Cái bẫy “thân tình” hoàn hảo

ANTĐ - Cho rằng bản năng của phụ nữ là yêu thương, nhường nhịn, bao dung, nhiều bà vợ đã tha thứ cho chồng hết lần này đến lần khác, đến mức bị sa lầy trong tổn thương của chính mình.

Tự trói

Vừa cưới nhau, chị Phạm Thanh Hà (Đống Đa) đã biết chồng mình có nhiều tật xấu. Công việc tự do bấp bênh nhưng anh Đính - chồng chị thường nhậu nhẹt, cờ bạc. Tuy nhiên, chị Hà vẫn tin vào lời hứa của chồng sẽ chỉn chu, sẽ sống tử tế hơn khi có con cái. 

Sau khi sinh một cậu con trai bụ bẫm, chị Hà hy vọng chồng có thể vì con mà sống cho tốt. Tuy nhiên, anh Đính ngày càng lún sâu vào vòng cờ bạc. Số tiền lương ít ỏi  kiếm được từ việc đưa hàng, anh nướng cả vào lô đề, ba cây, tá lả. Chị Hà là giáo viên, lương tháng chẳng được là bao, phải còng lưng nuôi cả 3 người. Nhưng xấu hổ nhất là thỉnh thoảng lại có người đến gõ cửa đòi nợ, không có tiền trả ngay, họ đứng ngay ngoài ngõ róng riết, chửi bới. Chuyện chồng chị cờ bạc, nợ nần đến tai cả giáo viên và phụ huynh của trường. Chị Hà xấu hổ đến tủi nhục. 

Mỗi lần như thế, anh Đính đều xin lỗi, hứa hẹn đủ điều. Anh khẳng định: "Em không thể tìm được ai yêu thương em hơn anh". Trong vòng tay âu yếm của chồng, chị giống như con cá nhỏ mắc lưới, không còn sức phản kháng. Chị tự nhủ: "Anh ấy chỉ ham vui thôi. Anh ấy vẫn yêu thương vợ con, chu đáo với gia đình, còn hơn ối ông chồng đánh đập vợ con, nghiện ngập rượu chè". 

Còn chị Nghiêm Xuân Thu (Thanh Xuân), bán hàng xén lấy được người chồng làm kiến trúc sư, hào hoa, tác phong đĩnh đạc. Ai cũng mừng cho chị. Nhưng không ai biết rằng, chị đã âm thầm khóc suốt 15 năm qua. Mới sinh con đầu được 2 tháng, chị đã phát hiện chồng có bồ. Lúc đó chị nghĩ, tại chị có bầu mệt mỏi, "kiêng khem" suốt nửa năm nên anh "cải thiện" tí chút, cũng cần phải thông cảm. Không dừng lại ở đó, hai năm sau, anh lại cặp với cô đồng nghiệp. Lần này, họ công khai gọi điện cho nhau. Chị trách mình "không có tri thức, không hiểu công việc của chồng nên anh ấy phải tìm người chia sẻ". Chị chỉ dám khẽ khàng nói với chồng: "Anh nhớ giữ gìn sức khỏe, em thấy anh hay làm việc muộn quá!". Khi con lớn học lớp 1, chị sinh con thứ 2, anh cũng bận rộn "kèm cặp" một cô sinh viên. "Chắc tại mình không chăm lo được cho anh ấy, nên anh ấy cô đơn" - lần này chị cũng có lý do để bênh vực cho sự bội bạc của chồng. Sau 15 năm cưới nhau, người phụ nữ nặng 65kg, ăn mặc xộc xệch, đau đớn tâm sự: "Bây giờ, tôi vừa béo, vừa xấu, không hiểu biết, lại đau yếu liên miên, làm sao giữ chân anh ấy được. May mà anh ấy vẫn chăm lo cho con, vẫn hỏi han tôi, vẫn chu đáo với họ hàng nhà vợ. Ai bảo tôi kém cỏi hơn chồng!".

"Tôi biết anh ấy nghiện ngập, cờ bạc, ngoại tình, gia trưởng, vũ phu, phạm pháp... nhưng..." - rất nhiều người phụ nữ đã tìm đến Trung tâm tư vấn An Việt Sơn khóc lóc, chia sẻ. Kịch bản quen thuộc là cho dù biết chồng có tật xấu, làm gia đình rơi vào vòng nợ nần, vợ đau khổ, con buồn bực nhưng chị em vẫn hy vọng một ngày người chồng thay đổi tâm tính, biết suy nghĩ lại và chấm dứt thói xấu. Nhưng lời ngụy biện này thường hướng tới những lý do cao cả: tình nghĩa, sự vị tha, nghĩa vụ, trách nhiệm con cái. 

Sa lầy trong đau đớn

Đến một ngày, chị Hà suýt lạc mất đứa con chỉ vì thói ham cờ bạc của chồng. Chị bận đi làm nên hai bố con con dẫn nhau đi công viên chơi. Đến nơi, thấy mấy đám xóc đĩa, anh sà vào chơi đến tối, quên mất cả con, về nhà “tay không”. Cả nhà đổ xô đi tìm mới thấy con trai đang mệt lả, ngủ dưới ống cống. Chị Hà như điên như dại, tuy nhiên, chị vẫn không dám có hành động kiên quyết với chồng. “Nhà tôi đã có anh trai ly hôn, nếu tôi ly hôn nữa thì bố mẹ tôi không sống nổi. Hơn nữa, trước khi cưới, anh ta cũng đã có thói xấu như vậy, tôi đã lựa chọn thì tôi phải chịu” – chị Hà cho biết. 

Theo ông Nguyễn An Chất - Giám đốc Trung tâm tư vấn An Việt Sơn, nếu ngay từ đầu người đàn ông phạm lỗi, người phụ nữ đã không dứt khoát, bày tỏ quan điểm một cách kiên quyết thì đàn ông sẽ được đà lấn tới và ngày càng khó sửa chữa lỗi lầm”. 

Ngoài ra, sự thân tình có thể là một cái bẫy hoàn hảo khiến nhiều người phụ nữ tha thứ hết lần này đến lần khác. Đôi khi, họ không dám thay đổi những thói quen thường nhật hàng ngày, tiếc tuổi thanh xuân đã mất, công sức bỏ ra cho gia đình, sợ cô đơn, sợ đối mặt với dư luận, sợ con cái không được nuôi dạy tốt nếu thiếu cha... Có hằng hà sa số những lý do khiến người phụ nữ chỉ nhẫn nhịn nuốt nước mắt vào trong, tặc lưỡi: "thà có còn hơn không". 

Rốt cuộc, sống trong đau khổ, nghi ngờ, miệt thị chính bản thân, người phụ nữ bao dung mù quáng thường mắc bệnh trầm cảm, nghiện rượu, nghiện mua sắm, dùng thuốc quá liều, tính cách thất thường. Họ cứ hy vọng, chờ đợi sẽ có một ngày người chồng của họ hiểu ra sai lầm, hy vọng gia đình sẽ yên ấm. Nhưng lỗi lầm chỉ nhân lên chứ không bao giờ được triệt tiêu bằng biện pháp bao dung quá đà. 

“Khi đã đánh mất mình, tự buộc tội mình, sự bao dung chỉ giết chết nốt chút ăn năn mà khi phạm sai lầm, người chồng thấy hối lỗi với vợ. Nếu bản thân không tự cảm thấy mình xứng đáng với những điều tốt đẹp thì cũng khó nhận được hạnh phúc” - chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa