Cái kết nào cho dòng siêu tiêm kích Su-47 Berkut?

ANTĐ - Dù có những đặc tính kỹ thuật đầy hứa hẹn của một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, tuy nhiên một số tính năng chủ chốt không nổi bật, nên rốt cuộc quân đội Nga đã không lựa chọn Su-47 Berkut làm máy bay chiến đấu trong tương lai. Tuy vậy, Su-47 vẫn còn rất hữu dụng đối với không quân Nga.

Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-47 Berkut (Беркут/Golden  Eagle) là loại máy bay chiến đấu siêu âm do Tập đoàn hàng không Sukhoi thiết kế, chế tạo, từng được đánh số S-32 và S-37 trong suốt giai đoạn từ thiết kế cho đến bay thử. Nguyên mẫu Su-47 được đánh giá là giống với máy bay nghiệm chứng kỹ thuật X-29 của Hãng Northrop Grumman của Mỹ. 

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Công ty Sukhoi (Nga) đã nghiên cứu phát triển mẫu tiêm kích Su-47 Berkut, để tham gia vào chương trình lựa chọn máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Không quân Nga. Ngày 25/9/1997, tiêm kích Su-47 Berkut đã bay thử thành công lần đầu. Chiếc máy bay được giới quân sự đặc biệt quan tâm, một phần vì kiểu dáng cánh máy bay có những điểm khác biệt lớn so với máy bay chiến đấu truyền thống là cánh ngược.

Tháng năm 2002, Sukhoi đã được chọn là nhà thầu chính cho chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 PAK FA. Các máy bay chiến đấu T-50 là sự phát triển trên cơ sở của Su-47 nhưng không có thiết kế cánh ngược. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của máy bay chiến đấu PAK FA được hoàn thành vào ngày 29/1/2010.

Su-47 gây ấn tượng với kiểu thiết kế cánh ngược


Su-47 có chiều dài 22,6m, sải cánh 16,7m, cao 6,3m, trọng lượng không tải 24 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 34 tấn, trần bay 18.000m, phạm vi hành trình tối đa 3.300km, bán kính tác chiến 1.400km. Sự kết hợp thiết kế phẳng, dẹt, dài, với các vật liệu chế tạo khung thân bằng hợp kim nhôm và Titan, cùng với lớp sơn có khả năng hấp thụ sóng radar rất tốt, đã biến nó thành một loại máy bay tàng hình.

Kiểu cánh ngược của Su-47 có một số ưu điểm nhất định như: tỷ lệ nâng trên lực cản lớn; khả năng cơ động cao trong những trận hỗn chiến trên không, tầm hoạt động cao ở tốc độ siêu âm; tăng khả năng giữ thăng bằng và chống xoay tròn; cải thiện độ ổn định ở các góc tấn công lớn; tốc độ bay tối thiểu thấp và khoảng cách cất, hạ cánh ngắn.

Tuy nhiên, kiểu cánh này cũng có nhược điểm là tạo ra lực quay mạnh, khi máy bay nhào lộn hoặc quay tròn 360 độ, hoặc lật đổi hướng rất dễ bị gãy cánh, nhất là khi bay tốc độ cao. Chính vì thế, máy bay không được phép vượt quá tốc độ Mach 1,6. Ngoài cánh ngược, Su-47 thiết kế với cặp cánh mũi để tăng khả năng cơ động, nhưng vẫn duy trì 2 cánh lái ở đuôi.

Su-47 thiết kế bề mặt phẳng, dẹt mang đặc trưng của máy bay tàng hình


Ban đầu, Su-47 Berkut trang bị 2 động cơ tuốc bin trục đẩy Perm Aviadvigatel D-30F6. Sau đó chuyển sang dùng động cơ tuốc bin phản lực Saturn Lyulka AL-37FU, cho phép đạt tốc độ tối đa 2.500 km, nhưng do đặc điểm thiết kế, nên trong quá trình thử nghiệm nó mới chỉ bay với vận tốc tối đa Mach 1,65 (gần 1.800 km).

Trước đây, về mặt lý thuyết , Su-47 được thiết kế 14 giá treo vũ khí, bao gồm 2 móc treo tên lửa ở đầu cánh, 6 ở dưới cánh và 6 giá được đặt trong khoang bụng máy bay. Vì vậy, máy bay được trang bị một hệ thống vũ khí khá toàn diện, bao gồm: tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hạm, chống radar, bom hàng không có điều khiển. Do vẫn có các giá treo vũ khí lộ thiên, nên vẫn bộc lộ đặc trưng bức xạ radar, làm cho tính năng tàng hình của nó không triệt để.

Với thiết kế 14 giá treo vũ khí, Su-47 có thể mang theo những loại vũ khí sau: 1 khẩu pháo GSh-30-1 30 mm với 150 viên đạn, 14 quả tên lửa bao gồm các tên lửa không đối không R-77M R-77PD, R-73, K-74, cùng một loạt tên lửa không đối đất gồm X-29T (Kh-29T), X-29L, X-59M, X-31P, X-31A và các loại bom có điều khiển KAB-500, KAB-1500.

Dù không được chọn làm thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, nhưng Su-47 vẫn rất hữu dụng để thử nghiệm phát triển công nghệ


Dù có những đặc tính kỹ thuật đầy hứa hẹn của một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, tuy nhiên một số tính năng chủ chốt không nổi bật, nên rốt cuộc quân đội Nga đã không lựa chọn Su-47 Berkut. Một số ưu điểm của nó được áp dụng cho chương trình nghiên cứu PAK FA, còn bản thân nó chỉ đóng vai trò như là mẫu máy bay thực nghiệm, chứ không phát triển để đưa vào hoạt động.

Tuy vậy, hiện nay người Nga cũng không muốn một sản phẩm ưu việt như vậy của mình bị lãng phí và một kế hoạch mới được vạch ra cho Su-47 để biến nó thành một loại tiêm kích hạm khủng, có tính năng không hề thua kém F-35C trên tàu sân bay Mỹ. Rất có thể, trong tương lai bộ đôi T-50 và Su-47 sẽ sánh ngang với cặp song sát F-22 và F-35 của Mỹ.