Cải tạo xong, chất lượng kém đi

ANTĐ - “Trong khi đường nước cũ khá tốt, nước có thể chảy thẳng lên tầng trên của nhà dân thì sau khi được cải tạo lại, nước chỉ có thể chảy lờ đờ dưới tầng một. 

Hiện tại, để nước lên tầng trên, các hộ phải dùng máy bơm nước

Phú quý giật lùi?

Trên đây là phản ánh của một số người dân đang sống tại ngõ 117 phố 8-3, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Họ còn cho biết thêm, hơn chục năm nay, các gia đình trong ngõ không phải dùng đến máy bơm nước do nước chảy thẳng lên các tầng trên trong mỗi căn hộ. Đùng một cái, giữa tháng 7, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch (KDNS) quận Hai Bà Trưng thông báo sẽ cải tạo toàn bộ đường ống nước cũ do đã bị xuống cấp, han gỉ, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến chất lượng cấp nước. Kinh phí do bên đơn vị cấp nước đảm nhiệm, người dân không phải đóng góp. Trước thông tin này, người dân rất phấn khởi và hoàn toàn ủng hộ việc làm trên.

Tuy vậy, sau khi cải tạo và đấu nối xong đường nước mới, tại các gia đình, nước không thể tự chảy lên các tầng trên như trước mà chỉ chảy khá yếu ở khu vực tầng 1. Để có nước dùng, người dân không còn cách nào khác là phải mua máy bơm để hút nước lên trên. Kéo theo đó, hàng tháng họ cũng phải bỏ ra số tiền không nhỏ để thanh toán tiền điện phát sinh từ việc này. Ông N.V.Đ – người sống tại khu vực than phiền: “Với những gia đình khó khăn, đây là khoản chi khá lớn. Chúng tôi cứ nghĩ đường nước sau khi được cải tạo sẽ tốt lên, ai ngờ “phú quý giật lùi”. Bên cạnh đó, người dân cũng rất lo nếu như tất cả các gia đình bơm nước cùng một lúc thì lượng nước có đủ cấp hay không”.

Ông Đ còn cho biết thêm, theo thông báo của đơn vị cấp nước, người dân sẽ không phải đóng góp bất kỳ khoản tiền nào, kể cả việc di chuyển đồng hồ nước từ trong nhà ra ngoài đường. Tuy vậy, một số hộ dân vẫn phải bỏ ra từ 300.000-400.000 đồng cho việc này, khiến người dân rất khó hiểu.

Có mặt tại khu vực trên, chúng tôi thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Hầu hết các gia đình đã phải sắm máy bơm mới để bơm nước lên các tầng trên. Bà Vũ Thị Gái – Tổ trưởng tổ dân phố số 45 thông tin thêm, cách đây hơn 10 năm, người dân trong khu vực đã cùng nhau đóng góp kinh phí để lắp đặt hệ thống nước cao tầng đến từng nhà. Đối với dự án nâng cấp đường nước sạch mới, người dân rất đồng tình dù việc cấp nước vẫn đang diễn ra thuận lợi. Song điều khiến nhân dân thắc mắc là đơn vị triển khai dự án không nói rõ ngay từ đầu rằng đường nước mới là đường nước cao tầng hay thấp tầng. Chỉ sau khi mọi việc đâu vào đấy, họ mới cho biết nước chỉ có thể chảy dưới tầng 1. Hầu hết các hộ dân nơi đây đều đã ký Hợp đồng cung cấp nước sạch với Xí nghiệp KDNS quận Hai Bà Trưng, nộp tiền đầy đủ hàng tháng nên họ đều có mong muốn được đấu lại theo đường nước cũ.

Các hộ dân ngõ 117 phố 8-3, phường Quỳnh Mai đã được đấu nối sang nguồn nước mới

Việc cấp nước sẽ ổn định hơn?

Về dự án trên, ngày 11-6, Công ty nước sạch Hà Nội đã có Quyết định số 836 phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật tiểu dự án thay thế các tuyến ống TTK khu thấp tầng Quỳnh Mai. Theo đó, số hộ được nâng cấp, thay thế đường ống nước mới là 424 hộ tại 22 dãy nhà xây xen các khu tập thể cao tầng. Vật liệu được sử dụng là ống nhựa HDPE, ống thép tráng kẽm, van khởi thủy ống dịch vụ dùng loại van ren đồng tinh luyện vô lăng hợp kim. Tổng mức đầu tư là trên 2,4 tỷ đồng, mục đích là chống thất thoát nước.

Liên quan đến những thắc mắc của người dân, theo ông Phùng Ngọc Minh – Giám đốc Xí nghiệp KDNS Hai Bà Trưng, trước kia, người dân ở các khu thấp tầng Quỳnh Mai được cấp nước sạch từ trạm cao tầng Quỳnh Mai nên nước có thể tự chảy lên các tầng trên. Tuy vậy, chức năng chính của trạm này chỉ là cấp nước cho các khu tập thể cao tầng. Hiện nay, do nhu cầu sử dụng nước của người dân các khu nhà ngày càng tăng, nên để giảm tải cho trạm cấp nước Quỳnh Mai, đảm bảo chất lượng cấp nước cho toàn khu vực, các dãy nhà xây xen thấp tầng phải được đấu chuyển nguồn sang nguồn nước tự nhiên của Thành phố. Phải khẳng định rằng, không chỉ riêng người dân khu Quỳnh Mai mà người dân ở mọi địa bàn ở Hà Nội đã, đang và sẽ sử dụng nguồn nước này. Đây là nguồn nước ổn định, nhân dân sẽ có nước sử dụng 24/24h. Tuy vậy, họ buộc phải sử dụng máy bơm để bơm nước trên các tầng trên.

Cũng theo ông Minh, về nguyên tắc, ngành nước chỉ cấp nước đến đồng hồ và nghiêm cấm việc hút nước trực tiếp từ đường ống cấp nước. Tuy vậy, bên cạnh một số hộ có bể ngầm thì vẫn còn số ít hộ do diện tích chật chội, không có điều kiện xây bể chứa nên vẫn hút nước trực tiếp. Do số hộ này không đáng kể nên không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cấp nước toàn khu vực, khả năng thiếu nước sẽ khó có thể xảy ra. 

Trả lời câu hỏi: “Tại sao một số hộ dân vẫn phải trả tiền để di chuyển đồng hồ nước và nguồn nước tuy mới được nâng cấp song lại chảy khá yếu”, ông Minh cho biết: “Ngay từ đầu, khi thông báo về dự án, chúng tôi đã nói rõ người dân được miễn phí hoàn toàn trong việc thay đường ống cũng như di chuyển đồng hồ.Việc thu tiền không phải là chủ trương của Xí nghiệp. Còn về nguyên nhân nước chảy yếu là do hiện trong toàn khu vực vẫn chưa thi công xong nên tại một số thời điểm, đơn vị thi công phải khóa van nước lại. Sau khi tiểu dự án hoàn tất, chất lượng cấp nước toàn khu vực sẽ trở nên ổn định”.

Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân khiến người dân thắc mắc là do họ chưa nhận được đầy đủ thông tin về việc nâng cấp hệ thống đường ống cung cấp nước sạch từ đơn vị cấp nước và chính quyền địa phương trước khi dự án được khai. Để tránh những bức xúc không đáng có, đề nghị các cơ quan này cần nhanh chóng tổ chức họp dân để giải thích rõ mọi thông tin liên quan đến tiểu dự án trên trong thời gian sớm nhất!