Cái nôi của múa rối nước truyền thống

ANTĐ - Người ta thường biết đến múa rối nước Thăng Long như một đặc sản văn hóa Thủ đô với những màn biểu diễn đậm chất dân gian nhưng ít ai biết làng Đào Thục, Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội là cái nôi của nghệ thuật múa rối xứ kinh kỳ. 

Cái nôi của múa rối nước truyền thống ảnh 1Ông Đinh Thế Văn là người có công khôi phục nghệ thuật múa rối nước Đào Thục

Người anh hùng làm rối nước 

Làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội xưa kia nằm trên nhánh của quê hương Kinh Bắc. Cách trung tâm Thủ đô gần 20 km, đi qua cầu Đuống, rẽ trái theo Quốc lộ 3, men theo đê sông Cà Lồ là  đến quê hương của múa rối nước. Chúng tôi may mắn gặp được ông Đinh Thế Văn, là một trong những nghệ nhân kỳ cựu nhất của làng Đào Thục, cũng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông Đinh Thế Văn kể cho chúng tôi về gốc tích nghề rối Đào Thục. Làng Đào Thục xưa có tên là Đào Xá. Cư dân Đào Xá nổi tiếng với nghề trồng bông, dệt vải, bởi vậy mới có câu “Đào Xá có đất trồng bông/Con gái ra đồng trông tựa tiên sa”. Sau đổi thành Đào Thục,  khởi tích là làng có nhiều cô gái nết na, đoan thục… Phường múa rối nước Đào Thục xuất hiện từ năm 1734, do cụ tổ là Đào Đăng Khiêm gây dựng. Cụ Đào Đăng Khiêm tên thật là Nguyễn Đăng Vinh, xưa là một quan nội giám trong triều nhà Lê và tiếp thu được tinh hoa nghệ thuật rối nước mang về truyền dạy cho dân làng. Vào ngày 24-2 âm lịch hàng năm, làng Đào Thục lại làm lễ thờ ông tổ nghề rối. 

Ông Đinh Thế Văn là một trong những người có công khôi phục nghệ thuật rối nước ở làng Đào Thục. Cha ông là Đinh Văn Viết vốn  là “trùm” rối của làng Đào Thục xưa. Từ năm lên 6 tuổi, dưới sự dìu dắt của người cha, ông Văn đã làm quen với con rối màu sắc. Năm 16 tuổi, ông xung phong vào bộ đội, công tác tại Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Quân chủng Phòng không Không quân. Đến năm 1990, ông nghỉ hưu.

Ông kể lại: “Ngày ấy Đào Thục đường sá lầy lội, chưa đẹp đẽ, khang trang như bây giờ. Đình làng bị tàn phá trong chiến tranh. Làng cũng chưa có thủy đình. Khi biểu diễn, đi đến đâu phải dựng thủy đình đến đấy, vất vả lắm”. Ngày ấy, ông Văn đã từng đi khắp làng vận động thuyết phục các nghệ nhân cao tuổi truyền nghề cho con cháu, quyết tâm bằng được giữ lại cái nghề. Dần dần, nghề rối nước hồi sinh, không chỉ người dân cải thiện cuộc sống, mà còn giúp Đào Thục tìm lại bản sắc cha ông từ xưa truyền lại. 

Linh hồn của rối nước

Khác với múa rối nước ở những nơi khác, rối nước Đào Thục có những đặc trưng riêng. Đầu tiên là các nhân vật rối. Chú Tễu - linh hồn trong các tiết mục rối nước được người dân Đào Thục gọi là “Ba Khí giáo trò”. Ba Khí tức là không khí của ba miền - nó  phản ánh nét văn hóa đặc sắc của 3 miền chứ không chỉ riêng miền Bắc. Nếu như chú Tễu thường xuất hiện đầu tiên trong các vở rối ở Trung ương hay Thăng Long, thì ở Đào Thục không có màn chào hỏi trên mà khai màn bằng tiết mục “đốt pháo bật cờ”. Một điểm khác nữa là rối nước Đào Thục đi theo các trò, tích trò thay vì dàn dựng thành các vở rối. Mỗi trò kéo dài khoảng 5-10 phút, trò này gối lên trò kia, không có giới thiệu xen nhau. Bản sắc dân gian thể hiện rõ nhất ở đây,  đến tận bây giờ, phường múa rối nước Đào Thục vẫn còn giữ gìn những tiết mục từ xa xưa truyền lại. 

Cái nôi của múa rối nước truyền thống ảnh 2Rối nước Đào Thục rộn rã trong những ngày hội

Trăn trở giữ nghề

Các nghệ nhân phường rối xưa kia có một nguyên tắc bất di bất dịch là phải giữ bí quyết nghề, bởi thế, không được truyền cho ai, chỉ những con trai hoặc con dâu mới được học nghề. Đến nay, mọi việc đã đổi khác. Những nghệ nhân lớn tuổi đã chú tâm đào tạo lớp trẻ kế nghiệp. Tuy nhiên, rối nước không đủ để nuôi sống các gia đình. Không biểu diễn bán vé thường xuyên, không lấy lợi nhuận làm mục đích, nên nhiều người chỉ coi rối là nghề tay trái, còn lại đa phần người dân Đào Thục chuyển sang làm mộc, hay duy trì nghề nông. Hơn thế, rối nước Đào Thục là loại hình múa rối dân gian, chỉ biểu diễn trong các ngày hội, hay một số dịp đặc biệt phục vụ khách du lịch chứ không thường xuyên, liên tục nên chẳng ai mặn mà với rối.

Anh Ngô Minh Phong, diễn viên rối nước đã trên 30 năm cho biết: “Rối nước là nghề vất vả. Quanh năm mùa nóng cũng như mùa lạnh phải lấy ao, hồ làm sân khấu, diễn viên phải đầm mình hàng giờ dưới nước. Đã thế múa rối lại mang tính thời vụ, lúc nào biểu diễn mới huy động được diễn viên. Động viên anh em trẻ tuổi vào làm cũng khó, vì diễn mà không có thu nhập thì họ rất dễ bỏ nghề để làm việc khác”. Theo anh Phong, kinh phí từ biểu diễn phục vụ khách nước ngoài, từ những lần đi lưu diễn… không bù đắp được kinh phí xây dựng vở rối, sửa chữa những con rối khi hỏng hóc…

 Theo ông Đinh Thế Văn, hiện trong làng chỉ còn 4-5 nghệ nhân lớn tuổi là ông Nguyễn Đình Tiêu, Nguyễn Văn Túc… là còn duy trì nghề rối. Còn lớp trẻ, những người kiên trì theo đuổi nghề thì rất ít. Đây thực sự là thách thức đặt ra với người muốn phục hưng nghề rối nước. “Với Đào Thục, nghề múa rối nước thực ra như một  “thú chơi tài tử”, là món ăn tinh thần trong lúc nông nhàn, chứ không thể trông chờ “ăn nên làm ra” từ nó. Bởi vậy, để rối sống được thì phải “lấy nó nuôi nó” vì nếu mất nghề rối nước, thì coi như mất bản sắc văn hóa Đào Thục. Tôi mong rằng, những người còn tâm huyết với rối nước, còn yêu nghề truyền thống thì hãy nghĩ đến quê hương, bản quán mà góp công sức để duy trì, làm cho nghề rối nước phát triển” - ông Đinh Thế Văn cho biết.