Cái bàn vuông

ANTĐ - Những trang đầu tay đời văn tôi được viết từ một cái bàn hình vuông bốn chân thấp, dáng dấp tựa như cái án thư cổ. Một gác xép ọp ẹp, ngọn đèn dầu leo lét, đàn muỗi đói bay loạn xạ. Ở đời người ta vui quá mà viết cũng có và rất có thể bởi chán quá mà viết cũng có. 

Tôi vốn là đứa lười học đã chớ lại còn không biết lo thân, năm cuối trường trung học, thi cử đến nơi rồi vậy mà không hiểu sao cứ thấy ngấy đến tận cổ một cách dạy cách học ở trường. Từ đó dẫn đến chuyện cầm bút thử, thì hãy cứ bày ra đấy cho ngập bàn chứ cũng chưa dám tính đến việc gửi đi đâu. Một hôm mẹ tôi ngồi chần áo bông thủng thẳng bảo, viết được gì thì cứ gửi lên chỗ các ông bộ đội. Nhân bảo như thần bảo, vậy hẵng cứ gửi vài trang nôm na gọi là đoạn văn ngắn xem sao. Chỉ mươi hôm có hồi âm, một mảnh thư thông thường báo cho biết đã nhận được bài “Ao làng” của anh, sẽ in vào tháng 12 năm 1962, số kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Liệu có thể gửi thêm lấy vài cái ngăn ngắn nữa hay không? Ký tên Nguyễn Minh Châu, nét chữ đẹp, rành mạch, ký gì mà như không ký.

Nhà Bưu điện thị xã chênh chếch bên kia đường, bài gửi đăng không phải dán tem, tôi bèn cuộn luôn cả bốn truyện gửi đi. Một tháng sau lại có thư, vẫn là anh Châu. Lần này thư dài hơn và hình như thân tình hơn thì phải. Bọn mình đã nhận được gói bản thảo, chuyền tay nhau đọc, thú lắm, sẽ lần lượt in hết, bắt đầu từ số tháng 2 Tết Âm lịch 1963. Tạp chí đang có cuộc thi truyện ngắn, bọn mình định chọn “Hương cỏ mật” đưa vào dự thi, chắc Đỗ Chu không phản đối.

Anh Nguyễn Minh Châu dạo đó đang ngồi trực văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cuối năm truyện ngắn ấy được giải cao, tôi từ trung đoàn pháo cao xạ đóng ở Trại Cờ phố Thắng về Hà Nội, lính trẻ sáu tháng tuổi quân lúc lên nhận giải được xếp đứng giữa một bên là anh Dũng Hà, một bên là anh Lâm Phương, cả hai đều cán bộ cấp trung đoàn, cũng là bởi yêu mà sắp xếp vậy thôi. Từ đó tôi cố gắng gửi bài đều đều, mười năm trong quân ngũ, tạm thời rời cái bàn vuông, những trang văn tôi thời kỳ này được viết trên hòm đạn, trên bệ pháo, trận địa tên lửa, góc đường băng quân sự, trong căn hầm vùng lửa, những cái hang đá dọc Trường Sơn, xung quanh là các cô thanh niên xung phong, là những chiến sĩ ngày mai vào trận. Nhiều bom đạn, nhiều khói bụi. Rất nhiều nỗi đau.

Xin trở lại mấy dòng về cái bàn vuông của tôi. Cuối 1954 quê tôi Bắc Giang có chuyện giảm tô. Từ đâu ra không rõ chỉ biết là gia đình nhiều ruộng, vậy là bà nội phải đứng ra gánh chịu, thành địa chủ đầu tiên của làng. Mấy chị em theo mẹ về sống dưới Bắc Ninh quê ngoại. Ngày bà con nông dân kéo đến nhà chia tôi còn quanh quẩn đứng xem ở sân. Đến bên anh đội đang hí hoáy ghi ghi chép chép tôi nói khẽ, cái bàn kia là của em ngồi học. Anh ấy ngoái nhìn tôi, lưỡng lự một lát rồi phảy tay, mang ngay ra ngoài ngõ! Cái bàn quá nặng không sao bê nổi tôi phải kéo giật lùi. Có nhà chị không họ hàng gì ở đâu hiện ra bảo, để chị giúp một tay. Chị ấy khiêng còn tôi đẩy. Ngực chị mang yếm sồi trắng, bầu vú nhảy lúc lắc. Thấy tôi nhìn ngây ra đấy chị nguýt một cái rõ dài, nhìn gì mà hau háu như mèo vậy hở. Rồi chị cười hiền lắm, chú định làm gì với cái bàn phải gió này? Để lớn lên em làm sách. Ôi trời cao đất dày ơi, sao lại có người hão huyền thế chứ, tôi bảo cho mà biết, đừng có mà viển vông, sắp đói khốn đói khổ rồi đấy. 

Cái bàn phải gió ấy giờ tôi vẫn giữ, nay mai sẽ nộp cho ông Hữu Thỉnh để đưa vào nhà Bảo tàng Văn học Việt Nam. Ông này khéo, một hôm đến chơi ngắm chán rồi xuýt xoa, quý lắm, quý lắm, vàng không đổi được đâu.

Mỗi lần ngồi bên bàn tôi lại phải nhớ đến nhà chị mặc yếm ở làng, cái yếm đàn bà nước mình đẹp biết nhường nào, không rõ vì lẽ gì mà các nhà tạo mốt của chúng ta đến hôm nay vẫn chưa nghĩ tới việc phục hồi nó. Mà tôi cũng chả rõ nó là di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể. Chỉ biết nó là một vẻ đẹp rất khó quên của những người cũng rất khó quên và tôi lại muốn cầm bút.

Tôi không dám bàn về tranh của họa sĩ Trần Văn Cẩn nhưng tôi muốn được yêu mãi cái lô gô ông đã vẽ cho Văn nghệ Việt Nam từ cách đây 65 năm. Một vì sao, một khoảng trời Tổ quốc và những trang sách.