Cái kéo

ANTĐ - Chị nhớ mẹ mình lắm, nhất là khi cái giỗ đầu bà cụ sắp đến.

Là hàng xóm của chị, tôi đã chứng kiến những giây phút chị ngẩn ngơ trong nỗi u hoài về ng¬òi mẹ già. Có hôm thấy chị đi làm về, tay dắt xe đạp, tay xách cân giò nóng hổi, đang hớn hở, về đến nhà, thấy cửa đóng kín, mới như sực nhớ, liền bần thần rồi ngồi thụp xuống, ôm mặt khóc thầm. Cứ tưởng như mẹ vẫn còn, mua được cân giò định đem về cho mẹ ăn!    

Mẹ chị và chị mới dọn đến trong một căn hộ cấp 4  ở cạnh nhà tôi. Bà cụ đã ngoại 80. Còn chị,  phần vì không may mắn, phần vì thương mẹ già nên bỏ lỡ nhiều cơ hội  lấy chồng nên nay đã ngoại năm mươi mà vẫn còn độc thân. Hai mẹ con sống với nhau  trong tình mẫu tử thật hài hòa.

Kỷ niệm về tình mẹ con họ mà tôi không thể quên là một chiều mùa đông năm ấy. Sâm sẩm tối, lũ gà con trong vườn đã túm tụm bên chân gà mẹ nhao nhác tìm lối về chuồng, đang quét dọn cái sân phơi, ngó ra cổng từ nãy vẫn thấy bóng một bà cụ lưng còng, quanh quẩn đi lại vẻ bồn chồn ngóng đợi, tôi liền bước ra:

- Chào cụ ạ! Cụ mới dọn đến đây ạ! Cụ đã xơi cơm chưa?

- Cám ơn bác đã có lời chào. Tôi mới đến đây, bác ạ. Tôi nấu cơm xong rồi. Giờ, chờ con bé nhà tôi về ăn cả thể.

- Em làm việc ở đâu, hả cụ?

- Nó làm ở Công ty cung cấp khí gas, bác ạ. Mọi khi giờ này là nó đã về nhà từ lâu rồi kia.

- Chắc lại có việc đột xuất gì!

Tôi nói phỏng chừng, chưa kịp quay vào nhà, liền đã nghe thấy tiếng bánh xe đạp lăn và tiếng một người phụ nữ khàn khàn gọi to: “Mẹ! Mẹ đấy à!” Nghe tiếng gọi nọ, bà cụ lưng còng xoay người trở lại, miệng móm hõm mở ho hó mừng húm, nhưng hai mắt lại cau cau, lo lắng:

- Sao bây giờ mới về, gái? Mày làm mẹ lo lo là! Mà sao cô ăn mặc phong phanh thế!

- Con mặc hai áo len cơ, mẹ ạ.

- Len dạ gì cũng không bằng tấm áo bông mẹ trần cho. Thế trưa nay gái ăn uống ở đâu mà cũng không về?

- Mẹ ơi, con còn bé bỏng gì mà mẹ phải lo cho con thế, hả mẹ?

- Cha bố cô! Cô tưởng cô đã lớn, đã khôn ngoan rồi, không cần ai lo toan cho nữa rồi, hả? Thôi, vào nhà đi. Đổ nước nóng ra ngâm chân rồi hãy ăn cơm, con ạ.

Người phụ nữ vâng ạ rồi chậm rãi dắt xe vào cổng nhà mình. Người phụ nữ đó chính là chị. Chị có tên là Tần. Vóc dáng cũ kĩ, tóc bạc quá nửa. Đứng cạnh bà mẹ 80 tuổi, trông hai người như hai chị em.  Nhưng mà chuyện là thế đấy. Chả có người con nào lại là lớn khôn với mẹ nó cả! Chị Tần mãi mãi vẫn là con bé nhà tôi, là cái gái, là cô bé của bà mẹ. Rưng rưng nhớ tới cái hình ảnh bà mẹ ngóng mong bồn chồn chờ người con gái quá buổi còn chưa về nhà, tôi sung sướng nghĩ tới câu nói vẫn thường được nghe trong dân gian: “ Mẹ già trăm tuổi thương con tám mươi!”

 Còn hôm nay, nhân ngày giỗ đầu mẹ chị, chị làm mâm cơm cúng, rồi mời hàng xóm, gồm tôi và ba bốn người nữa sang dự. Vào bữa, chúng tôi sau khi thắp hương trên bàn thờ cụ, ngồi lại cùng nhau quanh mâm cơm do chị sắp xếp nấu nướng. Khỏi phải nói, ai cũng biết cỗ cúng phải đủ lệ bộ như thế nào. Đĩa thịt gà luộc. Bát canh măng. Bát miến. Đĩa giò. Đĩa xào xu hào, thịt nạc và bóng. Tất thẩy đều đầy đủ. Ân cần, chị mời mọc, rồi có khi còn quay đầu đũa, gắp tiếp thức ăn, nhất là những món đặc sản cho mọi người. 

- Chị Tần! Chị cứ để mặc tôi. Hàng xóm cả, chứ khách sáo gì đâu, chị!

- Mời bác ạ, miếng lườn gà ta này  mềm, ngọt lắm, bác ạ.

- Cám ơn chị! Nhưng mà chị gắp cho tôi nhiều quá rồi đấy!.

- Bác chả chịu ăn gì cả. Cả  miếng giò cháu vừa gắp nữa. Mềm lắm, bác ăn  được đấy ạ.

Chị nói khe khẽ, dịu dàng. Và vừa nói vừa nhìn tôi, một ông già đã xấp xỉ bẩy mươi, hiểu rằng với tuổi tác ấy, răng đã yếu, tôi chỉ có thể ăn những thức ăn mềm và lẽ ra chị phải nấu món thịt nhừ. Nhưng, đang nói chị bỗng ngừng lời, chăm chú nhìn tôi. Tôi vừa đưa cái túi xách tay đặt bên cạnh ra phía trước bụng và thò tay vào đó lấy ra một chiếc kéo nhỏ. Một chiếc kéo sắt nho nhỏ và ngắn bằng hai ngón tay. Rồi tôi dùng chiếc kéo nọ nhẹ nhàng cắt miếng lườn gà chị vừa đặt vào bát thành những miếng nho nhỏ. Răng tôi đã yếu từ lâu rồi, chỉ có thể ăn đư¬ợc miếng thịt cắt nhỏ xíu  thôi.

- Bác cho em xem cái kéo của bác một chút ạ.

 Chị đón cái kéo từ tay tôi. Chị  nâng nó trên tay và ngắm cái công cụ quen thuộc đơn giản nọ như ngắm một vật lạ, một sự thần kỳ. Rồi nước mắt chị ứa ra chan chan. Và bất  ngờ chị  bật khóc nghẹn ngào:

- Bác ơi, nếu em biết thế này thì mẹ em trong những năm cuối đời khi răng đã rụng vẫn được ăn thịt bò, thịt lợn, thịt gà... Ôi, khổ thân mẹ em, khi em còn nhỏ thì mẹ em nhường hết cho em ăn. Lớn lên em làm ra đồng tiền, thì mẹ không còn ăn được nữa, thật là cả đời mẹ em khổ sở, bác à!