Cách tân là lẽ sống của thơ

(ANTĐ) - Các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt. Các cụ nao nao vì tiếng trùng đêm khuya, ta bâng khuâng vì tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì ta cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh...

Cách tân là lẽ sống của thơ

(ANTĐ) - Các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt. Các cụ nao nao vì tiếng trùng đêm khuya, ta bâng khuâng vì tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì ta cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh...

Cái ái tình của các cụ chỉ là sự hôn nhân, cái ái tình của ta thì trăm hình muôn dạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình trong giây phút, cái tình ngàn thu – phát ngôn gây sốc của nhà thơ Lưu Trọng Lư năm 1934 đã khiến phe thơ già đuối lý mà nhường bước cho Thơ Mới với những cách tân táo bạo đủ để tạo nên cả “một thời đại trong thi ca” Việt Nam.

Giờ đây, cuộc tranh cãi trên thi đàn giữa các thế hệ nhà thơ trẻ già trong quá khứ dường như đang bắt đầu trở lại quay quanh câu hỏi muôn đời: cách tân hay không cách tân?

Cách tân là lẽ sống của thơ - đó là khẳng định của nhà thơ Hoàng Hưng tại buổi tọa đàm “Thơ - Tìm tòi và cách tân”. Không ai phản đối ý kiến đó. Nhưng buổi tọa đàm đã nhanh chóng trở thành cuộc tranh luận, mỗi lúc một gay gắt hơn, mặc dù ai cũng đồng ý là phải cách tân, phải đổi mới.

Nguyên do là bởi cái quan niệm về cách thức, giới hạn, nội dung của cách tân như thế nào đã không có được tiếng nói chung. Một bên cho rằng: thơ đổi mới từng ngày, một bài thơ sau viết hay hơn bài thơ trước cũng là đổi mới và phản đối kịch liệt dòng thơ “đọc không ai hiểu gì” cùng tư tưởng “tôi viết chẳng vì ai cả” của các nhà thơ trẻ hiện nay.

Bên còn lại quan niệm: thơ Việt Nam hiện tại đòi hỏi một cuộc cách mạng đổi mới toàn diện và mạnh mẽ chứ không phải những thay đổi nhỏ lẻ, chậm chạp và chấp nhận sự tồn tại của mọi trường phái, mọi quan điểm về thơ và lao động thơ.

Trình diễn thơ - một hình thức để thơ trẻ lôi kéo độc giả
Trình diễn thơ - một hình thức để thơ trẻ lôi kéo độc giả

Thực tế thơ Việt Nam đang cần gì? Sự bình ổn về nội dung và hình thức suốt 80 năm qua, hay một cú đột phá dữ dội đập vỡ mọi cấu trúc hình thức lẫn tư tưởng thơ truyền thống? Con đường nào sẽ khiến thơ Việt Nam đến được với công chúng trẻ và lấy lòng công chúng trẻ? Xét cho cùng, đối tượng chính của thơ phải là người trẻ – người sẽ thay thế lớp độc giả già trong hiện tại.

Những ý kiến thú vị tại cuộc hội thảo “Thơ - Tìm tòi và cách tân”

Nhà văn Tô Hoài: “Thơ hay, thơ dở tôi đều đọc cả. Thơ trẻ tôi lại càng hay đọc, để biết thơ bây giờ ra sao. Nhưng năm ngoái đến Văn Miếu có cô cạo đầu trọc đọc thơ tôi sợ lắm”.

Nhà thơ Vũ Nho: “Ai cách tân cứ lặng lẽ mà cách tân. Đừng hô hào: tôi cách tân đây, tôi đổi mới đây, tôi đập vỡ tôi ra, tôi nhào nặn tôi...”

Nhà thơ Yên Thao: “Đổi mới thế nào thì đổi mới, nhưng để cho tôi hiểu với”.

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Thái: “Trong bối cảnh nền hoà bình thế giới đang bất ổn nghiêm trọng, sự đổi mới của thơ là làm sao giúp con người ta an ninh về tâm hồn”.

Được người trẻ tiếp nhận và yêu thích cũng có nghĩa bài thơ đó sẽ tồn tại mãi với thời gian, vì không ai khác người trẻ mới là người kết nối thời đại. Trong giai đoạn suy thoái chung văn hoá đọc trên toàn cầu, “gọi” được người trẻ về với thơ không hề dễ dàng.

Nhưng trong lúc các nhà thơ già in thơ ra chỉ để biếu tặng thì hàng ngày, giới trẻ vẫn truy cập vào các website để đọc thơ của Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Dạ Thảo Phương, Trương Quế Chi...

Nghĩa là nhu cầu thưởng thức thơ đã thay đổi. Đó cũng là quy luật tất yếu của sự phát triển. Thế hệ sinh ra sau chiến tranh, và trẻ hơn, sinh ra sau đổi mới, khó có thể tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu với những hồn thơ còn đượm mùi khói đạn.

Họ chỉ có thể bị cuốn hút bởi những câu chuyện về tình yêu thần kỳ, về sex, về khát vọng tự tôn bản thể, về nỗi cô đơn khủng khiếp giữa thời đại số, về sự lạc lõng miên man trong xã hội xa lạ, về những ám ảnh nổi tiếng... Đó là những cái gần với cuộc sống của họ, là vấn đề của tâm hồn họ, là tiếng nói của họ.

Người trẻ luôn bị hấp dẫn bởi cái lạ. Một bài thơ có cấu trúc vỡ vụn chắc chắn hấp dẫn họ hơn khổ thơ được xếp hàng tăm tắp với số chữ mỗi câu không đổi. Song không vì thế mà bất cứ cái lạ nào cũng lọt được vào cảm quan của họ.

Nhiều người trẻ vẫn đắm đuối với “Chia tay lần đầu sau bậu cửa/Gặp nhau lần cuối trong chiêm bao” của Trần Quốc Thực hay “Anh về uống cạn dòng sông/Lo em nhan sắc ngồi không chuyến đò” của Trương Nam Hương, và vẫn nhăn mặt, chun mũi trước lối thơ kiểu “đẻ ra/ ra đẻ/ quê hương/ hương quê” hay “jất thích đi một/ con đường ý ngĩ vừa xảy ja/ hoặc những khi bận jộn tôi/ thường coa nại con đường mà/ không cần định hướng” của Bùi Chát. Cái lạ (hình thức) để tiếp cận, nhưng cái hay (nội dung) mới là cái ở lại.

Thơ là tiếng nói của tâm hồn. Không thể bắt một tâm hồn già làm thơ theo lối trẻ và ngược lại, bắt một tâm hồn trẻ làm thơ theo lối già. Sự tồn tại cùng lúc những phong cách thơ khác nhau (truyền thống hay cách tân), cách làm thơ khác nhau (trên giấy hay trên máy tính), mục đích thơ khác nhau (cho bản thân hay cho mọi người) thì đó đều là điều tất yếu của quy luật phát triển tự nhiên.

Mặc những tranh luận, bàn cãi quanh việc cách tân hay không cách tân. Thơ Việt Nam vẫn cứ ngày một khác biệt, ngày một mới lạ, ngày một táo bạo, và ngày một “không hiểu gì” với thế hệ đi qua chiến tranh. Đó cũng không có gì là lạ lùng.

Bởi giữa hai thế hệ khác nhau đã khó hiểu nhau về nhiều quan điểm, nhiều tư tưởng lẫn hành vi, lối sống, nói gì đến thơ - cõi lòng sâu kín và tinh tế nhất trong mỗi con người.

Không có mấy nhà thơ trẻ có mặt tại buổi hội thảo nói lên quan điểm của mình trừ Phan Huyền Thư (từ chối phát biểu) và Nguyễn Vĩnh Tiến (ra ngoài sớm). Rõ ràng, các cây viết trẻ chẳng buồn quan tâm xem các thế hệ đi trước có chấp nhận họ hay không, ủng hộ hay phản đối.

Họ vẫn viết và vẫn có lớp độc giả riêng của mình. Vậy, phải chăng, bàn chuyện cách tân hay không cách tân đang là thừa thãi trong đời sống văn học đương thời?

Hoàng Hồng