Cái gì cũng nhập khẩu, khó có thực phẩm an toàn

ANTĐ - Dù cơ quan chức năng cũng như địa phương đã vào cuộc ráo riết nhưng vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi hơn. Đáng chú ý, tỷ lệ rau củ, thịt, thủy sản nhiễm kháng sinh cấm và tồn dư hóa chất vẫn ở mức rất cao. 

Còn phụ thuộc vào nhập khẩu, mối lo về an toàn thực phẩm vẫn chưa thể nguôi

Nhìn đâu cũng thấy bẩn

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, qua các cuộc kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm về ATTP. Đến hết tháng 6-2016, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP chỉ đạt 79,76%.

Ngoài ra, kết quả giám sát trên diện rộng trong 6 tháng đầu năm cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt lợn phát hiện chất cấm salbutamol là 0,42%, mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng vẫn chiếm xấp xỉ 4%, mẫu thịt chứa hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng chiếm 1,3%, mẫu thủy sản các loại chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm vượt ngưỡng chiếm 5,3%.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Nafiqad (Bộ NN&PTNT), các cấp, ngành thuộc Bộ NN&PTNT đã triển khai kiểm tra đột xuất, tập trung vào các nhóm đối tượng, công đoạn nguy cơ cao về ATTP như sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thuốc BVTV trong trồng trọt, hóa chất sử dụng trong sơ chế, bảo quản, chế biến.

Nhiều trường hợp vi phạm đã được phát hiện, xử lý, loại ra khỏi chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ vi phạm ATTP vẫn còn cao là do sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ, manh mún, không tuân thủ đầy đủ và duy trì được các điều kiện đảm bảo ATTP, trong khi việc phân công, phân cấp quản lý ATTP tuyến huyện, xã tại nhiều địa phương chưa rõ ràng, cụ thể. Khi xảy ra các sự cố liên quan đến ATTP còn chậm truy xuất, điều tra xử lý vi phạm. 

Xói mòn niềm tin, tổn hại kinh tế

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Kiểm soát chất lượng hàng hóa, Cục Quản lý thị trường cho rằng, tình hình vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Nhiều loại thực phẩm, thực phẩm chức năng với nhiều chủng loại, mẫu mã nhãn mác, bao bì khác nhau có nguồn gốc trôi nổi, không đảm bảo chất lượng được bày bán trên thị trường.

Tình trạng thực phẩm hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng được các đối tượng tẩy xóa, sửa hạn sử dụng tiếp tục diễn ra. Việc sử dụng hóa chất để chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn, dùng kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc BVTV trong trồng trọt, thuốc thú y trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đã đến mức báo động, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và niềm tin của người tiêu dùng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Tình hình phức tạp được thể hiện qua hàng loạt các vụ việc được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý thời gian gần đây tại Hà Nội như vụ 6 tấn ngó sen, me chua đã quá hạn sử dụng, 4 tấn ruốc gà không rõ nguồn gốc, 5 tấn thực phẩm đông lạnh đang trong quá trình phân hủy, trên 10 tấn dược liệu các loại do nước ngoài sản xuất không có nguồn gốc, nhãn mác…

Đại tá Phan Mạnh Thông, Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an cho rằng, “đâu đó trong thức ăn chăn nuôi, người dân vẫn sử dụng chất gì đó để kích thích tăng trưởng lợn. Khi kiểm tra thì phát hiện có chất cấm, nhưng khi kiểm nghiệm thì không thể làm rõ được là chất gì”.

Trong khi đó, thị trường thuốc BVTV của Việt Nam gần như 100% là nhập khẩu, với 90% nhập từ Trung Quốc. Giống, phân bón, vật tư phục vụ nông nghiệp cũng nhập khẩu lượng lớn từ bên ngoài nên rất khó kiểm soát. Theo Đại tá Phan Mạnh Thông, muốn tiến tới một thị trường thực phẩm an toàn, chúng ta phải từng bước chủ động, tự chủ được đầu vào, trước tiên là thị trường vật tư nông nghiệp. Nếu còn phụ thuộc như hiện nay, việc kiểm soát sẽ rất khó khăn. 

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thông tin, trong năm 2015, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý hơn 6.500 vụ vi phạm, xử phạt gần 21 tỷ đồng. Trong quý I-2016, đã kiểm tra, xử lý hơn 4.000 vụ.