cái tát của anh Toản!