Cái chết của viên thẩm phán và bí mật vụ án giết người tăm tối nhất nước Pháp

ANTD.VN - Grégory Villemin sinh ngày 24-8-1980 phát hiện bị sát hại vào ngày 16-10-1984, khi mới tròn 4 tuổi. Xác của em được tìm thấy trên sông Vologne cách Docelles 7km. Vụ án có những bước tiến mới nhưng vẫn chưa tìm được thủ phạm.

Trong gần 2 năm đảm nhiệm vai trò thẩm phán vụ Grégory từ ngày 17-10-1984 đến ngày 11-9-1986, ông Jean-Michel Lambert 2 lần ra lệnh bắt giữ điều tra sai lầm đối với Bernard Laroche và Christine Villemin. Vụ giết người do đó thu hút hàng chục nhà văn, phóng viên và nhiếp ảnh gia tự do, nó thậm chí còn đẩy lên sân khấu. 

Năm 1987, ông Jean-Michel Lambert bị yêu cầu rời khỏi vụ án vì tỏ ra thiếu năng lực và công tâm. Thẩm phán Maurice Simon, Tòa án Phúc thẩm Dijon, được bổ nhiệm thay vị trí tiếp tục điều tra. Simon lớn tuổi và giàu kinh nghiệm hơn ông Lambert nhưng cũng thất bại do không tìm ra thêm manh mối gì. 

Cái chết của viên thẩm phán và bí mật vụ án giết người tăm tối nhất nước Pháp ảnh 1Ngày 15-6-2017, ông JJ Bosc, Chưởng lý tòa án Dijon, Tướng Olivier Kim, Trưởng đồn Hiến Binh vùng Franche-Bourgogne-Comté và Đại tá Dominique Lambert, Trưởng nhóm nghiên cứu cảnh sát Dijon họp báo thông báo kết quả điều tra mới nhất

Sử dụng phần mềm phân tích án mạng

Năm 2000 vụ án mở lại điều tra. 2.000 bức thư được lấy mẫu so sánh với bức thư của Con Quạ Đen nhưng không đem lại kết quả gì. Hung thủ đã cố tình che giấu chân tướng bằng cách viết nguệch ngoạc, chỗ viết chữ thường chỗ viết chữ in, có đoạn viết bằng tay trái, đoạn lại viết bằng tay phải.

Năm 2008, một tia hy vọng đến với gia đình Villemins và cả ngành tư pháp khi công nghệ phân tích ADN thế giới phát triển, tìm ra thủ phạm nhờ dấu vết gene di truyền rất khả thi. Các mẫu ADN lấy từ nước bọt khô dán con tem trên bức thư của Con Quạ Đen; mẫu thu từ quần áo, giầy, mũ, sợi dây thừng trói Grégory Villemin đem so sánh với 400 người nghi vấn. Cuộc điều tra tiếp tục mở rộng ghi lại lời khai của hơn 100 nhân chứng cũng không đem lại kết quả thỏa đáng.

Mới đây nhất, Trung tâm Điều tra Án mạng SCRC của cảnh sát Pháp sử dụng một phần mềm có tên AnaCrime (phân tích án mạng) có khả năng lưu trữ, phân tích dữ liệu các vụ án mạng từ 10 năm nay. Nó giúp cho các số liệu ghi vào máy điện toán như ngày giờ hay các nghi can, nhân chứng đang làm gì lúc xảy ra án mạng. Máy phân tích và trợ giúp các mối nghi ngờ đi đúng hướng, trong khi trí nhớ của con người không theo kịp vì có quá nhiều dữ liệu dẫn tới sai lầm hoặc bỏ sót. Những phân tích này giúp cuộc điều tra trở nên rõ ràng hơn bằng cách ghép lại từng mảnh của vụ việc thật ngoài đời.

Cái chết của viên thẩm phán và bí mật vụ án giết người tăm tối nhất nước Pháp ảnh 2Hai vợ chồng Marcel Jacob và Jacqueline Jacob, nghi phạm mới nhất của vụ án

3 nghi can bị bắt là người trong gia đình

Không rõ kết quả phân tích của máy AnaCrime thế nào, nhưng trên tất cả mọi nghi ngờ, chuyện khiếp hãi lại đến từ đại gia đình của Gregory. Câu chuyện gia đình họ thật kỳ lạ. Ông Maurice Simon, giờ đã qua đời, từng tiếp nhận vụ án từ thẩm phán Lambert năm 1987 có ghi lại trong cuốn sổ tay của mình rằng ông sớm nhận ra nhiều kẻ  gian ác hợp tác với nhau dàn cảnh gây đại họa cho gia đình bé Grégory. Có kẻ bắt cóc giao cho người khác giết chết em bé, rồi kẻ được phân công viết thư đến cho gia đình thông báo sự việc, nhưng ông Simon cũng sa lầy trong vũng tối tăm của một gia đình phức tạp mà đành bó tay chịu thua. 

Rất khó khăn tìm ra chứng cứ vạch trần thủ phạm, chỉ có dư luận luôn cho rằng: Vì thù hận và ghen ghét với sự thành công về tài chính, về hạnh phúc của một gia đình trẻ mà chính những người bà con gây nên sự việc bi đát đến như vậy.

Theo chuyên gia giám định chữ viết và kết quả phân tích của máy AnaCrime: bà nội và  dì của bé Gregory đã hợp tác để viết những lá thư hăm dọa năm 1983.

Chiều  15-6-2017, ông Jean-Jacques Bosc, Chưởng lý của tòa án tỉnh Dijon đã họp báo công bố làm rõ sự việc. Ông cho biết, người bắt giết em bé có bộ ria mép (giống ông Bernard Laroche đã chết) và một phụ nữ theo phụ giúp. Kết luận là nhiều người trong đại gia đình Villemins đã hợp tác với nhau làm Quạ Đen. 

Sáng hôm sau 16-6, hai vợ chồng Marcel Jacob và Jacqueline Jacob, 72 và 73 tuổi, là em rể của ông nội bé Grégory chính thức bị bắt giam. Tội trạng như sau: đồng loã sát nhân, không tố cáo tội ác, không cứu người sẽ bị giết chết và cố ý để cho án mạng xảy ra. Còn bà nội của em bé, bà Monique Jacob, diện tình nghi giết người, đã 85 tuổi già yếu nên bị thẩm vấn tại nhà và không bị bắt giam. Ông Albert Villemin, ông nội bé Grégory đã chết. Cô em dâu của bố em bé có tên Ginette Villemin vô can cho dù cũng trong diện nghi ngờ và bị thẩm vấn. Trước đó, những người này đã vin vào luật pháp cho phép để có quyền “im lặng” không trả lời thẩm vấn của công quyền. 

17h chiều 16-6, ông JJ Bosc lại họp báo thêm với sự có mặt của Tướng Olivier Kim là Trưởng đồn Hiến binh vùng Franche - Bourgogne-Comté và Đại tá Dominique Lambert, trưởng nhóm nghiên cứu cảnh sát Dijon. Tuy nhiên, luật sư của ông Marcel Jacob cho biết, rất tiếc là thông tin từ cơ quan công lý không có gì mới mẻ ngoài chuyện bắt 3 nghi can nói trên và họ không biết chắc ai là kẻ giết người. Ông này còn cho rằng còn lâu mới tìm ra thủ phạm vì cả 3 người đều chối bỏ tất cả tội trạng gán cho họ.

Cái chết của viên thẩm phán và bí mật vụ án giết người tăm tối nhất nước Pháp ảnh 3Một nhánh gia phả từ em bé Grégory cho đến ông bà nội của em

Thủ phạm vẫn là ẩn số

Vụ án giết người đã tạo ra hàng nghìn bài báo, hơn 50 luận văn và 15 cuốn sách. Trong số các tác phẩm viết về vụ Villemin trước 2006, hai cuốn “Ngày 16 tháng 10” của cha mẹ nạn nhân và “Dàn thiêu những người vô tội” của nữ nhà báo Laurence Lacour, được chú ý hơn cả. 

Dựa vào hai cuốn sách, một số hãng truyền hình Pháp và Bỉ hợp tác sản xuất bộ phim “Vụ Villemin” gồm 6 tập, mỗi tập 52 phút. Bộ phim gần đến ngày phát sóng, vợ góa của Bervard Laroche và gia đình đã đệ đơn kiện, yêu cầu hoặc cấm phát hành bộ phim hoặc cho họ được “duyệt” trước. Vụ tai tiếng vừa bắt đầu đã xẹp xuống, vì tòa án Pháp không chấp nhận đòi hỏi vô lý và vụ lợi. Bộ phim được hoan nghênh nhiệt liệt. Có nhà phê bình khen ngợi nó là một “kiệt tác điện ảnh”.

Phim không xoáy vào những nghi kỵ hay hận thù, mà làm nổi rõ tình mẹ, tình cha và nỗi đau mất con. Các tình tiết trong phim đều đúng như ngoài đời… Sức chấn động của bộ phim vì thế như một phản ứng dây chuyền đầy suy tư và xúc cảm…

Để quên đi quá khứ và làm lại cuộc đời, gia đình bé Grégory đã dọn lên ở Paris, thuộc ngoại ô Esone. Cha em, ông Jean-Marie Villemin, giờ đã 59 tuổi, còn bà Christine Villemin, 57 tuổi. Cậu con trai thứ hai sau Grégory, 32 tuổi trở thành chuyên gia sản xuất kính mắt; cô con gái kế tiếp là giáo viên ; cậu em út vừa đỗ tốt nghiệp trung học. Cả ba đều biết chuyện đến với anh cả của mình, nếu còn sống giờ này Grégory đã 37 tuổi. Họ luôn quyết tâm vượt qua biến cố này để thành công trong cuộc đời. Vết thương trong gia đình họ vẫn còn đó và họ rất mong biết được thủ phạm là ai.

Mái tóc xoăn và khuôn mặt rạng rỡ của Grégory Villemin như luôn đặt ra thách thức với hệ thống tư pháp của nước Pháp cần phải tìm ra kẻ giết người. Điều này cho đến hôm nay vẫn là điều bí ẩn. Nhưng nếu kéo dài quá lâu, vụ án sẽ bị xếp lại vĩnh viễn.