Mẹ của “tên không tặc thứ 20”:

Cái giá phải trả quá đắt

ANTĐ - Bằng linh cảm của mình, bà Aicha el-Wafi, người Pháp gốc Morocco có thể nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo sự sa lầy của con trai bà - Zacarias Moussaoui trong thời gian hai mẹ con sống ở miền Nam nước Pháp. Nhưng kỳ thực bà Aicha không thể lường trước con trai bà lại đi theo con đường chủ nghĩa cực đoan.


Tên không tặc thứ 20

Zacarias Moussaoui, sinh năm 1968, được biết đến với biệt danh “tên không tặc thứ 20” do giới truyền thông đặt cho, cũng là kẻ duy nhất bị cáo buộc liên quan đến vụ 11-9. Zacarias học kinh doanh tại Montpellier trước khi chuyển đến London (Anh) năm 1993 và tốt nghiệp thạc sỹ tại Đại học South Bank. Trong thời gian này, Zacarias đã bắt đầu đến đúng đền thờ Hồi giáo ở Brixton mà kẻ đánh bom Richard Reid hay lui tới. Y cũng bắt đầu để râu, mặc những bộ quần áo truyền thống Pakistan và mọi người để ý đến sự thay đổi khi Zacarias bắt đầu nói đến thánh chiến, chống lại phương Tây.

Gia đình Zacarias và các nhà điều tra Pháp cho biết, trong suốt 7 năm ở London,  y đã tới Pakistan, Afghanistan và Chechnya. Tháng 3-2001, Zacarias đến Oklahoma học khóa đào tạo lái máy bay. Người huấn luyện bay cho Zacarias chứng thực kỹ năng của học viên này “dưới trung bình”. Đầu tháng 8-2001, theo các nhà điều tra Đức, anh ta đã được chuyển hàng nghìn USD từ Đức sang Minnesota, nơi anh ta đang học khóa huấn luyện lái máy bay chiến đấu. Số tiền này bắt nguồn từ địa chỉ cũng giúp đỡ kẻ chỉ huy nhóm không tặc Mohammed Atta, tên này có mối liên hệ trực tiếp với vụ tấn công 11-9.

Zacarias bị chính thức kết án chung thân vì thông đồng phạm tội với nhóm khủng bố trong thời gian vài tháng trước sự kiện 11-9. Chính Zacarias khai nhận y biết trước về kế hoạch khủng bố nói trên, và y cùng Richard Reid sẽ cướp chiếc máy bay thứ 5 để đâm vào Nhà Trắng. Theo nguồn tin chính phủ mà CNN có được, 3 thủ lĩnh hàng đầu của Al Qaeda khai rằng Moussaoui không phải được phân công cho vụ 11-9 mà là kế hoạch sau đó.

Nước mắt người mẹ

“Nếu biết trước Zacarias gia nhập nhóm tội phạm đó, quan tâm chú ý đến nó hơn… nhưng quả thực tôi không nhận ra được điều tồi tệ đang đến” - bà Aicha than thở. “Tôi nghĩ rằng, khi con cái về nhà, nhún vai, không nghe lời bố mẹ và nói: Bố mẹ không phải là những tín đồ Hồi giáo ngoan đạo, thì đó mới là một dấu hiệu nguy hiểm”.

Mặc dù vậy, bà Aicha cho rằng con trai bà cũng chỉ là một nạn nhân bởi sự phân biệt màu da, chủng tộc. Zacarias đã từng yêu một cô gái và bị cấm đoán chỉ vì anh là người Hồi giáo. Theo bà Aicha, những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan đã lợi dụng điều đó. “Nó được sinh ra trên đất Pháp, nó yêu đất nước này nhưng lại bị đặt ra ngoài lề xã hội. Khi sống tại thành phố Narbonne (Pháp), Zacarias bị gọi với biệt danh “Tên châu Phi bẩn thỉu”. Những từ ngữ đó có thể giết chết tâm hồn một thiếu niên khi Zacarias đang ở độ tuổi 16, 18 hay 19”. Bà mẹ 64 tuổi này vẫn tự trách mình vì không sớm nhận ra việc con trai mình đi theo Hồi giáo cực đoan cho đến khi quá muộn.

Tại một hội nghị ở Dublin (Ireland) do Google tổ chức về vấn đề chống chủ nghĩa cực đoan và thúc đẩy hòa giải, bà Aicha đã khuyên các bậc phụ huynh phải chú ý và lắng nghe con cái. Bà Aicha luôn khẳng định con trai mình sẽ phải trả giá cho những lỗi lầm mà nó gây ra. Sau phán quyết của tòa án, bà mẹ đau khổ này đã gửi cho con mình nhiều bức thư nhưng không nhận được hồi đáp. “Tôi nói với Zacarias rằng tôi yêu nó, tôi luôn nghĩ về nó, một nửa cuộc đời tôi đã chôn vùi theo con. Mặc dù nó không trả lời tôi thì tôi vẫn yêu thương nó”, bà Aicha ngậm ngùi nói. Bà vẫn nhớ y nguyên câu nói của con khi chuẩn bị được đưa ra xét xử: “Mẹ, họ muốn cái đầu của con, mẹ không cần phải khóc như vậy. Mẹ, nếu thương con, mẹ phải chăm sóc chính bản thân mình”.

Hai đầu nỗi đau

Bà Aicha tâm sự, cuộc sống của bà sau ngày 11-9 như địa ngục. “Cái giá phải trả quá đắt. Tôi thực sự muốn quên nó đi, dù chỉ vài giờ. Nhưng Zacarias luôn ở trong tâm trí tôi, ngay cả trong giấc ngủ”, bà Aicha nói. Bà vẫn sống ở Narbonne, nước Pháp nhưng đã tới Mỹ để gặp mặt người thân của các nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9, để  chia sẻ nỗi đau và khẳng định bản thân bà cũng không tán thành những gì đã diễn ra.

Một trong số thân nhân các nạn nhân bà Aicha gặp vào tháng 11-2002 tại Mỹ là Phyllis Rodriguez. Người phụ nữ này đã mất con trai tên Greg, 31 tuổi, tại Trung tâm Thương mại Thế giới. Hai người mẹ ở hai đầu nỗi đau đã đồng cảm khi nghĩ về sự thay đổi trong cuộc sống của họ sau vụ khủng bố. Năm ngoái, bà Phyllis Rodriguez chia sẻ cảm nhận về cuộc gặp gỡ đó: “Tôi hiểu những gì tôi và bất kỳ người mẹ mất con nào khác phải chịu đựng thì Aicha cũng đau khổ khôn nguôi”.  “Tôi học được rất nhiều từ Aicha, bà ấy đã phải chịu đựng quá nhiều. Aicha đã mang lại sự mạnh mẽ và thổi bay sự sợ hãi, đắng cay của tôi. Khi tôi nhìn thấy Zacarias tại phiên xét xử, tim tôi dường như vỡ nát. Nhưng giờ đây, tôi nhìn nhận Zacarias như con trai của bạn tôi, Aicha”, bà Rodriguez nói.

Săn lùng 3 nghi can khủng bố

Các quan chức Mỹ cảnh báo về mối đe dọa xảy ra tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ bằng bom xe trước thềm kỷ niệm 10 năm vụ tấn công khủng bố 11-9 vào cuối tuần này. “Có thông tin rõ ràng và đáng tin cậy về mối đe dọa”, thông báo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ ngày 8-9 cho biết, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh tăng cường các biện pháp chống khủng bố.

Hãng ABC news dẫn lời các quan chức tình báo cho hay, ít nhất 3 nghi can trong đó có 1 người được cho là công dân Mỹ đã xâm nhập vào Mỹ hồi tháng 8 âm mưu thực hiện cuộc tấn công bằng bom xe vào Washington D.C. hoặc New York trong dịp 11-9. Những nghi can này được cho là đến từ Afghanistan, và đã quá cảnh qua ít nhất 1 nước khác. Hiện nhà chức trách Mỹ đang ráo riết truy tìm ít nhất 2 chiếc xe tải tình nghi.

Định kiến sẽ thay đổi

Vào thời điểm cả thế giới bàng hoàng khi tòa tháp đôi ở Mỹ bị đổ sụp trong vụ tấn công, Sulman Afridi mới chỉ là cậu bé 13 tuổi, nhưng Afridi đã bị sốc khi danh tính của những kẻ khủng bố được công bố. “Là một người Mỹ theo Hồi giáo, tôi cảm thấy đó là một sự sỉ nhục rất lớn. Đơn giản là vì đây là đất nước của tôi, là nhà của tôi của gia đình tôi. Vậy mà tôn giáo của tôi lại được nhắc tới, làm sao chúng ta có thể làm điều gì đó một cách bạo lực đến như vậy?” - Sulman Afridi nói. Nhiều người Hồi giáo ở Mỹ sau vụ tấn công 11-9 đã bị nghi oan, bị cộng đồng quay lưng, thậm chí họ còn bị gọi là khủng bố.

Theo số liệu của FBI, vào thời gian sau vụ tấn công khủng bố 11-9, những vụ tấn công nhằm vào người Hồi giáo ở Mỹ đã tăng từ 28 vụ năm 2000 lên 418 vụ năm 2001. Nhiều người cho rằng, điều này xuất phát từ nguyên nhân thiếu thông tin về thế giới Hồi giáo. Ông Imam Khalid Latif, Người đứng đầu Trung tâm Hồi giáo ở Đại học New York cho rằng, nhưng người Hồi giáo sống ở Mỹ, đặc biệt là thế hệ trẻ trẻ sẽ làm thay đổi được định kiến này. “Những người Hồi giáo đang làm việc trong lĩnh vực tài chính, luật pháp, đang học để trở thành bác sĩ, hay kỹ sư đều là những người sẽ đóng góp rất nhiều cho việc làm thay đổi suy nghĩ của công chúng về những giá trị mà người Hồi giáo nắm giữ” - ông Imam Khalid Latif nói.

Sinh ngày 11-9

Cái giá phải trả quá đắt ảnh 2
Dahlia Gruen (giữa) hạnh phúc bên gia đình

10 năm trước, ngày 11-9, Dahlia Gruen, người Boston đã rất háo hức chờ bố mẹ gây bất ngờ cho dịp sinh nhật mình. “Bố mẹ kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra, tôi chợt nhận ra ngày sinh nhật của mình sẽ không còn như trước nữa”, Gruen nhớ lại. Vì thế, sau sinh nhật 10 tuổi, Gruen với sự giúp sức của bố lập nên website Birthdayspirit.org để liên kết những ai sinh đúng ngày này. “Chúng tôi muốn ngày 11-9 được hiểu lại, không phải là bỏ qua những gì đã xảy ra mà để nhớ đến những điều tốt đẹp sẽ được tạo ra”, Gruen nói.

Với hàng chục nghìn người Mỹ sinh ngày 11-9, đây không phải là dịp ăn mừng mà là thảm kịch quốc gia. Không ít người đã tổ chức sinh nhật vào dịp khác vì khó có thể ăn mừng trước nỗi đau mất mát của nhiều gia đình. Có người tìm giải pháp ra khỏi nước Mỹ để không phải nhớ lại những thời khắc khủng khiếp ấy. Thế nhưng, càng đến ngày 11-9 năm nay, website Birthdayspirit.org càng có nhiều câu chuyện mà mọi người chia sẻ để có thể hướng đến ngày 11-9 tích cực và có ý nghĩa nhất. Họ khuyến khích nhau có thể kỷ niệm ngày sinh bằng những việc làm vì cộng đồng như tặng bánh nướng cho đơn vị cứu hỏa địa phương hay thắp nến cho các nạn nhân.