Cách thức cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết chiếm đoạt 3.620 tỉ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành Kết luận điều tra, đồng thời đề nghị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch FLC ) và 20 bị can về các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Giúp sức tích cực cho Trịnh Văn Quyết còn có 2 em gái của bị can này là Trịnh Thị Minh Huế - cựu Kế toán Tập đoàn FLC và bị can Trịnh Thị Thúy Nga - cựu Phó tổng Công ty chứng khoán BOS.

Theo kết luận điều tra, bị can Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC, là người có trình độ hiểu biết về pháp luật và lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán. Trịnh Văn Quyết sáng lập Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và 50 công ty liên quan khác.

Cựu Chủ tịch FLC - Trịnh Văn Quyết.

Cựu Chủ tịch FLC - Trịnh Văn Quyết.

Cựu Chủ tịch FLC đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế cùng những người liên quan thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, thu lời bất chính 723 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 3.620 tỉ đồng của các nhà đầu tư thông qua nâng khống vốn điều lệ Công ty CP Xây dựng Faros.

“Làm xiếc” cổ phiếu thu lời bất chính 723 tỉ đồng

Cụ thể, Kết luận điều tra thể hiện, bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân của 45 cá nhân, thành lập đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán tại 41 công ty chứng khoán.

Trong đó 141 tài khoản mở tại Công ty Chứng khoán BOS, 359 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác (trong đó, Quyết đứng tên 23 tài khoản).

Để thực hiện việc thao túng thị trường chứng khoán, Quyết chỉ đạo Nga cấp hạn mức khống cho nhóm tài khoản của Trịnh Văn Quyết mở tại Công ty Chứng khoán BOS, kéo dài từ năm tháng 5-2017 đến tháng 1-2022.

Theo lệnh Quyết, Nga chỉ đạo nhân viên thực hiện 1.568 lần cấp hạn mức cho 79 trong số 141 tài khoản nói trên với tổng giá trị hạn mức khống là 170 tỉ đồng. Bị can Huế đã sử dụng các tài khoản này đặt 15.128 lệnh mua với khối lượng 2,8 triệu cổ phiếu gồm các mã AMD, HAI, GAB, ART, FLC.

Sau khi đặt lệnh mua, Huế tiếp tục thực hiện các hành vi hủy lệnh, khớp chéo giữa các tài khoản với nhau hoặc mua vào với số lượng lớn cổ phiếu cùng một mã cổ phiếu để thực hiện hành vi thao túng.

Sau khi tạo cung cầu giả tạo đối với 5 mã chứng khoán nhóm FLC nói trên, khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của anh trai, Huế bán cổ phiếu ra thị trường, giúp cựu Chủ tịch FLC thu lợi bất chính 723 tỉ đồng.

Để che giấu hành vi phạm tội, Quyết chỉ đạo nhân sự ở Công ty chứng khoán BOS ký chứng từ, ủy nhiệm chi thanh toán bù trừ, hợp thức việc cấp hạn mức khống và hạch toán báo cáo tài chính.

Ngoài ra, Trịnh Văn Quyết biết trước khi bán cổ phiếu phải báo cáo Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc dự kiến giao dịch nhưng vẫn chỉ đạo Huế, sử dụng tài khoản của Quyết bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 10-1-2022 với tổng giá trị khớp lệnh là 1.689 tỉ đồng.

Tuy nhiên, UBCKNN đã kịp thời hủy bỏ giao dịch, ngăn chặn việc thu lợi bất chính gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán.

Chiếm đoạt 3.620 tỉ đồng từ việc góp vốn khống

Quá trình thao túng chứng khoán và dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản, Kết luận điều tra vụ án chỉ rõ, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo hai em gái cùng các bị can liên quan đứng tên là cổ đông để thực hiện việc góp vốn khống.

Những cá nhân này sau đó đã ký khống các chứng từ như: Ủy nhiệm chi, Giấy nộp tiền mặt; Giấy rút tiền mặt ... để Huế sử dụng làm thủ tục nộp tiền vào, rút tiền ra, rồi nộp lại... quay vòng nhiều lần. Tổng cộng, Faros đã 5 lần tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần.

Tiếp đó, Quyết chỉ đạo Huế soạn thảo để 3 cá nhân là Giám đốc Faros ở từng giai đoạn, ký 115 hợp đồng chuyển tiền ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, cho vay vốn khống với 12 doanh nghiệp và 6 cá nhân để hạch toán hợp thức cho việc rút số tiền góp vốn và che mắt cơ quan chức năng.

Đến thời điểm thu hồi các khoản ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, cho vay vốn..., Quyết ký nhiều Nghị quyết HĐQT Faros mua cổ phần các công ty thuộc nhóm FLC để che giấu việc rút vốn.

Kết luận điều tra nêu rõ, dù biết việc nâng khống vốn điều lệ Faros như trên là vi phạm pháp luật nhưng Quyết vẫn thực hiện.

Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP. HCM nhưng Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị chấp thuận cho doanh nghiệp đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu ROS tại Sở GDCK - TP. HCM.

Đến ngày 24-8-2016, Sở GDCK TP HCM có quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu ROS với số lượng 430 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng, tổng giá trị cổ phiếu theo mệnh giá 4.300 tỉ đồng, giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.

Trụ sở Tập đoàn FLC trước ngày cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt.

Trụ sở Tập đoàn FLC trước ngày cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt.

Từ tháng 9-2016 đến tháng 3-2022, Quyết giao cho Huế sử dụng các tài khoản dưới tên Trịnh Văn Quyết và 40 tài khoản chứng khoán nhờ người đứng tên để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu ROS.

Bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Huế bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống (cổ phiếu không đảm bảo giá trị) thu được 4.818 tỉ đồng.

Tại ROS, số tiền thực góp của các cổ đông là 1.197 tỉ đồng, được sử dụng cho các hoạt động tổng thầu thi công các dự án của FLC trước khi niêm yết. Do đó, CQĐT xác định số tiền các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS, dẫn đến bị chiếm đoạt là 3.620 tỉ đồng.

Tại CQĐT, ban đầu Quyết thành khẩn khai báo về việc chỉ đạo Huế và đồng phạm. Nhưng khi CQĐT khởi tố bổ sung hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cựu Chủ tịch FLC thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đồng thời đổ trách nhiệm cho em gái và những người liên quan.

Kết luận điều tra cho rằng, mặc dù Trịnh Văn Quyết phạm tội lần đầu, là chủ doanh nghiệp, tạo được nhiều việc làm cho người lao động nhưng đã lợi dụng các quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thu lợi bất chính đặc biệt lớn, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thị trường chứng khoán và nền kinh tế, gây bức xúc cho xã hội.