Cách thức các phó giám đốc sở nhận hối lộ trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại cáo trạng truy 17 bị can trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, 5 người phạm tội “Nhận hối lộ”, trong đó có 3 cựu phó giám đốc sở.

Đó là bị can Trần Tùng (cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên), Nguyễn Văn Văn (cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) và Lê Ngọc Tường (cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam). Bị can Tùng còn bị truy tố thêm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành đưa công dân về nước dưới ba hình thức là chuyến bay giải cứu, chuyến bay "combo" và chuyến bay đơn lẻ phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch.

Bị can Trần Tùng - cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên.

Bị can Trần Tùng - cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên.

UBND các tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, ra văn bản chấp thuận chủ trương cho các doanh nghiệp đưa công dân về địa phương cách ly. Lợi dụng chủ trương này, một số cá nhân tại UBND các tỉnh, thành phố đã trực tiếp hoặc qua trung gian thỏa thuận đưa nhận hối lộ số tiền lớn.

Ở giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan tố tố làm rõ, tại Thái Nguyên, Sở Ngoại vụ được giao chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh và các địa phương để thẩm định điều kiện nhập cảnh và cách ly y tế.

Khoảng cuối năm 2020, ông Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đã bị xét xử ở giai đoạn 1) thông qua giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên Nguyễn Đình Việt để liên hệ với bị can Trần Tùng. Ông Nam đề nghị tạo điều kiện đưa công dân từ Nhật Bản về nước cách ly tại Thái Nguyên.

Cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên đồng ý và nói "khi nào có khách sạn trống sẽ thông báo cho ông Nam biết". Đầu tháng 3-2021, Trần Tùng gọi điện cho ông Nam thông báo đã có địa điểm cách ly và đề nghị gửi công điện về UBND tỉnh Thái Nguyên.

Trước khi gửi công điện về UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Hồng Nam giới thiệu và cho Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh) số điện thoại của Tùng để liên hệ thủ tục xin cách ly cho công dân. Nghĩa sau dó gọi điện thoại đề nghị Trần Tùng cho Công ty Nhật Minh được tổ chức các chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về cách ly tại Thái Nguyên.

Trong cuộc gặp tại một nhà hàng ở Thái Nguyên, bị can Trần Tùng yêu cầu Nghĩa cho Công ty Sen Vàng Đất Việt do Trần Thị Quyên làm giám đốc thực hiện việc cách ly, với chi phí trọn gói là 18 triệu đồng/khách.

Song khi ký hợp đồng với Công ty Sen Vàng Đất Việt chỉ thể hiện 10-12 triệu đồng/khách cách ly. Số tiền chênh lệch từ 6-8 triệu đồng còn lại sẽ chuyển ngoài hợp đồng cho Quyên để chuyển lại cho Tùng.

Những cá nhân đã bị xét xử tại giai đoạn 1 vụ án "chuyến bay giải cứu".

Những cá nhân đã bị xét xử tại giai đoạn 1 vụ án "chuyến bay giải cứu".

Do chi phí trọn gói (trong đó có việc chi phí xin văn bản chấp thuận) Tùng đưa ra quá cao nên Nghĩa xin giảm nhưng Tùng không đồng ý. Vì vậy, giám dốc doanh nghiệp buộc phải đồng ý theo yêu cầu của Tùng.

Theo "kịch bản" phó giám đốc Sở Ngoại vụ đưa ra, bị can Quyên sẽ lo trọn gói các thủ tục cách ly cho khách tại Thái Nguyên. Công ty Nhật Minh sau đó đã được tổ chức 3 chuyến bay đưa 668 người về cách ly tại Thái Nguyên. Nghĩa vì thế phải 3 lần chuyển hơn 11 tỷ đồng cho Quyên, trong đó 4,4 tỷ đồng được chuyển cho bị can Tùng.

Ngoài hành vi trên, bị can Trần Tùng còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm trái công vụ, hưởng lợi bất chính gần 3,3 tỷ đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly y tế đối với 5 chuyến bay của bà Bùi Thị Kim Phụng (đại diện Công ty Fujitravel, Nhật Bản).

Tại Quảng Nam, 2 cựu phó giám đốc sở Nguyễn Văn Văn, Lê Ngọc Tường cũng được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động đón công dân hồi hương cách ly y tế trên địa bàn tỉnh.

Cuối tháng 5-2021, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó giám đốc Công ty Bluesky) liên hệ, rồi đến phòng làm việc của Văn, Tường để trao đổi về các công ty của Hằng đã được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương.

Bị can Văn và bị can Tường đồng ý, sau đó phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh tiếp nhận công dân về nước trên 56 chuyến bay do nhóm Hằng thực hiện. Mọi việc hanh thông, Hằng đã 5 lần đưa tiền với tổng số 450 triệu đồng cho bị can Văn. Trong đó 4 lần đưa, mỗi lần 100 triệu đồng khi Hằng đến gặp Văn đưa công văn xin chủ trương cách ly. Lần cuối cùng, Hằng đến nhà Văn đưa 50 triệu đồng.

Nguyễn Thị Thanh Hằng cũng 4 lần đến phòng làm việc gặp, mang theo công văn và đưa tổng cộng 400 triệu đồng cho Lê Ngọc Tường.