Cái ôm đầu tiên giúp cứu sống hàng nghìn trẻ sơ sinh

ANTĐ - Thông thường tại các cơ sở sản khoa của Việt Nam hiện nay, những đứa trẻ mới sinh ra sẽ lập tức được tách khỏi mẹ trong một thời gian nhất định để làm các thao tác như cắt dây rốn, hút đàm dãi, lau chùi, sưởi ấm… Theo các chuyên gia đây là một thực hành rất lỗi thời, và việc tiếp xúc da kề da giữa đứa trẻ và người mẹ ngay lúc mới sinh sẽ giúp cứu sống hàng nghìn trẻ sơ sinh cũng như ngăn ngừa hàng trăm nghìn ca biến chứng mỗi năm vì những thực hành lỗi thời đó.

Chính vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phối hợp với Bộ Y tế phát động chiến dịch “Cái ôm đầu tiên” tại Việt Nam với thông điệp “Cái ôm đầu tiên của mẹ, hơi thở đầu đời của bé”. Theo phương pháp này, tất cả những đứa trẻ mới chào đời đều được nằm sấp, quấn chặt lấy mẹ bằng một chiếc khăn, da kề da. Phương pháp này không chỉ với các ca sinh thường mà áp dụng ngay cả cho với trường hợp sinh mổ. Nó có thể được thực hiện ở tất cả các phòng đẻ mà không cần chuẩn bị phức tạp hoặc đòi hỏi các công nghệ đắt tiền. Do đó có thể áp dụng ngay tại các bệnh viện huyện, trạm y tế xã ở vùng sâu hay các vùng khó tiếp cận của Việt Nam nơi có tỷ lệ tử vong sơ sinh cao. 

Cái ôm đầu tiên giúp cứu sống hàng nghìn trẻ sơ sinh ảnh 1

Đối với phương pháp chăm sóc mới này sẽ bao gồm 6 bước: Thông báo cho mẹ về giới tính cũng như giờ sinh của trẻ, lau khô cho bé ủ ấm (bằng cách nằm trên bụng da kề da với mẹ), tiêm thuốc co tử cung cho mẹ, kẹp dây rốn muộn (từ 1 – 3 phút sau khi sinh), kéo dây rốn và xổ nhau, hướng dẫn sản phụ xoa đáy tử cung 1h sau sinh và hỗ trợ sản phụ cho bé bú sớm.

Theo các bác sĩ, phương pháp “Cái ôm đầu tiên” ưu việt hơn hẳn phương pháp cổ điển, từ khi áp dụng chưa ghi nhận bất thường mà đem lại hiệu quả không ngờ. Theo đó, khi được da kề da với mẹ, thân nhiệt người mẹ sẽ ủ ấm cho bé, điều mà máy sưởi chưa chắc làm nổi. Trước đây khi một đứa trẻ sơ sinh chào đời, sẽ được đem đi hút đàm nhớt, lau chùi, quấn khăn rồi mới sưởi ấm. Có quá nhiều khoảng thời gian trống, khiến em bé dễ bị hạ thân nhiệt, nguy cơ suy hô hấp, nhiễm trùng, xuất huyết não cao. Đó còn chưa kể tới động tác hút đàm nhớt thực hiện không khéo sẽ gây tổn thương niêm mạc hệ hô hấp còn non nớt của trẻ. 

Ngoài ra, nằm trên bụng mẹ em bé vẫn nghe được tiếng nhịp tim mẹ đập như lúc bé còn trong bụng, vì thế bé sẽ yên tâm và không bị stress bởi thay đổi môi trường sống. Phương pháp này giúp trẻ có phản xạ bú sớm hơn, có cơ hội đón nhận những giọt sữa non đầu đời thuận tiện hơn. Trẻ bú cũng giúp tử cung người mẹ co tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ băng huyết sau khi sinh. Và một điều quan trọng khác của phương pháp này đem lại, đó là giúp bà mẹ yên tâm không sợ con bị nhầm lẫn.

Số liệu thống kê tại Khoa sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ cho thấy, tỷ lệ trẻ tử vong trong 6 tuần đầu sau sinh khi áp dụng phương pháp chăm sóc sơ sinh mới đã giảm đáng kể. 6 tháng đầu năm 2014 có 385 trẻ sơ sinh tử vong trong 6 tuần đầu sau sinh trên tổng số hơn 29.000 trẻ được sinh ra. 6 tháng đầu năm nay, con số tử vong đã giảm xuống còn 272 trẻ trên 31.000 trẻ. Tương tự, số lượng trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh cũng giảm đáng kể. 6 tháng đầu năm 2014 là 1.122 trường hợp/29.000 trẻ thì 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 705/31.000 trẻ.