Cách thức Viện trưởng Viện Y dược học nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố 23 bị can trong vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ”, xảy ra tại Công ty cổ phần Y dược LanQ và các đơn vị liên quan.

“Cắt phế” hoa hồng từ 20-25% hóa đơn

Trong đó, bị can Phạm Văn Cách (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm) đưa hối lộ hơn 71 tỷ đồng và cấu kết cùng bị can Nguyễn Mạnh Quyền (Tổng Giám đốc Công ty LanQ) lừa đảo chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả.

Theo Kết luận điều tra, quá trình Công ty Sơn Lâm cung cấp thuốc vào một số bệnh viện, trung tâm y tế, theo yêu cầu của các các nhân có thẩm quyền, bị can Cách đã đưa hối lộ để không bị gây khó khăn. Người nhận hối lộ nhiều nhất từ Cách là bị can Huỳnh Nguyễn Lộc (Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM).

Cựu Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - Huỳnh Nguyễn Lộc

Cựu Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - Huỳnh Nguyễn Lộc

Với vai trò là viện trưởng, người có thẩm quyền trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng mua thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, bị can Lộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao thỏa thuận, nhận hối lộ hơn 47 tỷ đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Sơn Lâm.

Cụ thể, từ năm 2017-2023, Công ty Sơn Lâm trúng thầu, ký kết và thực hiện 10 hợp đồng cung cấp dược liệu cho Viện phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với tổng giá trị theo hóa đơn là 232 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng, từ năm 2018-2023, bị can Lộc yêu cầu bị can Cách phải đưa tiền chi phí hoa hồng từ 20-25% hóa đơn cho Lộc hoặc bị can Phạm Văn Chuân (nhân viên Viện), người được Lộc tin tưởng.

Thời điểm đưa tiền thường là sau khi Công ty Sơn Lâm được Viện Y dược học dân tộc TP.HCM thanh toán tiền mua dược liệu hoặc khi bị can Lộc cần tiền gấp.

Để không bị gây khó khăn, bị can Cách đồng ý và nhiều lần đưa tiền trực tiếp cho cựu Viện trưởng Y dược học dân tộc TP.HCM hoặc chỉ đạo nhân viên, người thân đưa tiền.

Nhận tiền thông qua “thuộc cấp” thân tín

Trong đó, bị can Lộc có một lần trực tiếp nhận 500 triệu đồng từ bị can Phạm Văn Cách ở Hà Nội. Ngoài ra, Lộc còn chỉ đạo Phạm Văn Chuân sử dụng tài khoản ngân hàng nhận 34 lần với tổng số tiền hơn 26,8 tỷ đồng từ người thân (bao gồm con dâu, cháu, vợ) và nhân viên của Cách.

Cũng theo chỉ đạo của bị can Lộc, Phạm Văn Chuân còn nhận 12 lần số tiền 4,7 tỷ đồng từ nhân viên Công ty Sơn Lâm tại cổng Viện hoặc đến nhận trực tiếp tại ngân hàng nơi nhân viên rút tiền.

Cụ thể, Chuân nhận 2 lần tiền tổng số 600 triệu đồng tại phòng làm việc của mình từ một nhân viên khác của Công ty Sơn Lâm. 3 lần con trai Cách mang tiền đưa cho Chuân, tổng số 4,5 tỷ đồng. Và bản thân Cách 10 lần đưa tiền cho Phạm Văn Chuân, tổng số 10 tỷ đồng.

Sau mỗi lần nhận tiền, Chuân đưa lại cho bị can Lộc tại phòng làm việc hoặc theo chỉ đạo của “sếp” đưa cho Huỳnh Chí Cường (em rể Lộc) hoặc Nguyễn Hữu Tài, nhân viên Viện. Năm 2021, ông Huỳnh Nguyễn Lộc đã nộp hơn 40 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của Hội Đông y TP.HCM ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trong đó, bị can Lộc khai có 37 tỷ đồng nằm trong số tiền bị can này nhận từ Cách. Tuy nhiên, kết quả điều tra không có cơ sở xác định nội dung này.

Quá trình điều tra, Hội Đông y TP.HCM cho biết số tiền bị can Lộc nộp còn dư hơn 14 tỷ đồng. Hội đã chủ động nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan ANĐT Bộ Công an để khắc phục hậu quả cho hành vi của bị can Lộc.

Sau khi Cách bị khởi tố, bắt tạm giam, cựu Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM đưa 9 tỷ đồng cho Phạm Văn Chuân nộp vào tài khoản của bà Bùi Thị Thanh Hương (con dâu Cách). Trong đó, có 2 tỷ đồng trả nợ Cách (vay vào tháng 9-2023) và 7 tỷ đồng trả lại một phần tiền chi phí hoa hồng đã nhận.

Số tiền 7 tỷ đồng này là tiền liên quan hành vi phạm tội nên Cơ quan ANĐT cho rằng cần được xem xét, xử lý trong vụ án.

Liên quan, bị can Nguyễn Mạnh Quyền bị đề nghị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hối lộ”. Theo đó, Công ty cổ phần Y dược LanQ có trụ sở tại tỉnh Bắc Giang, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động bệnh viên, trạm y tế, khám chữa bệnh đa khoa, y học cổ truyền. Bệnh viện Y học cổ truyền LanQ thuộc sở hữu của Công ty Y dược LanQ.

Cuối năm 2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 15/2019/TT-BYT cho phép các cơ sở y tế tư nhân được phép tự lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc theo quy định của Luật Đấu thầu. Bị can Nguyễn Mạnh Quyền và bị can Phạm Văn Cách bàn bạc, thống nhất khi Công ty LanQ tổ chức đấu thầu, Công ty Sơn Lâm phối hợp để là đơn vị duy nhất trúng thầu với giá cao. Sau đó, hợp thức giá thuốc đầu vào, quyết toán với BHXH Bắc Giang, chia nhau hưởng lợi.

Thực hiện thỏa thuận trên, Quyền và Cách chỉ đạo nhân viên phối hợp với nhau tạo lợi thế cho Công ty Sơn Nam, bố trí Công ty cổ phần Dược Nam Hà chi nhánh Nam Định làm quân xanh để qua mặt cơ quan chức năng nếu bị thanh tra, kiểm tra.

Với sự sắp xếp và dàn dựng trên, Công ty Sơn Lâm đã trúng thầu, ký hợp đồng mua bán thuốc với Công ty LanQ, tổng trị giá hơn 64 tỷ đồng.