Cách xử lý khi phát hiện xe cháy gần cây xăng

ANTD.VN - “Hỏa hoạn đối với xe bồn chở nhiên liệu như xăng, dầu là nguy cơ có thật. Và nếu không được trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý kịp thời, linh hoạt, đúng cách, nguy cơ ấy sẽ trở thành mối họa”, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội nhìn nhận.

Ví dụ rõ ràng nhất mà vị đại diện Cảnh sát PCCC - TP Hà Nội đưa ra là vụ hỏa hoạn xảy ra đối với một xe bồn chở xăng, vào khoảng 16h20 ngày 3-2, tại cây xăng số 54 xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang. Rất may, người điều khiển phương tiện đã nhanh trí, dũng cảm, đánh xe rời khỏi khu vực cây xăng.

Cách xử lý khi phát hiện xe cháy gần cây xăng ảnh 1Hiện trường vụ cháy cây xăng và xe bồn tại Đền Lừ, Hà Nội

Lái xe chở xăng mưu trí

Thời điểm xảy ra sự việc, xe bồn chở xăng BKS 65C - 020.90, do anh Nguyễn Chí Anh (38 tuổi), điều khiển từ huyện Long Xuyên về huyện Tịnh Biên, An Giang, vào cây xăng 54 nằm trên Quốc lộ 91 để bơm xăng, thì chiếc xe đột ngột bốc khói nghi ngút và phát cháy. Phát hiện sự cố, anh Chí Anh lập tức leo lên ca bin, điều khiển chiếc xe ra khỏi khu vực cây xăng. 

Tiếp nhận thông tin, lực lượng Cảnh sát PCCC và công an địa phương đã nhanh chóng có mặt, tổ chức chữa cháy và cảnh báo, phân luồng, hạn chế tối đa nguy hiểm đến người và phương tiện. Rất may, sự cố đã không gây thiệt hại về người.

Đánh giá về tình huống và cách xử trí của người lái xe bồn, Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho rằng: “Cách xử lý tình huống của lái xe như vậy là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, không phải ai khi gặp tình huống như vậy cũng có đủ bình tĩnh để thực hiện các quy trình an toàn bắt buộc liên quan đến việc vận chuyển xăng dầu. Bởi thực tế, khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng cứu hộ, chữa cháy dù có nhanh chóng đến mấy, nhưng nếu chiếc xe không được đưa ra cách xa khu vực cây xăng thì khó lường được điều gì xảy ra”.

Bạn đọc hẳn còn nhớ vụ hỏa hoạn xảy ra tại cây xăng khu vực Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội cách đây không lâu. Nguyên nhân được xác định, ngọn lửa phát ra trong quá trình nhập hàng từ xe bồn sang bể xăng. Hậu quả toàn bộ các cột bơm xăng và xe bồn bị thiêu rụi hoàn toàn. 

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 8, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cảnh báo: “Ngoài việc phải thường xuyên quan sát, kiểm tra trong quá trình vận hành phương tiện chở xăng dầu, nguyên liệu dễ cháy,  cũng phải giám sát chặt chẽ khâu san chiết để kịp thời xử lý tình huống xảy ra”. Về cách xử lý khi gặp phải sự cố cháy phương tiện như ô tô, xe máy… hoặc phát hiện nguồn nhiệt lớn gần khu vực các cây xăng, dầu, theo Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, cần phải đưa phương tiện ra xa khu vực có bể xăng, dầu và sử dụng bình chữa cháy tại chỗ dập lửa đồng thời các nhân viên của cây xăng nhanh chóng phối hợp chữa cháy cùng chủ nhân có phương tiện bị cháy và đưa thật nhanh ra khỏi khu dân cư đông người, nơi dễ cháy để giảm bớt hậu quả.  

Quy định đối với an toàn PCCC nơi chứa xăng, dầu rất nghiêm ngặt, song nguy cơ tiềm ẩn vẫn hiện hữu bởi thực tế tại địa bàn Hà Nội, theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố hiện vẫn còn khoảng trên 100 cây xăng nằm trong khu vực dân cư, nơi đông người và trung bình mỗi tuần có hàng nghìn chuyến xe bồn vận chuyển xăng dầu tiếp hàng cho các bể chứa tại cây xăng. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quy trình tiếp nhận hoặc vận chuyển là xảy ra hậu quả khôn lường.

Cách xử lý khi phát hiện xe cháy gần cây xăng ảnh 2Hiện trường vụ cháy xe bồn tại Tịnh Biên, An Giang

Chấp hành nghiêm quy định vận chuyển xăng dầu

Để xảy ra hỏa hoạn đối với xe bồn, cây xăng như thời gian vừa qua, một phần do sự chủ quan của lái xe, nhân viên cây xăng. “Đối với xe ô tô chở xăng dầu, ngoài quy định phải sử dụng xe chuyên dụng thì phương tiện phải được trang bị đầy đủ và thường xuyên kiểm tra các thiết bị an toàn PCCC. Các thiết bị trên xe phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật như điện không được nối mối hở, ống khói xả của xe phải đặt về phía đầu xe chứ không được lắp đặt khu vực phần bồn chứa xăng. Đặc biệt, lái xe không được sử dụng lửa trần và không được hút thuốc gần khu vực xe dừng đỗ” - Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 cảnh báo.

Theo ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, phương tiện cơ giới chuyên chở xăng dầu đều phải được cấp giấy phép của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Do đó, theo định kỳ phải được kiểm định, kiểm tra hệ thống điện xe, máy xe theo quy định. Trên xe phải trang bị bình chữa cháy theo đúng quy chuẩn và phải bảo dưỡng định kỳ. 

Nguyên tắc quan trọng là lái, phụ xe phải nắm rõ các tính chất nguy hiểm cháy, nổ của xăng dầu và phải được tập huấn nghiệp vụ PCCC theo quy định; biết xử lý sự cố trên xe; biết sử dụng bình chữa cháy được trang bị trên xe. Phương tiện khi xuất, nhập xăng dầu phải thực hiện đúng quy trình, kiểm tra tình trạng hoạt động của xe, vặn chặt các van mới cho xe xuất phát. Không xuất, nhập xăng dầu vào xe khi trời mưa giông, sấm sét. Khi vận chuyển thành đoàn, khoảng cách giữa 2 xe phải tối thiểu 20m.