Cái ăn, cái uống của người Hà Nội

(ANTĐ) - Hà Nội là kinh đô nghìn năm, bao nhiêu tinh hoa về ăn mặc, ẩm thực cũng đã hội tụ, chắt lọc ở đây. Điều đó rất đúng. Nhưng chỉ với một bộ phận nhà hàng, khách sạn, một bộ phận thực khách nào đó.
 Còn đa số nhà hàng, quán ăn bình dân được mở ra khắp mọi nơi. Hà Nội đáng nhớ hơn bởi những hàng quán vỉa hè. Nhưng chính những quán vỉa hè rất yêu thích ấy có khi lại chính là một thủ phạm "bỏ thuốc độc" dần dần cho cuộc sống của mỗi người Hà Nội.
Cái ăn, cái uống của người Hà Nội ảnh 1
Mùa hè nóng nực, dịch vụ giải khát được dịp bung nở. Phổ biến nhất vẫn là trà đá. 2000 đồng 1 cốc, uống thì cứ uống, chẳng quan tâm sạch hay bẩn. Có khi, cảnh ông chủ quán mình trần trùng trục, mồ hôi mô kê nhễ nhại chạy chiếc xe tòng tọc chở hai tảng đá chảy nước tong tỏng được bọc trong chiếc bao tải xác rắn tả tơi đen kịt về, quăng uỵch xuống đất ngay trước mắt. Rồi trong khi ông chủ xoay trần đập đá bắn tung tóe ra, hồn nhiên nhặt bỏ vào thùng thì bà chủ xách những chiếc can cáu bẩn đổ nước òng ọc ra những chiếc ca đen kịt màu trà hay màu thời gian và bụi bẩn. Và công thức: cốt trà + nước lã + đá= trà đá đã được truyền tụng khắp Hà Nội. Gần đây Hà Nội mọc lên rất nhiều những cửa hàng nước mía trưng biển là "siêu sạch" với đèn hiệu, cửa hàng sạch sẽ, sáng choang, bắt mắt. Nhưng lại chẳng mấy khi đông đúc. Trong khi đó, nước mía được quay bởi những chiếc máy bên vỉa hè bụi bặm, che đậy qua loa bằng những chiếc khăn đen kịt, ruồi bâu nhằng nhẵng thì  khách vẫn kéo đến kìn kìn. "Đại bản doanh" của nước mía phải nói đến phố Hàng Vải. Song, đông đúc nhất có lẽ phải kể đến đoạn đường Lê Đức Thọ, phía trước sân vận động Mỹ Đình. Số lượng mía tiêu thụ ở đây mỗi đêm phải tính bằng mấy trăm cây, số lượng khách phải đến mấy trăm người, nhưng số lượng... ống hút có khi chỉ tính bằng trăm chiếc. B ởi rất nhiều lần, tôi để ý, khi khách vừa đứng dậy, người bán hàng cầm cốc rửa sơ qua, còn ống hút thì cắm ngay sang cốc khác để bê ngay cho khách đang chờ. Bạn tôi, một gã con trai cao to, dáng hào hoa, có điệu bộ bẻ, uốn và búng cho chiếc ống hút vỡ tung như làm ảo thuật. Lúc đầu, tôi nghĩ hắn chỉ làm thế cho vui, để "biểu diễn" trước mặt bạn gái, sau mới biết, hắn cố tình làm vậy để không ai phải dùng lại chiếc ống hút của mình. Kể ra, đó cũng là một cách cương quyết để "tỏ thái độ" với những người bán hàng tiết kiệm và lười biếng. Thật bất công khi nói đến "ẩm" mà bỏ qua "thực". Cháo lòng, tiết canh xưa nay là món "đi đầu" trong danh sách "đen" của vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy vậy, bún đậu mắm tôm cũng là món ăn gắn liền với Hà Nội, đồng thời gắn liền với... sự bẩn không kém. Bẩn không chỉ vì nguồn nguyên liệu được chế biến không đảm bảo, mà tại ngay cả cách bày bán, chỗ ngồi ăn cạnh cống rãnh, vỉa hè, bên đống rác thải hay ngay trên nắp hố ga... Có thể nói, ở Hà Nội, bước chân ra ngõ là gặp những quán ăn. Bún miến ngan, cháo trai, trứng vịt lộn, xôi, chè, sữa chua, sinh tố, nước chanh... Và nhìn thấy quán ăn là thấy ngay sự mất vệ sinh sờ sờ trước mắt. "Rùng rợn" nhất mà tôi từng biết phải kể đến một quán bánh mì trên phố nhỏ Tạ Hiện. Quán rất đông và cách chế biến lạ mắt. Trứng được đập vào chảo mỡ lúc nào cũng sôi sùng sục, một miếng pate và vài miếng thịt ba chỉ đã rán qua được cho vào đĩa, người bán hàng xúc vài thìa mỡ lên đĩa, dội lên dội xuống pate và thịt vài lần rồi chắt hết đi, sau đó gắp trứng ốp lên. Ăn với bánh mì giòn tan ngon miệng mà lại không ngấy mỡ. Kể ra, món ăn đó sẽ được trọn vẹn nếu như giữa chừng không có vài con chuột béo mẫm hồn nhiên chạy qua chạy lại giữa chân người bán và mua, chồm cả lên khay đựng thịt, trứng để ăn thịt thừa, bánh mì vụn rất ngon lành và bạo dạn. Chủ hàng cũng hồn nhiên: "Chuột nuôi để ăn bánh mì vụn đấy, chả đuổi, cứ béo mẫm ra". Chả biết đùa hay thật, khách xung quanh điềm nhiên như chuyện diễn ra hàng ngày, vẫn ăn uống, cười nói hỉ hả. Mấy ngày sau tôi vẫn có cảm giác rờn rợn như chuột đang bò dưới chân mình. Vẫn biết, đô thị đông đúc, việc hàng quán tràn lan dẫn đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm là điều không thể tránh khỏi với bất kỳ thành phố lớn nào, nhất là một nơi trung tâm như Hà Nội. Song, dân chỉ biết kêu vẫn kêu, ăn vẫn ăn, vì không ăn uống thì chỉ có nước quay về thời bao cấp, kè kè cặp lồng cơm và bi đông nước. Một người bạn định cư, mở cửa hàng ăn lâu năm bên Đức về kể, nếu chẳng may hôm nào bị nhà chức trách bắt gặp thực phẩm bị nhiễm khuẩn thì bạn lại rất mừng, vì số tiền phạt không đáng là bao so với số tiền được đền bù vì tiêu hủy toàn bộ thực phẩm mà ngày hôm ấy lại không mất công bán hàng. Chỉ có điều, bạn không dám để tình trạng này xảy ra nhiều, vì như thế cửa hàng sẽ bị đóng cửa. Chả biết bạn nói đùa hay thật. Song tôi vẫn vô cùng ngưỡng mộ sự sòng phẳng và có trách nhiệm với cái dạ dày của người tiêu dùng nước bạn. Như Trang