Cái khó ló cái xấu

ANTĐ - Hôm nọ tình cờ đọc lại “Lều chõng” của cụ Ngô Tất Tố, tôi mới ngộ ra rằng, cảnh lều chõng ngày xưa thua xa thời nay. Sĩ tử cũng không “sướng” như bây giờ.

- Hiển nhiên rồi! Đâu phải chỉ có độc một phố Trường Thi như hồi xưa. Giờ hầu như toàn dân, cả nước chung cảnh “lều chõng” với sĩ tử, quý tử. Cả xã hội là một trường thi lớn.

- Đúng thế thật, bất chấp mưa nắng, đêm khuya hay mờ sáng hàng chục nghìn thanh niên tình nguyện trên khắp cả nước đã có mặt tại các bến xe, nhà ga, nút giao thông, cổng các trường đại học để tiếp sức cho sĩ tử bơ vơ về “kinh thành” đấu trí.

- Trong cái khó ló cái tốt! Nhiều người dân thành thị hảo tâm sẵn sàng nhường nhà, nhường giường. Ngay cả nhà thờ, nhà chùa cũng mở rộng cửa, mở rộng lòng đón sĩ tử.

- Nghe nói nhiều thành phố lớn còn chuẩn bị hàng chục nghìn chỗ trọ, suất cơm, vé xe miễn phí. Ta cứ kêu ca phản ứng chuyện khoa cử này nọ. Nếu không có dịp này thì làm sao ló rạng, xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp cùng tấm lòng đùm bọc, chia sẻ của cộng đồng.

- Nhưng trong cái khó còn ló cái xấu. Có biết bao nhiêu dịch vụ ăn theo mùa thi và không biết bao người táng tận lương tâm nhân cơ hội này thẳng tay “chặt chém” sĩ tử, ngay ở trước cửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

- Chẳng lẽ cứ phải tạo ra cái khó để ló cái xấu? Ông Bộ Giáo dục vừa bật đèn xanh cho sĩ tử được phép mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi nhưng “mù và câm”. Tức là không được xem và nghe trực tiếp.

- Quả là độc chiêu! Lấy tiêu cực chống tiêu cực, lấy độc trị độc. Túm lại, cái khó không chỉ ló cái tốt mà còn ló cái xấu. Vậy là càng làm khó thì càng có cơ hội bộc lộ rõ cả hai.