Cái sự sính Tây

ANTĐ - Chuyện người Việt lấy tên nước ngoài không phải là hiếm, đặc biệt với cộng đồng hải ngoại. Không phải sính ngoại hay mất gốc, lý do thường rất đơn giản, chỉ để dễ dàng hơn trong việc giao tiếp. 

Những cái tên như Khương hay Quyên thường rất khó cho người nước ngoài phát âm và càng khó nhớ, chọn một cái tên Tây chẳng qua để dễ bề hoà nhập ở đất khách quê người. Ngoài ra, một số tên Việt có nội dung không hay khi dịch sang tiếng Anh hoặc nghe phản cảm khi phát âm như Phúc, Đam, Mỹ Dung… 

Trào lưu chơi tên ngoại ở Việt Nam bắt đầu có lẽ từ hơn chục năm trước, khi những cái tên đậm chất kiếm hiệp ra đời trong làng nhạc thị trường như Ưng Hoàng Phúc, Hàn Thái Tú... Bây giờ, không ít nghệ sĩ hay những người làm việc liên quan đến nghệ thuật chọn cho bản thân những nghệ danh rất lạ, kiểu nửa Tây nửa Ta mặc dù họ không phải con lai, cũng chả phải Việt kiều và hầu như không giao dịch gì với các đối tác nước ngoài. Một rừng nghệ danh “nửa đời” xuất hiện như Wanbi Tuấn Anh, Gina, Jill, Takej Minh Huy, ChanThanSan (tên thật là Trần Thanh Sơn) và còn rất nhiều nữa. 

Chủ tịch một công ty truyền thông khẳng định: “Đây là trào lưu có phần a dua, hoàn toàn không có tác dụng gì ở trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân hay góp phần tích cực cho nền giải trí. Tuy nhiên, trào lưu này sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới”. Thực ra, vấn đề này xuất phát từ căn bệnh sính ngoại, mà gốc rễ của nó là sự tự ti, mặc cảm, Tây cứ phải hơn Ta. Mục đích của nó để gây sự chú ý trước đã, còn thực chất tài năng ra sao thì tính sau(?!).

Người làm nghệ thuật lấy cho mình một nghệ danh là chuyện hết sức bình thường. Nghệ danh thể hiện tâm tư và ước mơ của nghệ sĩ. Bản chất của nó không phải là công cụ lăng-xê. Trong thời đại hội nhập, việc những cái tên Tây du nhập cũng là điều tất yếu và chúng ta cũng nên đón nhận điều đó. Nghệ danh nửa Tây nửa Ta có thu hút ngay sự chú ý lúc ban đầu, tạo ra sự khởi đầu thuận lợi cho công việc, song cái hại cũng tiềm ẩn trong đó. Kể cả có phải là người của công chúng hay không, chủ nhân của những cái tên nửa nọ nửa kia làm cho đối tác và khán giả rất khó nhớ. Hơn nữa, nếu thực lực, khả năng và kết quả công việc không tốt, nghệ danh “nửa đời” kia sẽ gây tác dụng ngược cho chủ nhân của nó.

Không hẳn cái gì của nước ngoài cũng hay hơn “nước trong”. Không nhất thiết phải lấy cho mình một cái tên Tây lạ hoắc khi những người làm việc xung quanh đều là người Việt và những sản phẩm vật thể lẫn phi vật thể chúng ta tạo ra đều là “made in Việt Nam”. Luật pháp không ngăn cấm chuyện lấy nghệ danh Tây; và trào lưu này cũng chưa hẳn ảnh hưởng gì đến truyền thống văn hoá hay thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng. Mọi sự thành công đều phải có thực chất. Vô số những nghệ sĩ thực tài và kể cả những doanh nhân thành đạt, không ai phải chọn cho mình một cái tên nửa Tây nửa Ta.